Tại buổi làm việc tại tỉnh Quảng Nam, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã giới thiệu về những tiềm năng, thế mạnh, các ngành và lĩnh vực mà tỉnh Quảng Nam đang ưu tiên kêu gọi đầu tư.
Tỉnh Quảng Nam đã và đang là địa phương hấp dẫn đối với nhà đầu tư nhờ vị trí địa lý thuận lợi, hệ thống hành chính hiệu quả, hạ tầng và giao thông phát triển, hạ tầng công nghiệp và khu công nghiệp đồng bộ và được đầu tư mạnh mẽ, nguồn nhân lực dồi dào và sự đa dạng văn hóa, du lịch.
Theo thống kê, Quảng Nam hiện có khoảng 970 dự án đầu tư trong nước và 194 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký lên đến hơn 242 nghìn tỷ đồng và hơn 6,06 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp và thương hiệu lớn đã đầu tư vào Quảng Nam như Trường Hải, Hyosung, Groz Beckert, Panko và Vinpearl. Hầu hết các dự án đầu tư vào Quảng Nam đều thành công và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Các dự án đầu tư nước ngoài tại Quảng Nam chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, du lịch, dịch vụ, với nhà đầu tư đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau.
Cũng tại buổi làm việc, ông Elmar Dutt, Chủ tịch GBA, Giám đốc điều hành Công ty Deutsches Haus Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hiện đã có hơn 700 doanh nghiệp Đức đầu tư trực tiếp và gián tiếp tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký hơn 10 tỷ USD và tạo ra khoảng 100.000 việc làm. Chủ tịch GBA khẳng định tỉnh Quảng Nam đang trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Đức nói riêng và các nhà đầu tư nước ngoài nói chung. Ông cũng đề xuất một số lĩnh vực trọng tâm để Chính phủ Việt Nam, tỉnh Quảng Nam và các cơ quan chức năng tăng cường hấp dẫn và cải thiện môi trường đầu tư. Chủ tịch GBA hy vọng rằng tỉnh Quảng Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những doanh nghiệp Đức muốn đầu tư tại Quảng Nam trong thời gian tới. Hiện có 7 dự án của các nhà đầu tư Đức tại Quảng Nam với tổng vốn đăng ký gần 170 triệu USD, nổi bật là các dự án của Công ty Groz Beckert có vốn đầu từ hơn 100 triệu USD và dự án của Công ty Amann có vốn đầu tư hơn 20 triệu USD.
Chiều ngày 23/6 tại TP. Đà Nẵng, UBND thành phố tổ chức Tọa đàm kết nối đầu tư Đà Nẵng - Đức với sự tham dự của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA) và Đà Nẵng.
Phát biểu khai mạc, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Đà Nẵng đã giới thiệu về tiềm năng, lợi thế, các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư, đồng thời tiếp nhận các ý kiến góp ý, đề xuất nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình tìm hiểu môi trường đầu tư và triển khai dự án tại Đà Nẵng. Thành phố Đà Nẵng tập trung phát triển 3 trụ cột chính: du lịch, công nghiệp công nghệ cao và Kinh tế biển. Thành phố ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, đổi mới sáng tạo, có tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ với khu vực kinh tế trong nước như: lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất linh kiện điện tử, công nghệ cao, R&D, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ logistics, dịch vụ du lịch - bất động sản giá trị cao, tài chính, y tế, giáo dục...
Thống kê đến tháng 5/2023, hiện có 11 dự án đầu tư của các nhà đầu tư Đức tại Thành phố Đà Nẵng với tổng số vốn đăng ký đạt 10,3 triệu USD, chiếm 01% về số lượng dự án và 0,2% về tổng vốn đầu tư đăng ký trên địa bàn thành phố. Đây là con số rất khiêm tốn so với dư địa hợp tác giữa hai bên, mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư giữa CHLB Đức và Thành phố Đà Nẵng đạt nhiều kết quả ấn tượng trong thời gian tới.
Tại tọa đàm, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư và Hiệp hội các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam đã ký kết Bản ghi nhớ về Hợp tác trong hoạt động hỗ trợ xúc tiến đầu tư.
Tin: Xuân Kiên, ảnh: Nguyễn Giang
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/hiep-hoi-cac-doanh-nghiep-duc-tai-viet-nam-xuc-tien-dau-tu-tai-quang-nam-va-da-nang-a11124.html