Thời kỳ đầu, chỉ có các doanh nghiệp nhà nước thực hiện đầu tư trực tiếp ra nước ngoài như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội, Tập đoàn Cao-su Việt Nam, Tổng Công ty Sông Ðà...
Gần đây, góp phần cho dòng đầu tư này lớn mạnh hơn phải kể đến những tập đoàn tư nhân lớn như Tập đoàn FPT, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần GOLF Long Thành (Tập đoàn KN), NutiFood…
Ngoài những dự án được tập trung vốn trong giai đoạn đầu tiên trong lĩnh vực dầu khí, viễn thông…, đến nay, phạm vi đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài cũng được mở rộng hơn sang lĩnh vực khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông…
Vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam cũng được mở rộng tới 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả những thị trường mới như Mỹ, Tây Ban Nha thay vì tập trung nhiều ở Myanmar và các nước láng giềng như giai đoạn trước.
Thế nhưng đến nay, các số liệu về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam còn rất sơ sài và thiếu, nhất là các đánh giá cụ thể về doanh thu, thực trạng tài chính, nộp ngân sách của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các thông tin về hệ thống chính sách pháp luật của các nước tiếp nhận đầu tư cũng như chính sách của Việt Nam về đầu tư ra nước ngoài cũng rất thiếu.
Thực trạng này không chỉ làm khó cho các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư mà còn khiến các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp có mong muốn đầu tư ra nước ngoài để tìm kiếm lợi nhuận chưa thật sự dễ dàng trong quá trình hiện thực hóa cơ hội của mình.
Là một nước nhận đầu tư, việc doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài trước đây từng được xem là mảng thông tin không được phổ biến rộng rãi. Nhưng trong hành trình 24 năm ra biển lớn, các doanh nghiệp Việt Nam đã gặt hái được những thành công nhất định, và cũng không thể tránh được những bài học thất bại.
Hiện nay, tiếp nhận đầu tư nước ngoài vào trong nước và đầu tư vốn ra nước ngoài có cùng một mục tiêu là phát triển kinh tế-xã hội của bất kỳ quốc gia nào, nhất là đối với những nước đang phát triển đã có điều kiện để đầu tư ra bên ngoài như Việt Nam.
Hơn nữa, để xây dựng nền kinh tế tự cường, mỗi quốc gia phải cân bằng nguồn vốn nội lực kết hợp với sử dụng nguồn vốn quốc tế, bao gồm cả thị trường, nguồn nhân lực, tài nguyên thiên nhiên bên ngoài. Với cách đặt vấn đề như vậy, tầm nhìn chiến lược về đầu tư ra nước ngoài phải được hiện thực hóa bằng những chính sách hiệu quả để khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra biển lớn ■
BÍCH NGÂN
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/tam-nhin-chien-luoc-ve-dau-tu-ra-nuoc-ngoai-a10947.html