Chào mừng chuyến thăm đầu tiên của Tổng giám đốc ILO tới Việt Nam kể từ khi Việt Nam gia nhập tổ chức này vào năm 1992, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trân trọng những hỗ trợ mà ILO dành cho Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu và xây dựng Bộ luật Lao động lần đầu tiên vào năm 1994, sửa đổi vào các năm 2012 và 2019. Bên cạnh đó, những hỗ trợ kỹ thuật của ILO trong thực hiện các dự án về an toàn lao động, bảo hiểm xã hội, quan hệ lao động, giảm thiểu lao động trẻ em, thúc đẩy bình đẳng giới cũng rất hiệu quả, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển xã hội Việt Nam.
Thông tin về tình hình Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Việt Nam có thị trường lao động tương đối lớn với 52,3 triệu lao động, chất lượng lao động ngày càng nâng cao; nền kinh tế cơ bản đảm bảo việc làm cho người lao động. Việt Nam đã đạt được những tiến bộ nhất định về lao động và Công đoàn, với hệ thống pháp luật về lao động và an sinh xã hội ngày càng được hoàn thiện, quản trị thị trường lao động ngày càng hiệu quả hơn.
Tổng Giám đốc ILO Gilbert F. Houngbo bày tỏ vui mừng được Thủ tướng Phạm Minh Chính dành thời gian tiếp; ngưỡng mộ và chúc mừng Việt Nam về sự phát triển rất ấn tượng, trong đó có những điều tưởng chừng không thể, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19 vừa qua. Ông ILO Gilbert F. Houngbo cho biết, ILO nói riêng và Liên hợp quốc nói chung lấy Việt Nam - một quốc gia xã hội chủ nghĩa là mô hình của sự nỗ lực, phát triển để các nước tham khảo, học tập; mong muốn và tin tưởng Việt Nam tiếp tục phát triển để có thêm nguồn lực chi tiêu nhiều hơn cho an sinh xã hội.
Thông tin tới Thủ tướng về các cuộc làm việc rất thành công của ông với Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng Giám đốc ILO cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong tất cả các vấn đề liên quan tới lao động, việc làm; đề nghị Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia các sáng kiến của ILO liên quan lao động, việc làm; mong muốn hợp tác cùng Việt Nam để thực hiện các sáng kiến của ILO và Liên hợp quốc về thúc đẩy việc làm toàn cầu, nhất là việc kết hợp các ưu thế của cả hai bên để thúc đẩy phát triển cân bằng cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Cảm ơn và nhất trí với ý kiến của Tổng Giám đốc ILO, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, là thành viên của ILO, Việt Nam đã tham gia và hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình; thực hiện đầy đủ những cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia; tiếp tục nghiên cứu và phê chuẩn các tiêu chuẩn lao động quốc tế.
Phân tích tình hình, bối cảnh toàn cầu hiện nay, Thủ tướng cho rằng các vấn đề toàn cầu, toàn dân phải có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân; đặc biệt là phải đảm bảo công bằng, công lý. Khẳng định Việt Nam ủng hộ các sáng kiến của ILO và Liên hợp quốc, Thủ tướng đề nghị ILO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu khả năng tham gia các sáng kiến theo lộ trình phù hợp để đạt được mục tiêu công bằng, tiến bộ xã hội và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động một cách bền vững.
Cho biết, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi nên còn có những hạn chế nhất định, Thủ tướng đề nghị ILO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện hệ thống luật pháp về lao động; cải cách sâu rộng về hệ thống bảo hiểm xã hội và chính sách tiền lương để phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; tiếp tục thực hiện các dự án kỹ thuật hỗ trợ Việt Nam trong bối cảnh thế giới đang có nhiều đổi thay nhanh chóng về khoa học, công nghệ cũng như phải đối mặt với thách thức phi truyền thống ngày càng gia tăng.
Chiều cùng ngày, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp Tổng Giám đốc ILO Gilbert F. Houngbo.
Trên cương vị người đứng đầu cơ quan lập pháp, Chủ tịch Quốc hội cho biết hết sức quan tâm đến việc tiếp tục cụ thể hóa, hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật Lao động, nghiên cứu, phê chuẩn Công ước còn lại của ILO (Công ước 87). Việt Nam đã có kế hoạch, lộ trình xem xét, phê chuẩn Công ước này; đồng thời cũng đã trao đổi với các cơ quan, tổ chức quốc tế, các đối tác để tham gia các sáng kiến có tính chất toàn cầu hiện nay.
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-tiep-tong-giam-doc-to-chuc-lao-dong-quoc-te-a11437.html