Khơi thông dòng vốn đầu tư vào bất động sản du lịch

Thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đang có xu hướng tạo lập giai đoạn mới về loại hình BĐS du lịch, với nhiều sản phẩm mới đã được đầu tư, nhưng khó thực sự phát triển bền vững nếu không được khơi thông dòng vốn đầu tư vào loại hình này.

BĐS du lịch cần được khơi thông dòng vốn để phục hồi thị trường.

Nhận diện thị trường BĐS du lịch

Thị trường bất động sản du lịch đến thời điểm này đã trải qua 4 giai đoạn phát triển. Từ năm 1995 - 1997 là sự phát triển của các dự án resort ở Mũi Né, Kênh Gà, một số dự án tại Đà Nẵng, Hội An... có quy mô nhỏ, vừa, với các mô hình khách sạn cao tầng, khu liền kề, biệt thự. Do ít dự án, nên mô hình này hoạt động kinh doanh tốt.

Giai đoạn từ năm 2005 - 2007 là sự phát triển mạnh của các resort tại Đà Nẵng, Nha Trang, với hàng loạt tên tuổi du lịch sinh thái, du lịch biển, khu vui chơi giải trí, các tiện ích cao cấp được hình thành cùng với sự phát triển mạnh của nền kinh tế và đến năm 2008 - 2010, thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng có sự điều chỉnh, không có các dự án mới được triển khai. Sau đó, đến năm 2011 - 2013, thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng suy giảm, gặp khó khăn tiếp cận tín dụng, vì lãi suất cao, khiến nhiều dự án ngưng trệ, chuyển nhượng. Song, thị trường hình thành loại hình BĐS du lịch mới như Villa, condotel-officetel...

Giai đoạn 2014 - 2018 là sự phát triển mạnh mẽ các resort tại Cam Ranh, Hạ Long, Phú Quốc... Tuy nhiên, bên cạnh những dự án lớn mới khởi công, khá nhiều dự án là phần tiếp theo của giai đoạn 2005 - 2007. Vì vậy, quy mô các resort vẫn ở tầm mức những dự án thành phần, không phải là những dự án tổng hợp, dẫn đến khó điều chỉnh, hợp nhất các dự án quy mô nhỏ thành các đại resort - xu thế tất yếu của thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng.

Đến giai đoạn 2021 - 2023 là sự phát triển mạnh mẽ các khu đại resort tại Bình Định, Vân Đồn, Phan Thiết... Những dự án này có quy mô lớn, giá trị cao, với những chủ đầu tư có tiềm lực kinh tế mạnh đang đầu tư những dự án BĐS du lịch đồng bộ. Đây là nhóm các địa bàn được kỳ vọng sẽ phát triển thời gian tới, vì loại hình villa, condotel-officetel đã và đang có một diện mạo rõ ràng.

Qua tìm hiểu, thị trường BĐS du lịch đã hình thành tương đối, nhưng hiện nay vẫn chưa có văn bản pháp luật riêng biệt nào quy định đối với villa, condotel-officetel mặc dù Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu các cơ quan hữu quan nghiên cứu và ban hành văn bản liên quan. Trên thực tế, BĐS du lịch là loại hình BĐS đa chủ sở hữu, đa mục đích sử dụng, đa chủ thể vận hành, đa chủ thể hưởng lợi, do đó, pháp lý hiện hành chưa có cơ chế phù hợp quản lý.

Về vấn đề này, PGS. TS. Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, do thiều khung chính sách quy định quản lý loại hình BĐS du lịch, nên nhiều dự án hiện có xu hướng biến thành khu nhà ở, mặc dù đất của dự án là đất du lịch. Từ năm 2019 - 2021, do tác động của đại dịch COVID-19, thị trường BĐS du lịch đóng băng và hiện chưa có các văn bản quy phạm pháp luật vẫn không được ban hành mới để xử lý hay dẫn dắt thị trường...

Khơi thông dòng vốn

Trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau dịch, Việt Nam đang là một trong những quốc gia thu hút vốn đầu tư nước ngoài mạnh, đã tham gia ký kết nhiều hiệp định hợp tác quốc tế và khu vực (CPTPP, RCEP, EVFTA, UK FTA, ASEAN…) và đến nay, các hiệp định này đã đi vào thực hiện, kéo theo nguồn vốn vận hành. BĐS nói chung và BĐS du lịch nghỉ dưỡng nói riêng sẽ được hưởng lợi nhờ sự vận hành nguồn vốn này. Bên cạnh đó, Việt Nam đã mở cửa trở lại với du lịch và đón khách quốc tế, tạo điều kiện cho BĐS du lịch đón làn sóng đầu tư mới.

Đón làn sóng đầu tư mới này, theo các chuyên gia BĐS, Nhà nước cần ban hành văn bản pháp lý cao để thị trường BĐS du lịch làm căn cứ vận hành. Trong đó, định danh cụ thể các loại hình BĐS du lịch được kinh doanh; quy chuẩn về xây dựng, pháp lý, tài chính của các chủ thể tham gia; hướng xử lý những sản phẩm đã tham gia thị trường; quy định rõ trách nhiệm của các bên trong việc tham gia vào sự ra đời của BĐS du lịch và đưa ra những chế tài cụ thể đối với sản phẩm và thị trường.

Còn theo ông Trần Kim Chung, Bộ Xây dựng là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý thị trường BĐS cần tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ngành những quy định cụ thể liên quan đến quản lý, sử dụng, giao dịch. Về mặt đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chịu trách nhiệm cấp giấy chứng nhận sở hữu cần nghiên cứu quy trình cấp cụ thể về tài sản là BĐS du lịch. Thêm vào đó, Ngân hàng cũng cần nghiên cứu BĐS du lịch có phải tài sản có thể chấp nhận cho thế chấp không... Đặc biệt, ngành Tài chính cần có những hướng dẫn về quỹ đầu tư, trái phiếu… để có thể tạo dòng tiền cho giao dịch sản phẩm BĐS du lịch và định giá, áp giá, thuế đối với sản phẩm này.

"Những vấn đề trên cần tiếp cận giải quyết một cách hệ thống, nhằm đảm bảo BĐS du lịch có cơ quan quản lý rõ ràng, minh bạch. Để khơi thông vốn vận hành vào thị trường BĐS du lịch giai đoạn 2022 - 2025 và tầm nhìn 2030, hạn chế được bất cập, các bộ, ngành liên quan đều phải vào cuộc thống nhất tháo gỡ các vướng mắc, góp phần thúc đẩy thị trường BĐS du lịch và nền kinh tế hồi phục", ông Trần Kim Chung chia sẻ.

Vân Sơn/Theo Báo Tin tức

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/khoi-thong-dong-von-dau-tu-vao-bat-dong-san-du-lich-a1015.html