Hội nghị tập trung ý kiến đóng góp vào những nội dung chính cần sửa đổi nhằm tăng tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế; bảo vệ quyền lợi cho người tham gia Bảo hiểm y tế; đa dạng loại hình cơ sở cung ứng dịch vụ; nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành quỹ Bảo hiểm y tế; trách nhiệm của các bên. Đại diện các bộ, ban ngành, tổ chức quốc tế đã cùng tham gia đóng góp ý kiến cho các nội dung của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi lần này.
Theo thống kê số người tham gia Bảo hiểm y tế ngày càng gia tăng. Đã có hơn 91,067 triệu người tham gia Bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 91,1% số dân. Chất lượng khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế ngày càng cải thiện, người dân được tiếp cận với những gói dịch vụ y tế chất lượng cao, thiết bị y tế kỹ thuật hiện đại, nhiều thuốc mới...
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Sự thay đổi chính sách Bảo hiểm y tế quan trọng nhất là việc Quốc hội ban hành Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế năm 2014. Luật Bảo hiểm y tế là căn cứ pháp lý cao nhất trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế.
Trong những năm qua, số người tham gia Bảo hiểm y tế ngày càng gia tăng. Tính đến hết tháng 12/2022, cả nước có trên 91,067 triệu người tham gia Bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 91,1% số dân, vượt chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao.
Đáng chú ý là trong bối cảnh kinh tế, xã hội chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19, tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế này vẫn duy trì, chứng tỏ Bảo hiểm y tế đã là một nhu cầu của đời sống xã hội và chất lượng dịch vụ y tế, dịch vụ Bảo hiểm y tế đáp ứng sự hài lòng của người tham gia, và nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong đảm bảo an sinh xã hội. Đến nay hơn 70% số lượt khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế thực hiện tại tuyến huyện và xã; hơn 80% trạm y tế xã tổ chức khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế...
Chất lượng khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế ngày càng cải thiện, người dân được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại, nhiều thuốc mới, hiệu quả cao. Quỹ Bảo hiểm y tế đang trở thành nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh. Chính sách Bảo hiểm y tế đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia Bảo hiểm y tế.
Một số vấn đề trọng tâm trong chính sách Bảo hiểm y tế liên tục được nghiên cứu, đánh giá và có các giải pháp phù hợp như: phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế; quyền lợi của người tham gia Bảo hiểm y tế; tổ chức khám chữa bệnh; phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh; quản lý và sử dụng quỹ Bảo hiểm y tế và các vấn đề liên quan đến tổ chức và quản lý nhà nước về Bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm y tế vẫn còn một số tồn tại, bất cập do nội tại các quy định của văn bản Luật và những yếu tố mới phát sinh, các yêu cầu của thực tiễn và nhu cầu khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế của người dân ngày càng tăng, đa dạng hơn nhưng chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ để giải quyết.
Các văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Việc tổ chức thực hiện Luật trên nhiều phương diện còn có một số hạn chế về năng lực, điều kiện cơ sở vật chất, công tác quản lý trong khi nhu cầu về chăm sóc sức khỏe ngày một cao và sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật y, dược, công nghệ thông tin...
Một số vấn đề về cơ chế tài chính chưa tạo động lực cho sự phát triển của y tế cơ sở, chưa cụ thể rõ ràng trong quy trình thanh quyết toán cũng như giám định chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế cũng gây nhiều khó khăn, vướng mắc cho cơ sở khám chữa bệnh....
Tại hội thảo, TS, BS Nguyễn Đức Hòa, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng Nghị quyết 20-NQ/TW đã chỉ rõ: tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới đã đặt ra mục tiêu về bao phủ bảo hiểm y tế đến năm 2025 đạt 95% dân số; tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế giảm còn 35%; nâng cao chất lượng giám định bảo hiểm y tế bảo đảm khách quan, minh bạch, thực hiện các giải pháp đồng bộ chống lạm dụng, trục lợi, bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm y tế và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, cơ sở y tế. Do vậy, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi cần bám sát Nghị quyết 20-NQ/TW để thực hiện.
Nhằm đạt được những mục tiêu và thực hiện các giải pháp mà Nghị quyết 20-NQ/TW đã để ra và giải quyết các khó khăn vướng mắc hiện nay, TS, BS Nguyễn Đức Hòa cho rằng việc sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế là cần thiết và quan trọng trong bối cảnh hiện nay, nhưng cũng cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các Luật mới được ban hành trong thời gian qua. Cần thông qua đánh giá, tổng kết thực tiễn, tổng hợp và luận giải các vấn đề vướng mắc, xem xét kinh nghiệm trên thế giới về Bảo hiểm y tế; tiến tới thực hiện mục tiêu Bảo hiểm y tế toàn dân xét trên cả ba phương diện về tỷ lệ dân số tham gia Bảo hiểm y tế; phạm vi dịch vụ được hưởng và mức độ bảo vệ tài chính của người sử dụng dịch vụ y tế.
Tại hội thảo, các ý kiến tham gia đóng góp Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi đã nêu ra các nhóm chính sách lớn nhằm thực hiện xung quanh các mục tiêu mà Nghị quyết 20-NQ/TW đề ra. Theo đó, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi cần điều chỉnh 05 nhóm chính sách lớn đó là: Mở rộng đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế; Mở rộng phạm vị quyền lợi của người tham gia Bảo hiểm y tế; Đa dạng các loại hình cơ sở cung ứng dịch vụ y tế, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở; Bảo đảm tính minh bạch, công khai, hiệu quả và trách nhiệm giải trình của cơ sở cung ứng dịch vụ và cơ quan Bảo hiểm xã hội trong hoạt động giám định Bảo hiểm y tế; Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế.
THANH MAI
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/tham-van-y-kien-sua-doi-luat-bao-hiem-y-te-a11342.html