100.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2023

Nhiều doanh nghiệp trong nước đang đuối sức, không chống chịu được trước bối cảnh cầu thị trường trong nước và thế giới sụt giảm mạnh kéo dài.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 60.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9% so với cùng kỳ; 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8%...

Đây là chỉ báo đáng quan ngại về tình hình sức khỏe của doanh nghiệp khi chỉ còn hơn 5 tháng nữa là kết thúc năm 2023.

ttxvn-2307-doanh-nghiep-1690188217.jpg
Nhiều doanh nghiệp đang đuối sức trước bối cảnh cầu thị trường trong nước và thế giới sụt giảm mạnh kéo dài. (Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN)

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, đại diện Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, phản ánh nhiều doanh nghiệp trong ngành đang đuối sức, không chống chịu được trước bối cảnh cầu thị trường trong nước và thế giới sụt giảm mạnh kéo dài.

Phía sau mỗi doanh nghiệp đóng cửa, ngừng hoạt động là hàng loạt người lao động mất việc làm, giảm thu nhập, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Trong khi cộng đồng doanh nghiệp và người dân phải đối mặt với những khó khăn thì yêu cầu tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch cho doanh nghiệp càng trở nên cấp thiết.

Tuy nhiên, đâu đó vẫn diễn ra câu chuyện chồng lấn pháp lý, nhất là ở ngành xây dựng hay hiện tượng điều kiện kinh doanh núp bóng dưới các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, ảnh hưởng tới sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Đơn cử như để thực hiện một dự án bất động sản, doanh nghiệp phải cần tới 40 con dấu phê duyệt của bộ, ngành.

Doanh nghiệp làm nhanh trong thời gian 2,5 năm, doanh nghiệp chậm phải mất từ 5-10 năm mới xong thủ tục dự án.

Mỗi địa phương quan niệm thủ tục đầu tư dự án bất động sản khác nhau vì văn bản pháp luật chưa rõ ràng, ai hiểu như thế nào cũng được, ông Hiệp dẫn chứng.

Cùng với đó, vẫn còn hiện tượng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền, đẩy doanh nghiệp vào tình cảnh ngày càng khó khăn hơn. Điều đó khiến nhiều công trình, dự án bị kéo dài, gây thất thoát, lãng phí, doanh nghiệp mất cơ hội đầu tư.

Đồng quan điểm, Tiến sỹ Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho biết hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa có 3 khó khăn dai dẳng.

Đó là thiếu vốn; khả năng tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ; mặt bằng sản xuất và các thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cải cách thể chế cũng đang đối mặt với nhiều thách thức.

Cụ thể là cắt giảm chi phí tuân thủ từ những quy định hiện hành; lo lắng chi phí mới sẽ phát sinh từ quy định đang dự thảo và sẽ ban hành như định mức tái chế, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt; những chính sách toàn cầu làm gia tăng chi phí kinh doanh như thuế carbon hay các nước trong khu vực đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để giảm chi phí tuân thủ, tăng lợi thế cạnh tranh...

Đây là vấn đề cần nghiên cứu để đề xuất những giải pháp tổng thể và cấp thiết, đáp ứng yêu cầu đặt ra của thực tiễn hiện nay.

Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thông tin số liệu của Tổng cục Thống kê trong 6 tháng đầu năm cho thấy chỉ số tiêu dùng chỉ tăng 2,68% so với cùng kỳ năm 2022; tích lũy tài sản tương ứng tăng 1,15%.

Để tháo gỡ những khó khăn, mở rộng không gian kinh tế cho doanh nghiệp trong thời gian tới thì cần có những chính sách mang tính căn cơ, lâu dài.

“Trước đó Quốc hội đã đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung 8 luật có tác động lớn đến kinh tế-xã hội gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Đây là bước tiến rất lớn, nhưng thực tế hiện nay vẫn còn rất nhiều vấn đề về đất đai, môi trường, xây dựng còn sự chồng chéo, gây cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, cần tiếp tục công tác rà soát, sửa đổi thể chế để đưa ra những đề xuất sửa đổi, hoàn thiện tránh sự chồng chéo. Luật pháp là cái nôi, là khung khổ, xương sườn của nền kinh tế, nếu có sự chồng chéo thì quá trình vận hành sẽ gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp...,” bà Minh phân tích./.

Ngọc Quỳnh

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/100000-doanh-nghiep-ngung-hoat-dong-trong-6-thang-dau-nam-2023-a12221.html