Hợp tác trong việc ngăn chặn vận chuyển xuyên biên giới trái phép các hóa chất và chất thải nguy hại. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Là một thành viên có trách nhiệm và tích cực trong ASEAN, Việt Nam mong muốn hợp tác với cộng đồng quốc tế và cam kết sẽ tăng cường hợp tác trong việc ngăn chặn vận chuyển xuyên biên giới trái phép các hóa chất và chất thải nguy hại, phù hợp với các khuôn khổ quốc tế cũng như các hệ thống được thống nhất.
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân tại Hội nghị lần thứ 8 Nhóm công tác ASEAN về hóa chất và chất thải (gọi tắt là Hội nghị AWGCW-8), trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác với ASEAN về môi trường, do bộ này phối hợp với Ban Thư ký ASEAN tổ chức, từ ngày 5-7/7, tại Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Hội nghị AWGCW-8 là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, diễn ra trong bối cảnh ô nhiễm môi trường do hóa chất và chất thải đang trở thành một trong những thách thức về môi trường ảnh hưởng tới sức khỏe con người và hành tinh xanh trên toàn Trái Đất, trong đó có khu vực ASEAN.
Trước đó, chủ đề với tên gọi “Tăng tốc hành động cho mục tiêu quản lý an toàn hóa chất và chất thải” đã được lựa chọn làm chủ đề của Hội nghị các Bên tham gia các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm, tổ chức hồi tháng 5/2023 tại Thụy Sỹ cũng cho thấy yêu cầu cấp bách về giải quyết các vấn đề về hóa chất và chất thải.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội nghị AWGCW-8. (Ảnh: PV/Vietnam+)
“Vì vậy, bên cạnh việc cập nhật các quyết định liên quan của các cuộc họp trong khuôn khổ ASEAN, hội nghị cần tập trung thảo luận hiệu quả việc thực hiện Kế hoạch hành động của Nhóm Công tác ASEAN về hóa chất và chất thải; các sáng kiến liên ngành về hoá chất và chất thải; hợp tác ASEAN về hoá chất và chất thải với các đối tác phát triển và các cơ quan chuyên ngành để báo cáo tại Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN về Môi trường (ASOEN) được tổ chức tại Indonesia vào cuối tháng Bảy này,” ông Nhân nói.
Ông Nhân cũng bày tỏ hy vọng những kết quả thảo luận của Hội nghị AWGCW-8 lần này sẽ góp phần tăng cường hợp tác giữa các nước ASEAN và với các tổ chức đối tác, và quan trọng hơn cả, sẽ góp phần xây dựng một ASEAN xanh hơn.
“Với tinh thần đó, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục thực hiện quản lý thân thiện với môi trường đối với các hóa chất và chất thải nguy hại trong suốt vòng đời và giảm thiểu chất thải theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, tuân thủ các khuôn khổ pháp lý và chính sách quốc gia hiện có; tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về quản lý các chất POP và chất thải thông qua việc nội luật hóa các quy định của các công ước vào các văn bản pháp luật của Việt Nam,” ông Nhân nhấn mạnh.
Cùng với đó, Việt Nam cũng sẽ nỗ lực đẩy mạnh việc triển khai có hiệu quả các quy định về bảo vệ môi trường trong quản lý các hóa chất và chất thải đã được nội luật hóa trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Hóa chất 2007 (đang được Chính phủ sửa đổi, chuẩn bị trình Quốc hội) và các văn bản pháp luật hiện hành.
“Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN và các quốc gia ngoài ASEAN, các đối tác quốc tế để huy động xây dựng năng lực, chuyển giao công nghệ, chia sẻ thông tin về kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất; hợp tác kỹ thuật nhằm đạt được quản lý an toàn về môi trường đối với các hóa chất, chất thải độc hại và chống lại việc vận chuyển bất hợp pháp các hóa chất, chất thải nguy hại vào khu vực hiệu quả hơn,” ông Nhân nói thêm.
Hội nghị AWGCW-8 diễn ra từ ngày 5-7/7 tại thành phố Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Hội nghị AWGCW-8 thu hút gần trăm đại biểu là đại diện các bộ ngành, chuyên gia trong nước và quốc tế. Trong đó, có gần 35 đại biểu là thành viên của Ban Thư ký ASEAN và các tổ chức đối tác như: Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, Viện Chiến lược Môi trường toàn cầu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á, Cơ quan Hợp tác phát triển Đức, Ngân hàng Thế giới.
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận các nội dung chính về: Tăng cường năng lực và trao đổi thông tin về công nghệ, thực hành tốt nhất; triển khai các nội dung của Tuyên bố chung của ASEAN về hóa chất và chất thải tại Hội nghị các bên tham gia các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm.
Cùng với đó là nội dung về việc phục hồi các khu vực bị ô nhiễm do hóa chất và chất thải nguy hại; cập nhật các kết quả liên quan đến Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POPs) tại Hội nghị các bên tham gia các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm năm 2022, 2023.
Kết quả của hội nghị được Bộ Tài nguyên và Môi trường (đầu mối Tổ chức các quan chức cao cấp ASEAN về môi trường của Việt Nam - ASOEN Việt Nam) kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng một khu vực ASEAN xanh và bền vững hơn./.
Hùng Võ (Vietnam+)
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/viet-nam-day-manh-hop-tac-ve-hoa-chat-va-chat-thai-vi-mot-asean-xanh-a11604.html