Kỳ vĩ Bạch Mã

Dân gian có câu: “Xem cây thì vào Cúc Phương, ngắm thú nên đến Cát Tiên, tắm thác mời lên Bạch Mã”. Lâu nay, Vườn Quốc gia Bạch Mã nổi tiếng có nhiều thác đẹp và hùng vĩ, trong đó phải kể tới thác Đỗ Quyên. Chẳng thế mà người dân Huế lưu truyền câu ca: “Đỗ Quyên thác đổ bốn mùa/ Hương giang nước sạch nhớ ơn thượng nguồn”.

Nhưng Bạch Mã đâu chỉ có thác. Bạch Mã có ngọn núi tâm linh gắn với truyền thuyết ra đời tên gọi là từ sự tích một vị tướng cưỡi ngựa trắng bay lên núi.

Từ trung tâm TP Huế tới Vườn Quốc gia Bạch Mã chừng hơn 40km. Trên xe, nhiều bạn đồng hành của tôi lo ngại sẽ phải vượt suối, băng rừng mới lên tới đỉnh Bạch Mã nằm ở độ cao gần 1.500m so với mực nước biển. Thế nhưng đường xá thuận tiện, chúng tôi chỉ mất chừng 30 phút ngồi ô tô để di chuyển từ chân núi lên tới đỉnh Bạch Mã. Nhìn từ trên cao, đầm Cầu Hai và vịnh Chân Mây tựa như bức tranh thủy mặc say đắm lòng người. Mùa này ở Thừa Thiên Huế đang nóng bức, nhưng sự xanh mát của khu rừng nguyên sinh này không khác gì một chiếc điều hòa khổng lồ xua đi cái oi nồng của thời tiết.

1-2-1689735592.jpg

Du khách tham quan Vườn Quốc gia Bạch Mã.

Bạch Mã được phát hiện vào năm 1932 bởi kỹ sư người Pháp M.Girard. Trên đỉnh núi, người ta xây nơi để trú chân ngắm cảnh gọi là Vọng Hải đài. Từ đây, du khách có thể quan sát được toàn cảnh đèo Hải Vân, núi Túy Vân, cửa Tư Hiền, hồ Truồi với Trúc Lâm Bạch Mã, thậm chí là cả hai TP Huế và Đà Nẵng những ngày trời quang. Chiến tranh và thời gian đã khiến Bạch Mã dường như rơi vào quên lãng cho đến năm 1991, khi Vườn Quốc gia Bạch Mã chính thức được thành lập. Trải qua nỗ lực bảo tồn và liên tục mở rộng, Bạch Mã hôm nay đã thành một trong những vườn quốc gia lớn có hệ sinh thái đa dạng nhất Việt Nam, với gần 38.000ha, trải dài trên 3 huyện Phú Lộc, Nam Đông (Thừa Thiên Huế) và huyện Hòa Vang (Đà Nẵng).

Trên đỉnh Bạch Mã, chúng tôi có cơ duyên gặp ông Trương Cảm, nhân viên Vườn Quốc gia Bạch Mã-người có biệt tài “nói chuyện với chim rừng”. Gắn bó với rừng từ nhỏ, ông Cảm hiểu được đặc tính, tiếng hót của nhiều loài chim quý. Tiếng huýt sáo của ông đã mời gọi chim rừng bay đến như thể chúng đang muốn hoan ca với chúng tôi. Làm sao ông có thể bắt chước được tiếng hót của nhiều loài chim quý? Giọng từ tốn, ông Trương Cảm cho hay: “Rừng là trường, chim là thầy. Ở trong rừng lâu, tôi như một phần không thể thiếu của nơi đây. Tôi luôn nỗ lực để bảo vệ trường và thầy của mình".

Trước cạm bẫy của cuộc sống, đâu phải ai cũng hiểu rừng và tâm huyết bảo vệ chim quý. Chính bản thân ông Trương Cảm trước đây cũng từng lầm đường lỡ bước. Thời trẻ, như nhiều trai tráng trong bản, Trương Cảm cũng lên rừng chặt cây, săn bắt thú rừng. Một lần, ông bị kiểm lâm bắt, từ đó, ông được cảm hóa và được nhận vào làm nhân viên trong Vườn Quốc gia Bạch Mã. Hiểu được những việc làm trái pháp luật của mình, nhận thấy tầm quan trọng của việc phải bảo vệ rừng, nhiều năm nay, ông Trương Cảm trở thành tuyên truyền viên tích cực nhất tới dân bản, góp phần cùng các cán bộ, nhân viên nơi đây bảo vệ nhiều động, thực vật quý hiếm. Nhờ biệt tài nói chuyện với chim rừng, ông Trương Cảm thường được giao nhiệm vụ dẫn đoàn du khách đi trải nghiệm để hiểu hơn về các loài gỗ quý, chim rừng. 

Vườn Quốc gia Bạch Mã được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong 200 vùng đa dạng sinh học của thế giới, được công nhận là “Vườn di sản ASEAN” vào năm 2022. Theo ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã, nơi đây có gần 2.400 loài thực vật và gần 1.800 loài động vật; trong đó có nhiều loài động, thực vật quý hiếm như: Chò đen, thông nàng, hoàng đàn giả, san đá, gà lôi lam mào trắng, thỏ vằn, khỉ mặt đỏ, voọc chà vá chân nâu, mang lớn, rái cá lông mượt, culi lớn, sơn dương, gấu ngựa, sao la... Ông Nguyễn Vũ Linh cho biết: “Xung quanh Vườn có 80.000 hộ gia đình thuộc 15 xã, thị trấn sinh sống, vẫn còn những hoạt động săn bắt động vật, chặt cây trái phép. Hiện tại, có 11 hạt kiểm lâm đóng xung quanh Vườn, anh em phải đi tuần tra thường xuyên. Trung bình mỗi năm, chúng tôi tổ chức hơn 450 lượt tuần tra dài ngày cho các hạt kiểm lâm, mỗi lượt từ 3 đến 5 ngày trong rừng. Ngoài ra, chúng tôi giao khoán rừng cho người dân để cùng với kiểm lâm, chính quyền bảo vệ rừng. Hiện tại, Vườn có 140 cán bộ, nhân viên, nhưng lực lượng bảo vệ rừng chỉ chiếm 1/3".

Bên cạnh các hoạt động bảo vệ rừng và tuyên truyền tới người dân không khai thác, săn bắt trái phép động, thực vật, Vườn Quốc gia Bạch Mã còn có nhiều hoạt động về giáo dục bảo tồn thiên nhiên, cứu hộ và phát triển bảo tồn sinh vật, nghiên cứu khoa học và du lịch. Trong đó, hoạt động du lịch đã và đang thu hút đông đảo du khách tham quan với các dịch vụ độc đáo như: Tìm hiểu các loài chim; đi bộ trong rừng nguyên sinh; cắm trại trong rừng; đạp xe chinh phục Bạch Mã... “Trong 6 tháng đầu năm 2023, Vườn đã đón 49.722 lượt khách; tổ chức phát thanh 350 đợt tuyên truyền bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên đài phát thanh của các xã; chăm sóc, tiếp nhận, tái thả 6 loài với 28 cá thể; ứng dụng phần mềm Smart Mobile trong tuần tra bảo vệ rừng, giám sát đa dạng sinh học và quản lý cơ sở dữ liệu. Vườn đã tổ chức hơn 2.000 lượt tuần tra, kiểm soát thường xuyên; 239 đợt tuần tra, kiểm soát, truy quét tại rừng. Kết quả, phát hiện và tháo dỡ 114 điểm có đặt bẫy bắt thú rừng và 25 lán trại trong rừng. Chúng tôi đang hoàn thiện đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí để trình các cấp thẩm định, phê duyệt vào tháng 8-2023”, ông Nguyễn Vũ Linh cho biết.

Bài và ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/ky-vi-bach-ma-a12058.html