Kiểm tra nồng độ cồn. |
Theo số liệu từ Cục Cảnh sát giao thông, trong quý I/2023, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc phát hiện hơn 750.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 1.300 tỷ đồng, tước 139.000 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn; tạm giữ 224.957 phương tiện các loại.
Trong 5 ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5 vừa qua, cả nước có gần 16.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý (trung bình 1 ngày có hơn 3.000 tài xế bị xử phạt).
Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, số vụ tai nạn giao thông do uống rượu, bia gây ra chiếm khoảng 20% số vụ tai nạn. Việc tăng cường xử lý nồng độ cồn trên các tuyến giao thông đã góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông do uống bia, rượu gây ra, có tác dụng tích cực trong việc hình thành thói quen không uống rượu bia trước khi lái xe.
Tuy nhiên, từ khi cảnh sát giao thông tăng cường các chốt đo nồng độ cồn thì một thực trạng đáng báo động và đang có xu thế lan truyền tại không ít địa phương là tình trạng thông báo cho nhau về chốt giao thông trên các hội, nhóm mạng xã hội để giúp một số người uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông "né" chốt. Đây là hành vi tiềm ẩn nhiều hệ lụy cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và ý thức chấp hành của toàn thể người dân, qua đó tạo dựng nên nét đẹp văn hóa trong tham gia giao thông.
Lực lượng công an đã xử phạt nhiều quản trị viên, người sử dụng mạng xã hội về hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật. Cụ thể, trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Kon Tum phối hợp Công an TP Kon Tum xử phạt hai chủ tài khoản đăng bài viết trên Facebook nhằm mục đích cảnh báo người vi phạm tránh né chốt xử lý nồng độ cồn, mỗi trường hợp 5 triệu đồng.
Trong vụ việc khác, ngày 27/4, Công an TP Hà Nội ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cô gái đăng tải hình ảnh chụp lại vị trí làm việc của lực lượng cảnh sát giao thông lên mạng xã hội với số tiền 7,5 triệu đồng.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, thời gian gần đây lực lượng Công an Hà Tĩnh đã phát hiện nhiều Fanpage, hội, nhóm kín trên các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook…) có hành vi chia sẻ thông tin liên quan hoạt động của lực lượng cảnh sát giao thông cho người tham gia giao thông tìm cách né tránh, cụ thể như: nhóm Facebook "Hội Lái Xe 38 Hà Tĩnh" (hơn 12 nghìn thành viên), nhóm Zalo "Giao Thông An Toàn" (có thời điểm đạt 1.000 thành viên)...
Công an Hà Tĩnh phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 22 trường hợp đăng tải nội dung báo chốt làm nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát giao thông trên địa bàn tỉnh, phạt tiền hơn 122 triệu đồng.
Để ngăn chặn và tiến tới chấm dứt tình trạng này, các Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao công an các tỉnh, thành phố có đối tượng vi phạm đã tập trung sử dụng tổng thể các biện pháp nghiệp vụ xác minh, phân công lực lượng chức năng trực tiếp làm việc với nhiều cá nhân có hành vi đăng tải thông tin liên quan đến hoạt động của lực lượng cảnh sát giao thông trên các hội nhóm.
Tại cơ quan công an, các đối tượng đều thừa nhận hành vi của mình là vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng hoạt động của cơ quan nhà nước.
Để tạo được thói quen không lái xe khi đã uống rượu bia, đội mũ bảo hiểm khi đi mô-tô, xe máy, cần phải kiên trì để mọi người cùng thay đổi nhận thức và việc đo nồng độ cồn cần được ngành công an duy trì thường xuyên, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm; đồng thời cần có chế tài phạt nặng hơn đối với những người cố tình lập nhóm báo chốt kiểm tra nồng độ cồn.
ĐINH SỸ TẠO
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/tao-y-thuc-thuc-hien-van-hoa-giao-thong-a10260.html