Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội sáng 6/6, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) nêu vấn đề, nhiều địa phương có tình trạng thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các chủ hộ kinh doanh cá thể trong khi các đối tượng không thuộc diện phải đóng bảo hiểm bắt buộc.
Đại biểu băn khoăn liệu có tiêu cực trong thu bảo hiểm xã hội hay không, đồng thời đề nghị làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan và hướng giải quyết trong thời gian tới.
Đặt lợi ích của người lao động và chủ hộ kinh doanh lên hàng đầu
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, việc thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với hộ kinh doanh cá thể là sai về chủ trương. Trách nhiệm này thuộc về cơ quan tổ chức thực hiện là Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đặc biệt là bảo hiểm xã hội của các địa phương.
Theo Bộ trưởng, việc thu sai này diễn ra từ năm 2003 đến 2016 và đã được phát hiện. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và có văn bản chấn chỉnh, về cơ bản vấn đề này đã được giải quyết.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin thêm, phần lớn các vướng mắc đã được các địa phương linh hoạt xử lý với chủ hộ kinh doanh, nhiều trường hợp đồng ý chuyển sang đóng bảo hiểm tự nguyện, nhiều trường hợp đề nghị thoái thu, có những trường hợp đề nghị chuyển sang bảo hiểm bắt buộc.
“Đây là nội dung chưa được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội, do đó, cần đánh giá rất cụ thể. Tuy nhiên, về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng cần đặt lợi ích của người lao động, của chủ hộ kinh doanh lên hàng đầu. Cơ quan công quyền làm sai thì phải xin lỗi và xử lý theo quy định”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho biết chưa phát hiện được tiêu cực nhưng việc thu này là sai về chủ trương, cần phải xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Về giải pháp căn cơ, Bộ trưởng nêu rõ, trong chương trình xây dựng pháp luật đã đề xuất đưa các chủ hộ kinh doanh cá thể vào nhóm đối tượng đóng bảo hiểm bắt buộc khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội.
Nếu được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết chất vấn Kỳ họp này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội kiến nghị giao Chính phủ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, như cộng nối thời gian đóng bảo hiểm nếu như người lao động có nhu cầu.
Với trường hợp không có nhu cầu có thể chuyển sang bảo hiểm tự nguyện. Trường hợp cả người lao động lẫn cơ quan đều không đồng ý thì cần thoái thu, trả lại quyền lợi cho người lao động, tính lãi ít nhất bằng tăng trưởng của Quỹ Bảo hiểm.
Tham gia giải trình, làm rõ thêm về nội dung trên, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2003, thực hiện chủ trương mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn cho một số tỉnh về đóng bảo hiểm xã hội.
Có 54 tỉnh thu của 4.240 đối tượng từ năm 2003 đến năm 2016, đến năm 2016 thì có chủ trương dừng lại, nhưng có một số đối tượng vẫn nộp tiếp đến năm 2020 thì dừng hẳn.
Bộ trưởng cho rằng, việc thu trên về bản chất và đạo lý thì không có gì sai, nhưng vẫn bị vướng về quy định pháp luật. Cụ thể, quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội là phải có hợp đồng về giao kết bảo hiểm, nhưng ở đây, các chủ hộ kinh doanh không có hợp đồng giao kết, mà chỉ có hợp đồng của họ với nhân viên. Các nhân viên được nộp bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng đối với các chủ hộ thì không có hợp đồng với ai, nên không được nộp bảo hiểm.
Theo Bộ trưởng Tài chính, những đối tượng này vừa là chủ hộ, vừa là người lao động, vừa có thu nhập, nên việc được tham gia bảo hiểm có thể coi là chấp nhận được, nhưng pháp luật lại không quy định, nên có thể kết luận là sai đối tượng.
Bộ trưởng cho biết, tới đây, khi tiến hành sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội sẽ cho phép chủ hộ kinh doanh được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Lên phương án chi 23 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người lao động
Tham gia phiên chất vấn, đại biểu Tráng A Dương (đoàn Hà Giang) cho rằng, dịch Covid-19 lan rộng, tình trạng lao động mất việc làm và rút bảo hiểm xã hội một lần đã ảnh hưởng rất nhiều đến an sinh xã hội. Do đó, đại biểu đặt vấn đề có nên thành lập một quỹ hỗ trợ nhằm giúp người lao động ổn định cuộc sống hay không.
Về kiến nghị này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động hiện này đòi hỏi phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc lập một quỹ như đại biểu đề xuất cũng là một trong các giải pháp có thể cân nhắc.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho hay, khi muốn lập một quỹ nào đó thì cần phải rà soát, nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tác động và tính hiệu quả. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ghi nhận và sẽ nghiên cứu thấu đáo phương án này.
Thông tin thêm về nội dung hỗ trợ người lao động, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2021, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã chi 47.356 tỷ đồng hỗ trợ người lao động nhiễm Covid-19, trong đó 30,8 nghìn tỷ đồng hỗ trợ những người bị ảnh hưởng. Số dư quỹ hiện nay là 59.357 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ trưởng, một gói hỗ trợ người lao động đang được thiết kế để trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cụ thể sẽ chi khoảng 23 nghìn tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn này.
VĂN TOẢN