Cà phê hợp pháp nhưng khó chứng minh nguồn gốc
Ngày 16/5/2023, Hội đồng châu Âu (EC) đã thông qua quy định sẽ cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản, gồm: Cà phê, dầu cọ, đậu nành, gỗ và đồ gỗ, gia súc, ca cao, cao su và một số sản phẩm phái sinh từ các quốc gia, vùng lãnh thổ mà quy trình sản xuất được thực hiện trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020 vào thị trường EU.
Như vậy, những sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam sẽ buộc phải tuân thủ quy định của EU về chống phá rừng, suy thoái rừng gồm: Cà phê, gỗ và đồ gỗ, ca cao, cao su. Theo quy định của EU, các tập đoàn lớn có sản xuất, chế biến những loại sản phẩm trên tại Việt Nam thì thời gian bắt đầu áp dụng quy định này của EU là sau 18 tháng kể từ khi được thông qua (ngày 31-12-2024), đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ là hai năm. Mua cà phê của Việt Nam là những tập đoàn lớn như: Nestle, JDE, Newman, Louis Dreyfus...
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam cho hay: Cà phê là mặt hàng xuất khẩu sang EU với số lượng lớn và ổn định, chiếm khoảng 42% sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam hằng năm. Vì vậy, để ổn định và không biến động thị phần xuất khẩu cà phê sang EU, ngành cà phê Việt Nam cần phải tuân thủ theo quy định chống phá rừng đã được EC thông qua ngày 16/5/2023.
Ông Nguyễn Nam Hải cho rằng, đây là thách thức và cũng là cơ hội để ngành hàng cà phê Việt Nam giữ vững, nâng cao thị phần cà phê tại EU. Hiện nước ta có khoảng 90% diện tích cà phê được trồng tập trung từ mấy chục năm qua sẽ không vướng vào quy định của EU về chống phá rừng, suy thoái rừng (tổng diện tích cà phê của Việt Nam hiện khoảng 680.000-700.000ha).
Tuy nhiên, việc chứng minh nguồn gốc cà phê theo quy định của EU lại không hề đơn giản. Đặc biệt, đối với 10% diện tích cà phê còn lại, việc truy xuất nguồn gốc là khó khăn do diện tích manh mún, nhỏ lẻ với khoảng 1,3 triệu nông hộ, trung bình mỗi vườn, rẫy trồng cà phê dạng này chỉ có diện tích từ 0,5ha trở xuống tại 11 tỉnh trồng cà phê. Số diện tích trồng cà phê dạng này trên thực tế là hợp pháp nhưng việc chứng minh nguồn gốc không phải dễ dàng do diện tích nhỏ, lẻ, nằm rải rác ở nhiều khu vực gần với rừng. Hơn nữa, kinh phí để thực hiện các thủ tục chứng minh truy xuất nguồn gốc đối với những vườn, rẫy cà phê không hề rẻ. Chi phí truy xuất nguồn gốc cà phê đến cấp xã thì có thể thực hiện được, còn đến hộ gia đình thì chi phí rất cao.
Đồng tình với ông Nguyễn Nam Hải, ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) cho hay: "Quy định mới của EU về chống phá rừng, suy thoái rừng khi sản xuất một số nông sản, trong đó có cà phê là thách thức và cơ hội để chúng ta thực hiện nhanh quy định này nhằm khẳng định thương hiệu cà phê Việt Nam. Riêng doanh nghiệp chúng tôi sẽ rà soát 40.000 hộ nông dân trồng cà phê cung cấp nguyên liệu cho Công ty. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để hỗ trợ việc lập bản đồ chính xác, xác định rõ từng khu vực trồng cà phê, tránh sự mơ hồ. Đây chính là những điều kiện giúp doanh nghiệp có cơ sở để thực hiện quy định của thị trường EU. Đồng thời, chúng tôi cũng kiến nghị chúng ta cần kiên quyết, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và không trồng cà phê trên đất có từ việc phá rừng theo quy định của EU".
Ông Lê Văn Đức, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết thêm: Diện tích cà phê trồng từ năm 2020 chủ yếu trồng xen với diện tích trồng cao su. Diện tích cà phê có nguy cơ rủi ro cao theo quy định của EU không nhiều. Do đó, chúng ta phân định rõ ranh giới rừng và đất nông nghiệp để làm cơ sở cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Riêng đối với những diện tích do Cục Trồng trọt đã cấp giấy chứng nhận thì chỉ cần làm báo cáo bổ sung để đàm phán với EU. Vùng chưa có chứng nhận, chưa có mã số vùng trồng thì cần thực hiện đẩy nhanh việc thực hiện đăng ký và cấp mã số vùng trồng.
Cơ hội để tái cấu trúc lại ngành hàng
Liên quan đến cây cao su đối với quy định mới của EU, ông Võ Hoàng An, Hiệp hội Cao su Việt Nam, chia sẻ: Cây cao su trồng phải 7 năm mới cho thu hoạch mủ, vì thế, toàn bộ diện tích cao su đã và đang cho thu hoạch hiện nay đều trồng trước ngày quy định về chống phá rừng và suy thoái rừng của EU (31/12/2020). Tổng diện tích trồng cây cao su của Việt Nam khoảng 930.000ha.
Đối với sản phẩm gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam khẳng định: "Đối với quy định này, ngành hàng chúng tôi hoàn toàn yên tâm vì sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và không làm mất rừng, suy thoái rừng. Việt Nam và Indonesia đã ký với EU Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (Hiệp định VPA/FLEGT)".
Trước quy định mới của EU về sản xuất nông sản liên quan đến việc bảo vệ rừng, chống phá rừng, suy thoái rừng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: Quy định của EU về chống phá rừng, suy thoái rừng đối với sản xuất nông sản, trong đó có cà phê là cơ hội để chúng ta cấu trúc lại ngành hàng, đặc biệt là cà phê phát triển bền vững. Yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm nông sản là đòi hỏi tất yếu từ thị trường, trong đó có thị trường EU.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng yêu cầu Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) sớm trình Bộ trưởng Khung hành động để thực hiện quy định này của EU. Trong Khung hành động cần phải nhấn mạnh đẩy mạnh truyền thông để các cơ quan chức năng và nông dân hiểu rõ quy định của EU về chống phá rừng, suy thoái rừng khi sản xuất nông sản, trong đó có cà phê. Trong Khung hành động cũng cần phân định rõ ràng trách nhiệm của Bộ NN-PTNT, chính quyền các cấp và người dân để thực hiện quy định của EU. Do đó, chúng ta phải tự thay đổi mình để tạo dựng thương hiệu, chất lượng sản phẩm nông sản, trong đó có sản phẩm cà phê.
NGUYỄN KIỂM
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/quy-dinh-moi-cua-eu-ve-chong-pha-rung-thach-thuc-hay-co-hoi-cho-nong-san-viet-nam-a10994.html