Đổi mới, sáng tạo trong hợp tác giáo dục Việt Nam-Anh

Đại sứ quán Việt Nam tại Anh phối hợp Hội trí thức Việt Nam tại Anh và Ireland (VIS) và Đại học Middlesex tổ chức sự kiện “50 năm và xa hơn: Quan hệ đối tác Việt Nam-Anh về đổi mới và giáo dục” tại Đại học Middlesex ở thủ đô London của Vương quốc Anh.

va-1895-1687408020.jpg

Lễ ký Biên bản ghi nhớ giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA)-T2/2023. (Ảnh: Nhật Quang)

Diễn ra trong khuôn khổ chương trình Năm hữu nghị Việt Nam-Vương quốc Anh 2023 kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, sự kiện thu hút sự tham dự của các giáo sư, giảng viên và sinh viên các trường đại học Vương quốc Anh, các thành viên VIS, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam và Anh.

Sự kiện gồm các hoạt động đề cao đổi mới sáng tạo trong hợp tác giáo dục giữa hai nước, nổi bật là triển lãm về đổi mới, giáo dục và quan hệ Việt Nam-Anh; bài thuyết trình “Lãnh đạo trong đại dịch Covid-19: Bài học về đổi mới và giáo dục” của Giáo sư Jonathan Van-Tam, Chủ tịch danh dự VIS, Cố vấn chiến lược cao cấp tại Đại học Nottingham và phiên thảo luận về Vai trò lãnh đạo đối với đổi mới trong giáo dục đại học: Các yếu tố trong hợp tác Việt Nam-Anh.

Chủ tịch VIS, Giáo sư Nguyễn Xuân Huấn, cho biết sự kiện nhằm đánh giá những thành tựu trong hợp tác giáo dục, đào tạo Việt Nam-Anh và khám phá các cơ hội tăng cường hợp tác giữa hai nước trong giáo dục đại học, nghiên cứu và đổi mới.

Sự kiện cũng giới thiệu về Việt Nam như một quốc gia đổi mới trong các lĩnh vực như công nghệ mới nổi, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, đồng thời đánh giá về vai trò lãnh đạo trong việc thúc đẩy hợp tác về đổi mới, sáng tạo và trong hỗ trợ trao đổi nguồn lực giữa các trường đại học, các ngành và doanh nghiệp hai nước. Thông qua các hoạt động cụ thể như sự kiện này, tiềm năng hợp tác giáo dục rất lớn giữa hai nước sẽ được khai thác hiệu quả.

Giáo sư Nic Beech, Hiệu trưởng Đại học Middlesex, cho biết Đại học Middlesex xác định ba mục tiêu: chuyển đổi sáng tạo, nghiên cứu các biện pháp giải quyết những thách thức toàn cầu và trao đổi văn hóa giáo dục giữa các quốc gia.

Giáo sư Beech khẳng định, trường luôn khuyến khích sự đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, chấp nhận thách thức của sinh viên và hỗ trợ các dự án nghiên cứu của sinh viên với cộng đồng doanh nghiệp. Giáo sư bày tỏ mong muốn tăng số lượng sinh viên Việt Nam theo học tại trường và trường sẽ xem xét khả năng hỗ trợ một phần học phí, tài trợ học bổng cho sinh viên Việt Nam.

Là diễn giả chính của sự kiện, Giáo sư Jonathan Van-Tam tham gia phiên thảo luận về Vai trò lãnh đạo đối với đổi mới trong giáo dục đại học: Các yếu tố trong hợp tác Việt Nam-Anh, dưới sự điều phối của Tiến sĩ Yến Trần, Đại học Heriot Watt. Các diễn giả đã chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận các cơ hội, triển vọng hợp tác về đổi mới, sáng tạo trong các lĩnh vực như công nghệ mới nổi, biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng; giáo dục đại học hướng tới phát triển bền vững...

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, trong bảy trụ cột hợp tác Việt Nam-Anh, giáo dục, khoa học, công nghệ, nghiên cứu và đổi mới là những lĩnh vực quan trọng và có tiềm năng lớn để phát triển.

Anh là nước rất cởi mở trong nghiên cứu và Việt Nam có thể tăng cường hợp tác với Anh trên tinh thần này. Đại sứ nhấn mạnh, Việt Nam có dân số trẻ và nhiều tài năng đã đến Anh và tham gia vào các dự án nghiên cứu. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ giới hạn trong nhóm nhỏ các cá nhân xuất sắc và Việt Nam có thể làm được nhiều hơn khi hai bên bắt tay vào hợp tác.

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/doi-moi-sang-tao-trong-hop-tac-giao-duc-viet-nam-anh-a11067.html