Dự kiến chỉ sau 7 tháng của năm nay, giá trị xuất khẩu rau quả sẽ vượt qua cả con số gần 3,2 tỷ USD của năm ngoái.
Cùng với sự mở cửa trở lại của Trung Quốc sau dịch COVID-19 là sự tăng trưởng ấn tượng của mặt hàng sầu riêng, cũng như sự đa dạng hóa thị trường đang để lại dấu ấn xuất khẩu rau quả chưa từng có.
Sau thành công đưa quả vải thiều bước chân vào các thị trường chất lượng cao như Nhật Bản, Mỹ và EU, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu tiếp nối chiến lược đẩy mạnh đưa quả vải mở rộng tại các thị trường này.
Bà Đỗ Hoàng Lan, Phụ trách thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, cho biết với phương châm đẩy mạnh xuất khẩu quả vải tươi, lượng vải xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh, đặc biệt sang EU dự kiến có mức tăng trên 50%.
Năm nay là năm đầu tiên công ty đưa quả vải sang Mỹ, nhưng nhờ kiểm soát tốt chất lượng nên sản phẩm được người tiêu dùng Mỹ phản hồi tốt. Sức tiêu thụ của thị trường Mỹ cũng khá tốt. Việc mở rộng thị trường này phụ thuộc khả năng đáp ứng của nhà xuất khẩu.
Theo bà Đỗ Hoàng Lan, để quả vải có thể xuất khẩu được sang các thị trường trên, điều bắt buộc đầu tiên phải có mã số vùng trồng. Do đó, dù muốn đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu nhưng doanh nghiệp cũng không thể phát triển nóng vội, ồ ạt vùng nguyên liệu. Nên sản lượng đạt chất lượng xuất khẩu cũng không thể tăng nhanh.
Bên cạnh đó, năm nay, Trung tâm chiếu xạ tại Hà Nội vẫn chưa thể thực hiện chiếu xạ cho sản phẩm đi Mỹ, doanh nghiệp vẫn phải vận chuyển hàng vào Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện chiếu xạ, nên mất thêm thời gian cũng như chi phí.
Không chỉ với quả vải, nhìn chung thị trường tiêu thụ rau quả tươi cũng như chế biến năm nay được bà Đỗ Hoàng Lan đánh giá khá tốt. Sản lượng xuất khẩu cao hơn so với năm trước. Sau quả vải, doanh nghiệp đã lên kế hoạch cho xuất khẩu quả nhãn ở miền Bắc. Ngoài ra, doanh nghiệp vẫn thường xuyên xuất khẩu rau đậu tương, ngô ngọt, vải chế biến do đã có đơn hàng trước mùa vụ.
"Doanh nghiệp cũng liên tục tìm kiếm thêm khách hàng cho các sản phẩm nông sản tươi cũng như chế biến," bà Đỗ Hoàng Lan chia sẻ.
Sáu tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước đạt 2,75 tỷ USD, tăng mạnh 64% so với cùng kỳ năm trước và bằng 81,8% của cả năm ngoái.
Trong các mặt hàng, sầu riêng tăng trưởng mạnh nhất, sau đó là thanh long, chuối, xoài, mít, dưa hấu, vải thiều… Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu số 1 rau quả Việt Nam. Nửa đầu năm, thị trường Trung Quốc chiếm gần 59% thị phần, thứ hai là Mỹ, sau đó là Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan…
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 6 tháng đầu năm nay xuất khẩu rau quả trở thành điểm sáng của ngành nông nghiệp. Nếu ngành rau quả giữ vững đà xuất khẩu cho đến cuối năm, kim ngạch xuất khẩu cả năm có thể đạt 5 tỷ USD.
Dấu ấn trong nửa đầu năm phải kể đến mặt hàng sầu riêng. Sầu riêng đã “vượt mặt” thanh long trở thành sản phẩm xuất khẩu đứng đầu với giá trị 850 triệu USD, trong khi thanh long mới đạt trên 310 triệu USD.
Riêng với sầu riêng, ông Đặng Phúc Nguyên đánh giá, dù xuất khẩu sang Trung Quốc muộn hơn so với Thái Lan, nhưng sầu riêng Việt Nam có lợi thế riêng. Đến nay sản lượng thu hoạch mới đạt trên 50%, hiện đang chủ yếu thu hoạch ở Đồng Nai, Lâm Đồng. Đến tháng Tám và tháng Chín sẽ thu hoạch chính ở Tây Nguyên và cuối năm ở miền Tây.
Đặc biệt, từ tháng Tám, tháng Chín tới, Thái Lan sẽ vào cuối vụ còn Việt Nam vào vụ ở Tây Nguyên. Nên từ nay đến cuối năm kim ngạch xuất khẩu sầu riêng vẫn còn dư địa tăng trưởng. Đây là lợi thế so sánh của sầu riêng Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên nói.
Việt Nam hiện có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói sầu riêng đã được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính thức sang thị trường này. Cục Bảo vệ thực vật cho biết, đơn vị này đang làm việc với Hải quan Trung Quốc để thống nhất lịch kiểm tra tiếp theo cho khoảng 400 vùng trồng và 60 cơ sở đóng gói sầu riêng đã gửi hồ sơ cho phía Trung Quốc.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, nếu được cấp thêm mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc còn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.
Ngoài Trung Quốc, xuất khẩu rau quả cũng tăng trưởng khá tốt ở nhiều thị trường quan trọng khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan… “Vua chuối” Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hạn Huy Long An, cho biết xuất khẩu chuối vẫn đang thuận lợi ở các thị trường quan trọng như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Hiện tại, các đối tác vẫn duy trì nhập hàng đều đặn với giá cả ổn định. thị trường sẽ tiếp tục khả quan trong thời gian tới.
Đánh giá về dư địa xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm nay, ông Đặng Phúc Nguyên nhận định hiện nhiều loại trái cây Việt Nam bước vào vụ thu hoạch và có đặc tính rải vụ nên xuất khẩu rau quả năm nay được đánh giá còn nhiều dư địa.
Dự báo, trong quý 3 và 4 tới sẽ có gần 7,6 triệu tấn các loại trái cây chính cần tiêu thụ như xoài, chuối, thanh long, dứa, cam, vải, nhãn, sầu riêng, mít, bơ... Như vậy, có thể thấy, nguồn cung trái cây đang và sẽ rất dồi dào, đáp ứng tốt các đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới.
Tiếp tục dấu ấn thành công sau sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục đàm phán để xuất khẩu dừa tươi sang Hoa Kỳ; thống nhất với Nhật Bản về tem mới đối với mặt hàng xoài và thanh long tươi của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này từ 01/8/2023. Bộ trao đổi với Tổng Cục Hải quan Trung Quốc để hoàn thiện dự thảo Nghị định thư về yêu cầu nhập khẩu ớt và các loại quả tươi truyền thống của Việt Nam (trừ chuối)…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Trung đề nghị các địa phương, cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp duy trì việc đáp ứng các điều kiện với các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để đảm bảo chất lượng hàng hóa. Việc duy trì sản xuất bền vững bảo đảm khi đã xuất khẩu được mặt hàng nào thì đảm bảo tính bền vững của mặt hàng đó./.
Bích Hồng
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/kim-ngach-xuat-khau-rau-qua-ca-nam-co-the-dat-5-ty-usd-vao-cuoi-nam-a11970.html