Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Paris về chuyến tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng Hội đồng Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 5-8/6 của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh chuyến thăm mang nhiều ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ song phương.
Theo Đại sứ, đây là chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam tới Pháp kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược cách đây tròn 10 năm.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn trước hết là hoạt động đóng góp vào việc kỷ niệm và nhấn mạnh ý nghĩa của 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp. Chuyến đi cũng là dịp khẳng định nhận thức chung về tầm nhìn của mối quan hệ cũng như quyết tâm thúc đẩy các đối tác hai bên đưa ra các kết nối sâu rộng hơn, chặt chẽ hơn và nhất là đáp ứng được yêu cầu của cả hai nước trong bối cảnh mới.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng nêu rõ chuyến thăm cũng cho thấy chính sách đối ngoại của Việt Nam và Pháp có những điểm giao thoa quan trọng, đều đang mạnh mẽ hướng tới hợp tác và hòa bình, an ninh và phát triển.
Với vai trò nòng cốt tại châu Âu, Pháp đang tích cực triển khai một chính sách năng động và toàn diện hướng tới khu vực ở châu Á-Thái Bình Dương.
Với chính sách hội nhập chủ động, tích cực và các thành tựu phát triển, tiềm năng tăng trưởng, Việt Nam ngày càng nâng cao vị thế của mình trong ASEAN và các cơ chế hợp tác tại khu vực, đồng thời tiếp tục triển khai mạnh mẽ chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, thắt chặt quan hệ với các đối tác quan trọng ở châu Âu.
Đứng trước những thách thức mới đặt ra trong bối cảnh cả hai nước đều đang tập trung nỗ lực phục hồi kinh tế đi đôi với đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng và phát triển của mình, chuyến thăm góp phần thúc đẩy tìm tòi những hướng đi hợp tác mới để đáp ứng các yêu cầu của giai đoạn hiện nay đang đặt ra ngày càng khẩn trương và đa dạng hơn cả về phát triển bền vững cũng như tăng cường tính tự cường, củng cố chỗ đứng của hai nước trong những chuyển dịch hiện nay của kinh tế thế giới.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng nêu rõ trong 5 thập kỷ qua, quan hệ Việt Nam-Pháp đã có những bước phát triển mạnh mẽ, vừa phát huy được mối quan hệ hữu nghị truyền thống với những gắn kết sâu sắc về lịch sử, văn hóa và sự thân thiết, gần gũi giữa nhân dân hai nước, vừa xây dựng những mối hợp tác đa dạng, đa lĩnh vực và phát triển những mối hợp tác đó toàn diện hơn, tạo thêm những mối gắn kết mới hiệu quả và thiết thực.
Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp từ khi được thiết lập cũng đã nhanh chóng phát huy nền tảng hợp tác song phương để có những bước triển khai cụ thể, đa dạng trên các lĩnh vực then chốt. Hai nước duy trì nhiều cơ chế trao đổi thường xuyên về cả chính trị, kinh tế, quốc phòng và đã ký hàng loạt các thỏa thuận, hiệp định mới làm cơ sở pháp lý cho hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên. Tần suất các chuyến thăm, điện đàm, tiếp xúc bên lề các hội nghị, sự kiện quốc tế giữa lãnh đạo cấp cao hai nước trong thời gian qua thể hiện quan hệ chính trị khăng khít giữa Việt Nam và Pháp.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng khẳng định hai nước đang đứng trước nhiều cơ hội để đưa hợp tác Việt Nam-Pháp lên tầm cao mới trong những năm tới và những thập kỷ tới với sự quyết tâm của các nhà lãnh đạo, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, sự tích cực của các đối tác trên mọi lĩnh vực. Mối quan hệ hợp tác vững chắc giúp cho hai nước tiếp tục xây dựng sức mạnh và chỗ đứng của mình trong một thế giới đang có nhiều biến động và rất cần các mối hợp tác tăng cường để cùng ứng phó với các thách thức chung về phát triển và ổn định.
Đại sứ cho biết trong khuôn khổ các hoạt động tại Pháp, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn dự kiến cũng sẽ có các cuộc gặp gỡ, trao đổi với Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Tổng Thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Tổng Thư ký OECD nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ với các tổ chức này đi vào chiều sâu.
Với UNESCO là tiếp tục phát huy kết quả chuyến thăm Việt Nam vào tháng 9/2022 của Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay, tranh thủ sự ủng hộ của Ban lãnh đạo và Ban Thư ký UNESCO về các ý tưởng, trí thức, nguồn lực phục vụ phát triển sau đại dịch COVID-19 cũng như tranh thủ ủng hộ các nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới tại Việt Nam.
Với OIF là củng cố vai trò tiên phong trong xây dựng Chiến lược Kinh tế Pháp ngữ, đẩy mạnh và phát huy những kết quả của Chương trình Xúc tiến Thương mại và Kinh tế Pháp ngữ đầu tiên tại Hà Nội hồi tháng 3/2022 và Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 18 tại Tunisia vào tháng 11/2022.
Với OECD, trong vai trò đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á tại OECD (SEARP) trong 3 năm tới, Việt Nam nỗ lực thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ và chia sẻ với các nước thành viên và các nước đối tác, thể hiện sự chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong các nhiệm vụ quốc tế.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng nêu rõ là nước đồng Chủ tịch của SEARP giai đoạn 2022-2025, Việt Nam đang có những đóng góp tích cực cho việc thúc đẩy quan hệ giữa OECD và khu vực Đông Nam Á.
Năm 2022, Việt Nam đã đăng cai tổ chức Diễn đàn Kinh tế OECD - Đông Nam Á cấp Bộ trưởng tại Hà Nội với chủ đề “Kết nối các khu vực: Thúc đẩy quan hệ đối tác hướng đến chuỗi cung ứng tự cường và bền vững."
Tại hội nghị này, OECD và ASEAN đã thông qua Kế hoạch hành động triển khai Biên bản ghi nhớ ASEAN - OECD và Kế hoạch hành động triển khai Biên bản ghi nhớ Việt Nam - OECD. Hội nghị cũng giới thiệu việc thành lập Mạng lưới Doanh nghiệp ASEAN-OECD, với mục tiêu tăng cường gắn kết cộng đồng doanh nghiệp Đông Nam Á và các nước thành viên OECD.
Việt Nam luôn là thành viên của Trung tâm Phát triển OECD, tham gia tích cực vào các hoạt động của trung tâm trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, tài chính, cho đến giáo dục, bình đẳng giới…
Hàng năm, Việt Nam đều có đóng góp tích cực cho việc xây dựng Báo cáo Triển vọng Kinh tế Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ của Trung tâm Phát triển OECD. Năm 2024, Việt Nam sẽ cùng Australia và các nước thành viên của Văn phòng SEARP tổ chức các sự kiện quan trọng để kỷ niệm 10 năm thành lập Chương trình của OECD cho khu vực Đông Nam Á.
Đánh giá về triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và OECD, Đại sứ Đinh Toàn Thắng nêu rõ hiện nay, OECD đang có những dự án hợp tác thiết thực nhằm hỗ trợ Việt Nam phân tích, đánh giá hiệu quả chính sách cũng như nhu cầu phát triển của nền kinh tế như phát triển kinh tế số, tăng trưởng xanh.
Trong lĩnh vực tài chính, Việt Nam đã chính thức tham gia Hiệp định đa phương thực hiện các biện pháp liên quan đến Hiệp định thuế về ngăn ngừa xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) và ký kết Hiệp định đa phương về hỗ trợ hành chính thuế (MAAC). Đây là bước đi quan trọng nhằm tiến tới minh bạch hoá hệ thống thuế và tài chính của Việt Nam trong quá trình hội nhập với hệ thống tài chính toàn cầu.
Hội nghị Hội đồng OECD cấp Bộ trưởng 2023 (OECD MCM 2023) là Hội nghị MCM đầu tiên Việt Nam tham dự ở cấp Bộ trưởng và có những đóng góp thiết thực về các chủ đề trung tâm của hội nghị. Điều này đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam và OECD, trong bối cảnh Việt Nam là nước đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á của OECD giai đoạn 2022-2025.
Tại Hội nghị MCM năm nay, OECD cũng hướng tới đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác với khu vực Đông Nam Á và rộng hơn là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Lần đầu tiên, OECD sẽ có Khuôn khổ Chiến lược cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, định hình chính sách hợp tác chung của OECD đối với khu vực này. Năm 2024 sẽ là năm bản lề của Chương trình SEARP, đánh dấu 10 năm ra đời. Đây là những yếu tố tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và OECD trong giai đoạn tới./.
Nguyễn Thu Hà
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/viet-nam-phap-truoc-nhieu-co-hoi-dua-quan-he-hop-tac-len-tam-cao-moi-a10583.html