Phát huy vai trò "bệ đỡ" cho tài năng sáng tạo của giới văn nghệ sĩ

Trong suốt 75 năm hình thành và phát triển, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam (gọi tắt là Liên hiệp) luôn thể hiện vị trí, vai trò là nơi đoàn kết, tập hợp giới văn nghệ sĩ chung tay xây dựng, phát triển VHNT Việt Nam. Trước nhiều diễn biến nhanh chóng, tác động trực tiếp đến đời sống VHNT, đòi hỏi Liên hiệp tiếp tục phát huy truyền thống, đổi mới hoạt động. Để tìm hiểu vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.

Đội ngũ tiên phong góp phần làm giàu giá trị văn học nghệ thuật cách mạng      

Phóng viên (PV): Nhìn lại lịch sử 75 năm, sợi chỉ đỏ xuyên suốt làm nên truyền thống của tổ chức những người làm VHNT là gì, thưa ông?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Hội nghị Văn nghệ toàn quốc diễn ra từ ngày 23 đến 25-7-1948 tại làng Dộc Phát, xã Yên Kỳ (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) quyết định thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, tiền thân của Liên hiệp. Nhưng từ 5 năm trước đó, vào tháng 6-1943, sau khi Đảng ta công bố Đề cương Văn hóa Việt Nam (tháng 2-1943), đã thành lập Hội Văn hóa cứu quốc. Hội Văn hóa cứu quốc cũng có thể xem là tổ chức tiền thân của Liên hiệp.

tr5-2-1689905906.jpg

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân.

Nhắc lại lịch sử để thấy, dù trải qua nhiều thời kỳ với nhiều tên gọi khác nhau song Liên hiệp luôn là một tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ góp phần xây dựng, phát triển nền VHNT cách mạng Việt Nam. Đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức hoạt động trên nhiều lĩnh vực: Sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu, sưu tầm, lý luận-phê bình... Qua hai cuộc kháng chiến, văn nghệ sĩ thực sự là những chiến sĩ, nhiều người hy sinh anh dũng như: Trần Đăng, Hoàng Lộc, Thâm Tâm, Nam Cao, Tô Ngọc Vân, Chu Cẩm Phong, Hoàng Việt, Nguyễn Thi, Trần Hữu Trang, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý... VHNT đã động viên quân dân ta chiến thắng quân thù, giành độc lập, thống nhất đất nước.

Trong thời kỳ hòa bình, đội ngũ văn nghệ sĩ luôn nhận thức lời dạy của Bác Hồ: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”; tâm huyết với những vấn đề đặt ra được xác định là quan trọng, cấp thiết của đất nước như: Xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và hội nhập quốc tế bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo; quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng...

 Đảng, Nhà nước và nhân dân yêu mến, đánh giá cao những đóng góp của Liên hiệp và đội ngũ văn nghệ sĩ. Liên hiệp đã được tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh; 801 văn nghệ sĩ tiêu biểu đã được trao, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT; hàng nghìn nghệ sĩ được trao danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú.

PV: Việc xây dựng tổ chức Liên hiệp thời gian qua có những điểm mới nào đáng chú ý?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Thời gian qua, Liên hiệp đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai thực hiện nhiều hoạt động, chương trình, dự án; qua đó khẳng định vị thế quan trọng của VHNT với tư cách là một bộ phận đặc biệt của văn hóa, một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. 

tr5-3-1689905933.jpg

Các nghệ sĩ nhiếp ảnh sáng tác tại cơ sở làm tương truyền thống ở TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: QUANG HỒ

Liên hiệp tập hợp, nghiên cứu ý kiến, kiến nghị của các tổ chức thành viên, hội VHNT địa phương, qua đó tham mưu với các cơ quan Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng các chủ trương, cơ chế, chính sách, luật pháp đối với lĩnh vực VHNT cũng như đối với văn nghệ sĩ nhằm phát triển sự nghiệp VHNT, bảo vệ quyền lợi chính trị, nghề nghiệp hợp pháp của các tổ chức thành viên.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nước ta hội nhập sâu rộng, Liên hiệp luôn nhận thức vai trò của mình là tổ chức đại diện cho văn nghệ sĩ của 54 dân tộc anh em; đồng thời phải đi đầu bảo tồn và phát huy vốn quý VHNT truyền thống, cổ truyền. Liên hiệp đã có nhiều hoạt động để văn nghệ dân tộc thiểu số và văn nghệ dân gian hòa vào dòng chảy chung, làm nên nền VHNT Việt Nam đa sắc, đa diện.

PV: Trong sự kiện lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ Xuân Quý Mão diễn ra vào tháng 2-2023, thay mặt đội ngũ văn nghệ sĩ, ông đã phát biểu nhấn mạnh đến việc cần đặt toàn bộ sự phát triển VHNT Việt Nam vào chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa là một trong 6 nhiệm vụ đã được nêu bật trong Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. VHNT được xem là “xương sống” của công nghiệp văn hóa; chính vì thế cần phải đặt toàn bộ sự phát triển VHNT Việt Nam vào chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia là để tăng cường “sức mạnh mềm”, đưa văn hóa Việt Nam ra với thế giới.

Tác phẩm VHNT ngày nay cần xem là một loại hàng hóa đặc biệt, ở đó giá trị kinh tế phải song song với giá trị nghệ thuật. Chỉ khi đó, VHNT mới là động lực cho ngành công nghiệp văn hóa phát triển, đóng góp cho sự tăng trưởng của kinh tế. Vị trí, vai trò của văn hóa mới được xã hội nhìn nhận đúng đắn, thực sự ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Phát triển công nghiệp văn hóa là nhiệm vụ mới mẻ, kinh nghiệm của chúng ta không có nhiều. Chính vì vậy, đội ngũ văn nghệ sĩ rất cần sự hỗ trợ, quan tâm của Đảng, Nhà nước mà quan trọng nhất là cơ chế, chính sách.

Cần đầu tư căn cơ hơn cho văn nghệ sĩ yên tâm sáng tạo, cống hiến

PV: Bên cạnh những thành tích, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận một số yếu kém trong đời sống VHNT. Liên hiệp đánh giá yếu kém đang ở mức độ nào và đã có giải pháp gì để khắc phục, thưa ông?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Xét vào từng vấn đề cụ thể thì mức độ khác nhau, có vấn đề sẽ sớm khắc phục nhưng có những việc mất nhiều thời gian và đôi khi giải pháp nằm ngoài khả năng của Liên hiệp cũng như anh em văn nghệ sĩ.

Từ lâu đã có những lo ngại về chiều hướng nghiệp dư hóa trong sáng tác. Đâu đó xuất hiện những tác phẩm không phù hợp với thuần phong mỹ tục, thậm chí xấu độc tác động vào môi trường văn hóa, nhân cách con người. Nhiệm vụ của văn nghệ sĩ chân chính là không ngừng sáng tác những tác phẩm giá trị, lấy cái đẹp dẹp cái xấu. Những giải pháp khác để bảo vệ văn hóa dân tộc, VHNT cách mạng cần được lãnh đạo các cấp quan tâm, chỉ đạo sát thực tiễn, thực hiện quyết liệt mới ngăn chặn “luồng gió độc” len lỏi trong VHNT.

Theo quan sát của cá nhân tôi, trong mọi loại hình VHNT đều có tác phẩm tốt. Nhiều tác phẩm “có nghề” do nghệ sĩ trẻ sáng tác. Những điều đáng mừng này không thực sự lan tỏa trọn vẹn vì chúng ta rất yếu về khâu quảng bá, tiếp thị sản phẩm VHNT nên công chúng không hề biết đến. Ngoài ra còn là vấn đề nâng cao trình độ thưởng thức, tiếp nhận của công chúng. Chẳng hạn, để thế hệ trẻ hiện nay bỏ tiền mua vé thưởng thức nghệ thuật truyền thống thì trước hết họ phải hiểu nghệ thuật dân tộc. Muốn hiểu thì phải được tiếp cận, được giáo dục. Ngoài nỗ lực của anh em văn nghệ sĩ trong việc quảng bá nghệ thuật truyền thống, vai trò của ngành giáo dục là quan trọng.

Ở địa phương, VHNT phát triển hay không tùy thuộc hoàn toàn vào nhận thức và hành động đầu tư của các cấp lãnh đạo. Câu chuyện rõ nhất là tổ chức biên chế, chế độ đãi ngộ, nếu địa phương nào quan tâm thì đời sống anh em văn nghệ sĩ được cải thiện, toàn tâm toàn ý cho hoạt động VHNT. Nhưng ngược lại, đã xảy ra ở địa phương vì nhận thức vai trò VHNT chưa đúng đắn, dẫn tới những quyết định bất hợp lý như sáp nhập các đoàn nghệ thuật tùy tiện. Có địa phương, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo VHNT không hề có chuyên môn, làm giảm đi hiệu quả hoạt động của hội; biến VHNT thành lực lượng có cũng được mà không có cũng chẳng sao, hoặc chỉ có nhiệm vụ chào mừng những hội nghị, chứ không sử dụng tài năng của họ phục vụ cho công chúng, làm vẻ vang cho nền văn hóa địa phương. 

PV: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, theo ông, đâu là việc cần thiết nhất để gìn giữ và phát huy giá trị của nền VHNT cách mạng Việt Nam?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Nền VHNT cách mạng kinh qua hai cuộc kháng chiến, những văn nghệ sĩ làm nên thời kỳ huy hoàng số đông đã mất, người còn thì tuổi cao sức yếu, năng lực sáng tạo, làm việc giảm sút. Chính vì thế, việc đào tạo nguồn nhân lực kế cận “vừa hồng vừa chuyên” là vô cùng quan trọng.

Đào tạo được đã quý nhưng quan trọng là phải bố trí công việc, tạo nguồn để họ yên tâm phấn đấu lao động cống hiến. Điều hiển nhiên là người trẻ có tài tập trung sinh sống, sáng tạo tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Các địa phương cần phải làm công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch nhân sự, không chỉ xoay quanh Hội VHNT và tạp chí VHNT mà cần cho các chuyên ngành khác nhau. Cùng với đó là quan tâm đầu tư các hoạt động sáng tác, giới thiệu quảng bá tác phẩm, cải tiến các chế độ đãi ngộ, lương bổng, nhà ở... thì văn nghệ sĩ mới yên tâm công tác tại địa phương.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

HOÀNG HOÀNG - THÁI PHƯƠNG

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/phat-huy-vai-tro-be-do-cho-tai-nang-sang-tao-cua-gioi-van-nghe-si-a12123.html