Nền tảng và sức đột phá của công nghiệp quốc phòng

Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của nền công nghiệp quốc gia là chủ trương chiến lược, xuyên suốt của Ðảng, Nhà nước, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Lãnh đạo Tổng cục Công nghiệp quốc phòng kiểm tra công tác nghiên cứu, sản xuất tại các đơn vị trực thuộc. (Ảnh ANH TUẤN)
Lãnh đạo Tổng cục Công nghiệp quốc phòng kiểm tra công tác nghiên cứu, sản xuất tại các đơn vị trực thuộc. (Ảnh ANH TUẤN)

Động lực và sản phẩm chiến lược

Cuối năm ngoái, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2022 đã thu hút 30 quốc gia với 170 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh tham gia. Sản phẩm công nghiệp quốc phòng Việt Nam được sự quan tâm đặc biệt của giới chuyên môn trong và ngoài nước. Triển lãm ghi dấu ấn thành công của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng.

Chiếc nôi sản xuất, sửa chữa vũ khí, đạn dược cho đất nước: “làng quân giới”, tức Nhà máy Z113 - đơn vị anh hùng, từ một công xưởng nơi thâm sơn cùng cốc, qua gần bảy thập kỷ sản xuất phục vụ các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, nay đã là công xưởng hiện đại. Với truyền thống và năng lực sản xuất phát triển “từ thô sơ, tự lực cánh sinh vươn lên hội nhập quốc tế”; hàng nghìn nhân lực công nghiệp quốc phòng cùng hàng nghìn hộ gia đình quân giới nơi đây là di sản vô giá.

Ðược biết, nhiều năm gần đây, từ chủ trương của cấp trên, nhà máy tập trung tăng cường đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao bảo đảm tính kế thừa, chuyên sâu. Ðại tá Trần Thanh Bình, Bí thư Ðảng ủy Z113 trao đổi, nhà máy coi trọng phát huy truyền thống, ứng dụng mô hình quản trị tiên tiến. Ðược biết quỹ đầu tư phát triển sáng tạo của công ty lên tới hàng chục tỷ đồng.

Tại Xí nghiệp 4, Thiếu tá, Giám đốc Phan Văn Thái là kỹ sư trẻ cùng các cộng sự trong xí nghiệp đã giải bài toán thách thức trong cải tiến dây chuyền sản xuất vật liệu nổ thay thế nhập khẩu, hiệu quả sản xuất cao. Ðề tài cấp Tổng cục do anh là chủ nhiệm đồng thời cho ra sản phẩm mới xuất khẩu trong khu vực.

Tại Xí nghiệp 1, Trung tá, Giám đốc Mai Thanh Uyên cùng các kỹ thuật viên, công nhân Ðào Ngọc Dương, Ðỗ Thị Nga có hàng chục sáng kiến cải tiến quy trình, nâng cao năng suất lao động. Với sự nỗ lực của đội ngũ quân giới ở đây đã giúp doanh nghiệp tăng trưởng 30% khi thực hiện “mục tiêu kép”, có các sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu trong nước và mở rộng xuất khẩu.

Từ một xí nghiệp sửa chữa hai mươi năm trước, Nhà máy Z189 đã phát triển thành doanh nghiệp đóng tàu. Thượng tá, Phó Giám đốc Ðào Minh Thắng trao đổi, bài học lớn của Ðảng ủy, Ban Giám đốc nhà máy là bám sát chủ trương của cấp trên, chủ động triển khai, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cùng các phương pháp quản lý tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, kinh doanh.

5 năm qua, nhà máy thực hiện nghiên cứu, triển khai thành công 5 đề tài cấp Tổng cục, 192 sáng kiến vào sản xuất tạo sức đột phá về năng lực sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Nhà máy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đóng mới, sửa chữa tàu quân sự, tàu kinh tế, xuất khẩu và các dự án quốc phòng trọng điểm. Hàng loạt sản phẩm loại tàu cỡ lớn như tàu tìm kiếm, cứu nạn, tàu ngầm đa năng hiện đại được đóng mới trang bị cho Quân chủng Hải quân, có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tăng cường sức mạnh chiến đấu của quân đội.

Nhà máy cũng đóng mới thành công các loại tàu, sà-lan xuất khẩu có giá trị kinh tế cao, trong đó có những loại chuyên dụng, hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, tiêu biểu như: tàu Aquacat, tàu DFe 3508, các sà-lan AM400C, AM400CL, AM240CL, AC600VR, AJ96, Series 3, Series 5, FB330, JB40, LiBa 7820…

Trong đội hình ngành đóng tàu, nhà máy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghiên cứu, đóng mới thành công một số loại tàu quân sự hiện đại. Các sản phẩm yêu cầu kỹ thuật cao, phức tạp, được trang bị vũ khí, khí tài hiện đại, lần đầu tiên được đóng mới tại Việt Nam. Các con tàu này bảo đảm hoạt động dài ngày trên biển, phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Trong đội hình cơ quan nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự, Viện Thuốc phóng, Thuốc nổ có bề dày gần 50 năm trong lĩnh vực nghiên cứu, chế thử, thử nghiệm các loại thuốc phóng, thuốc nổ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng và kinh tế. Ðại tá, Tiến sĩ, Viện trưởng Phạm Văn Toại, Ðại tá, Chính trị viên Vũ Văn Huyên cùng cho biết, với mục tiêu chủ động, nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm chuyên ngành, Viện luôn gắn nghiên cứu với sản xuất, bảo đảm là chỗ dựa khoa học, công nghệ cho các nhà máy.

Viện đã triển khai thực hiện 70 đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp, trong đó 9 đề tài, nhiệm vụ cấp quốc gia, 18 đề tài, nhiệm vụ cấp Bộ Quốc phòng cùng 60 công trình khoa học được công bố trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước. Viện luôn hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ nghiên cứu thiết kế, làm chủ và triển khai công nghệ sản xuất vật liệu nổ, đạn dược góp phần xây dựng quân đội từng bước chính quy, hiện đại và phục vụ nền kinh tế quốc dân.

Thực hiện đường lối, chủ trương của Ðảng, Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Ðảng ủy Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã triển khai nhiều chủ trương, giải pháp bảo đảm tiếp tục xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng trong giai đoạn mới. Gần đây, trong bối cảnh nhu cầu thị trường sụt giảm, công tác xuất-nhập khẩu gặp khó khăn, các đơn vị công nghiệp quốc phòng đã tích cực xúc tiến hợp tác với các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước để đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm việc làm, ổn định thu nhập cho người lao động.

Doanh thu toàn ngành năm 2022 đạt hơn 33 nghìn tỷ đồng, trong đó 59% là doanh thu kinh tế. Thực tế khẳng định ngành công nghiệp quốc phòng đã nghiên cứu, làm chủ công nghệ chế tạo, sản xuất được một số loại vũ khí chiến lược cần thiết cho phòng thủ đất nước; từng bước bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, đáp ứng kịp thời vũ khí trang bị cho huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ biên giới biển, đảo Tổ quốc. Công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã và đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác với các nước.

Mục tiêu lưỡng dụng và hiện đại

Triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, ngày 26/1/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Trong bối cảnh nền công nghiệp quốc phòng nước ta đã có bước phát triển toàn diện, song vẫn còn một số khó khăn, bất cập. Ðó là sự thiếu đồng bộ của thể chế, chính sách; phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng chưa chặt chẽ. Bên cạnh đó, việc đầu tư ngân sách và huy động các nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng còn khó khăn; các sản phẩm lưỡng dụng phục vụ dân sinh, xuất khẩu chưa nhiều; việc làm chủ công nghệ nền, vật liệu đặc chủng còn hạn chế.

Nhiều năm qua với sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Ðảng bộ Tổng cục đã tập trung quán triệt, triển khai nhiều chủ trương, giải pháp bảo đảm tiếp tục xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng, ngày càng hiện đại, có trình độ khoa học, công nghệ cao.

Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Ðảng ủy, Chính ủy Tổng cục Công nghiệp quốc phòng

Thường vụ Ðảng ủy Tổng cục chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện thống nhất, quyết liệt trong toàn Ðảng bộ. Trong đó, xác định mục tiêu chủ yếu là triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp và phát triển công nghiệp quốc phòng đủ năng lực nghiên cứu thiết kế, chế tạo, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật có tính năng chiến thuật-kỹ thuật cao theo yêu cầu trang bị cho lực lượng vũ trang, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng quân đội hiện đại; sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa phần lớn các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật có trong biên chế.

Thực tế trong nửa đầu nhiệm kỳ qua, các nhiệm vụ chủ yếu được Ðảng ủy Tổng cục triển khai thực hiện có chất lượng, hiệu quả với nhiều kết quả quan trọng, có nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, nhất là nhiệm vụ tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng. Các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu khoa học đều được thực hiện thành công, trong đó hầu hết kết quả nghiên cứu của các đề tài cấp nhà nước, cấp Bộ Quốc phòng và cấp tổng cục được ứng dụng vào thực tế sản xuất vũ khí, trang bị.

Ðồng thời, triển khai các nhiệm vụ được xác định theo chương trình hành động của Chính phủ, kế hoạch của Bộ Quốc phòng thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, toàn Ðảng bộ Tổng cục đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng và xây dựng các thể chế theo chỉ đạo của Quân ủy Trung ương.

Trước hết là tập trung nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về công nghiệp quốc phòng, luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù về nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ, triển khai các dự án đầu tư tiềm lực, huy động nguồn lực, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; điều chỉnh tổ chức, cơ cấu lại doanh nghiệp bảo đảm tinh, gọn, hiệu quả; các doanh nghiệp rà soát, tinh giản biên chế, bố trí công việc phù hợp; tập trung nghiên cứu xây dựng đề án, kế hoạch đầu tư tiềm lực công nghiệp quốc phòng trung hạn và dài hạn, xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ mạnh, để phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng; tham mưu, xây dựng và thực hiện tốt các cơ chế phối hợp trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng; đẩy mạnh liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ; hợp tác quốc tế…

Ngành công nghiệp quốc phòng đang hướng mạnh vào các mục tiêu hiện đại hóa, nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

LÊ MẬU LÂM

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/nen-tang-va-suc-dot-pha-cua-cong-nghiep-quoc-phong-a10878.html