Tiến sĩ Nguyễn Thu Quỳnh, Trường đại học Sư phạm (Ðại học Thái Nguyên) cho biết: Ngoài nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực giáo dục chất lượng cao cho các tỉnh miền núi phía bắc và cả nước, từ năm 2001, Trường đại học Sư phạm (Ðại học Thái Nguyên) còn được giao nhiệm vụ đào tạo tiếng Việt cho người nước ngoài. Trong số những học sinh được đào tạo tại trường, có một bộ phận không nhỏ là con em Việt kiều. Vì vậy, việc dạy học tiếng Việt thông qua hình thức tích hợp trải nghiệm văn hóa là một trong những phương pháp được nhà trường chú trọng.
Cụ thể, nhà trường đã sử dụng các hình thức tích hợp trải nghiệm văn hóa trong dạy học tiếng Việt cho con em Việt kiều như diễn kịch thông qua một số tác phẩm văn học tiêu biểu của Việt Nam như truyện ngụ ngôn, cổ tích, truyện ngắn... Với hình thức này, người học được phát triển các kỹ năng sử dụng tiếng Việt như là nghe-nói, kích thích trí tưởng tượng của người học, thúc đẩy sự sáng tạo trong quá trình nhận thức và thực hành ngôn ngữ.
Cùng với đó, tăng cường sự hiểu biết về văn học nghệ thuật, thúc đẩy sự đồng cảm, chia sẻ của người học với tiếng Việt và văn hóa Việt Nam. Phương pháp kể chuyện cổ tích cũng được nhà trường lựa chọn nhằm giúp người học có thêm hiểu biết về cuộc sống và văn hóa của Việt Nam, tăng cường thêm vốn từ vựng và nâng cao năng lực sử dụng ngôn ngữ. Việc kể chuyện sáng tạo cũng giúp người học nâng cao chất lượng ngôn ngữ kể, tăng cường trí nhớ và trí tưởng tượng của mình.
Vận dụng một số phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực vào dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, TS Ðỗ Phương Thảo, Giảng viên chính, Khoa Việt Nam học (Trường đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: Trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy, nhóm nghiên cứu đã sử dụng hai hình thức dạy học tích hợp là: Tích hợp trong nội bộ môn học và tích hợp liên môn. Với tích hợp trong nội bộ môn học, các kỹ năng nghe-nói-đọc-viết sẽ được tích hợp trong một giờ dạy tiếng Việt nhằm tăng cường hiệu quả giáo dục và tiết kiệm thời gian cho người học.
Tích hợp liên môn là nhiều môn học liên quan được kết lại thành một môn học mới với chủ đề chung. Khi xác định được các hình thức dạy học tích hợp nào, giáo viên sẽ triển khai, tiến hành các bước nhằm mục đích phát triển năng lực bản thân, tìm tòi, khám phá của người học trong dạy, học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, hướng đến những cách học mới mẻ, tích cực, đạt được kết quả cao.
Nhu cầu học tiếng Việt của người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng tăng. Việc học tiếng Việt với nhiều mục đích khác nhau như để giao tiếp trong gia đình, cộng đồng nhằm gìn giữ ngôn ngữ mẹ đẻ, văn hóa Việt Nam... Ðể hỗ trợ cộng đồng duy trì tiếng Việt, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, theo Phó Vụ trưởng Giáo dục Thường xuyên (Bộ Giáo dục và Ðào tạo) Lê Thị Hằng, trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong các nghị quyết, đề án bằng việc ban hành các văn bản chỉ đạo để tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, phát triển, cập nhật chương trình, tài liệu dạy học và tổ chức hoạt động dạy học, kiểm tra, đánh giá năng lực sử dụng tiếng Việt.
Từ năm 2013 đến nay, hằng năm Bộ Giáo dục và Ðào tạo phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên tình nguyện dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài. Mỗi năm có khoảng 65 đến 70 giáo viên từ nhiều quốc gia tham dự và được cấp chứng nhận hoàn thành lớp bồi dưỡng, trở thành nòng cốt trong phong trào dạy và học tiếng Việt của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tại các nước sở tại.
Mặc dù đã nhận được sự quan tâm, ưu tiên triển khai nhưng theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo, việc tổ chức dạy, học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài còn gặp nhiều bất cập. Phần lớn những người sử dụng thành thạo tiếng Việt trong cộng đồng đang già đi, khiến nguy cơ mai một ngôn ngữ trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tăng cao. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay không có kinh nghiệm sư phạm nên việc truyền đạt kiến thức cho học sinh còn nhiều hạn chế.
QUỲNH NGUYỄN
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/doi-moi-phuong-phap-day-hoc-tieng-viet-cho-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai-a11790.html