Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Sáng 4/7, Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 được khai mạc nhằm đánh giá tình hình kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm 2023, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới; khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết công việc của một bộ phận cán bộ, công chức.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; các Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dự họp tại 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố.
Hội nghị sẽ nghe, thảo luận các nội dung cụ thể: Tình hình kinh tế-xã hội tháng Sáu và sáu tháng đầu năm 2023, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sáu tháng cuối năm; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai ba chương trình mục tiêu quốc gia; dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội trong tình hình mới.
Các đại biểu cũng thảo luận Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước sáu tháng đầu năm 2023; Báo cáo việc huy động nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài và tỷ lệ vay lại vốn vay nước ngoài của các dự án vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Chúng ta đã đi qua nửa đầu năm 2023, cũng là nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng và Quốc hội khóa XV.
Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nổi lên sáu 'cơn gió ngược': Tăng trưởng suy giảm, lạm phát hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Hậu quả của COVID-19 ảnh hưởng nặng nề. Cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, sự phân tách, phân mảnh, thiếu sự liên kết chặt chẽ, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy cục bộ. Các cuộc xung đột, trong đó có xung đột ở Ukraine chưa chấm dứt. Nhiều nước vẫn thắt chặt chính sách tiền tệ, ảnh hưởng đến kinh tế của các nước, nhất là những nước đang phát triển. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tình hình phát triển kinh tế-xã hội tháng Sáu và sáu tháng năm 2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi khi nền kinh tế chịu tác động kép, vừa phải chống chịu với sức ép từ cả bên trong và bên ngoài, nhất là bởi quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế.
Công việc thường xuyên ngày càng nặng nề hơn, yêu cầu, đòi hỏi cao hơn. Các vấn đề tồn đọng, kéo dài ngày càng bộc lộ rõ hơn. Nhiều vấn đề phát sinh cần phải giải quyết. Sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn.
Xuất nhập khẩu, thu hút FDI gặp nhiều thách thức khi thương mại toàn cầu suy giảm và cạnh tranh gia tăng. Sức ép từ thực tiễn, như vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, các quy định mới từ các thị trường lớn về hàng hóa nhập khẩu với đòi hỏi khắt khe hơn."
Theo Thủ tướng, trong bối cảnh đó, các cấp, ngành, địa phương đã nỗ lực vượt bậc, triển khai quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Qua đó, trong tháng Sáu và sáu tháng đầu năm, cơ bản thực hiện được các mục tiêu tổng quát của năm 2023.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Thị trường tiền tệ được điều hành phù hợp, chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời. Lãi suất điều hành tiếp tục được điều chỉnh giảm; điều hành tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường.
Các lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực. Nhiều vấn đề tồn đọng được tập trung tháo gỡ. An sinh xã hội được bảo đảm.
Các lĩnh vực văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, đào tạo được quan tâm phát triển và có nhiều kết quả tốt. Chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai toàn diện, hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc như: Tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra. Doanh gặp nhiều khó khăn, tình trạng người lao động mất việc, giảm giờ làm. An ninh, trật tự tiềm ẩn rủi ro. Thể chế, kỷ luật, kỷ cương có lúc có nơi còn chưa nghiêm, tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, né tránh trách nhiệm...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung thảo luận tình hình kinh tế-xã hội tháng Sáu, quý 2 và sáu tháng đầu năm, trong đó nêu rõ những mặt tích cực, những hạn chế cần khắc phục, bài học kinh nghiệm; phân tích bối cảnh, tình hình. Từ đó, các đại biểu đề xuất giải pháp trọng tâm, điểm mấu chốt, khâu đột phá thực hiện các nhiệm vụ tháng Bảy và sáu tháng cuối năm 2023.
Thông tấn xã Việt Nam tiếp tục cập nhật thông tin về hội nghị./.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Phạm Tiếp (TTXVN/Vietnam+)
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/chinh-phu-danh-gia-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-sau-thang-nam-2023-a11538.html