Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức cho biết an ninh nguồn cung của nước này "hiện được đảm bảo" và việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria không gây ảnh hưởng gì đến Đức.
Việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria hiện không ảnh hưởng đến an ninh nguồn cung khí đốt của Đức, song Berlin vẫn đang theo dõi chặt chẽ tình hình.
Đây là tuyên bố của giới chức Đức ngày 27/4 trong bối cảnh xuất hiện những lo ngại xung quanh việc Nga cắt nguồn cung khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan.
Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga xác nhận Bulgaria và Ba Lan đã không thực hiện bất kỳ khoản thanh toán mua khí đốt nào bằng đồng ruble, do vậy các công ty Bulgargaz và PGNiG đã được thông báo về việc Nga ngừng cung cấp khí đốt từ ngày 27/4.
Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng Moskva sẽ chỉ chấp nhận thanh toán các hợp đồng mua khí đốt bằng đồng nội tệ của mình. Tuy nhiên, cho tới nay, Đức vẫn từ chối yêu cầu này.
Phát biểu với báo giới ngày 27/4, Bộ trưởng Kinh tế liên bang Đức Robert Habeck cho biết các khoản thanh toán hiện đang được thực hiện bằng đồng euro và chuyển từ ngân hàng Gazprombank sang một tài khoản khác bằng đồng ruble.
Theo ông, đây là "cách phù hợp với các lệnh trừng phạt" và đã được thống nhất trong Liên minh châu Âu (EU).
Bộ trưởng Habeck cũng cho biết Berlin chưa thấy cần thiết phải ban bố giai đoạn tiếp theo của kế hoạch khẩn cấp về an ninh năng lượng. Cũng theo ông, Berlin đã thành công trong việc giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Trước cuộc xung đột ở Ukraine, tỷ trọng khí đốt mà Đức nhập từ Nga vẫn chiếm 55%, song lúc này đã giảm xuống còn 35%.
Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức cho biết an ninh nguồn cung của nước này "hiện được đảm bảo" và việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria không gây ảnh hưởng gì đến Đức.
Theo Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK) Peter Adrian, an ninh nguồn cung năng lượng ở Đức trước mắt sẽ không chịu tác động của những diễn biến mới nhất nêu trên, song việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria cũng có thể gây thêm khó khăn cho các công ty Đức do giá cả sẽ tiếp tục tăng./.
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/duc-khang-dinh-nguon-cung-khi-dot-van-duoc-dam-bao-tu-nga-a1119.html