Ngày 29/7, Liên minh châu Âu (EU) thông báo ngừng mọi hợp tác an ninh và hỗ trợ tài chính cho Niger và quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.
Động thái trên được đưa ra sau vụ một nhóm binh sỹ phế truất Tổng thống Mohamed Bazoum và giam giữ ông trong Dinh Tổng thống, đồng thời đóng cửa biên giới và ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc.
Tướng Abdourahamane Tchiani - vốn là chỉ huy Lực lượng Cận vệ của Tổng thống Niger, đã được chỉ định là người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp sau cuộc đảo chính.
Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại, ông Josep Borrell ra tuyên bố nêu rõ: “Bên cạnh việc ngừng ngay lập tức viện trợ tài chính, mọi hợp tác trong lĩnh vực an ninh sẽ dừng lại ngay lập tức vô thời hạn."
Niger là nước nhận viện trợ nhiều từ phương Tây và là đối tác quan trọng của EU trong việc giúp kiềm chế người di cư trái phép từ khu vực nam sa mạc Sahara châu Phi. EU cũng có lực lượng binh sỹ đồn trú tại Niger với sứ mệnh huấn luyện quân sự cho nước này.
Từ năm 2021-2024, EU đã dành 503 triệu euro (554 triệu USD) trong ngân sách của mình để cải thiện giáo dục, tăng trưởng bền vững và khả năng quản trị đất nước ở Niger.
Cùng ngày, Liên minh châu Phi (AU) đã đề nghị các binh sỹ đảo chính ở Niger “trở lại doanh trại và khôi phục quyền hiến pháp” trong vòng 15 ngày.
Trong thông cáo đưa ra sau cuộc họp ngày 28/7 về cuộc đảo chính tại Niger, Hội đồng Hòa bình và an ninh của AU “đề nghị các quân nhân trở lại doanh trại ngay lập tức và vô điều kiện, đồng thời khôi phục các quyền trong hiến pháp, trong vòng 15 ngày tới."
Thông cáo nhấn mạnh AU “kịch liệt lên án” việc lật đổ một chính phủ do dân bầu, đồng thời bày tỏ lo ngại sâu sắc về “sự gia tăng đáng báo động” của các cuộc đảo chính quân sự tại châu Phi.
Trong diễn biến liên quan cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi lập tức trả tự do cho Tổng thống Bazoum và khôi phục trật tự dân chủ.
Phát biểu với báo giới tại Brisbane (Australia), ông Blinken cho biết quan hệ đối tác an ninh và kinh tế giữa Mỹ với Niger, trị giá hàng trăm triệu USD, tùy thuộc vào trật tự hiến định ở Niger. Vì vậy, cần chấm dứt cuộc đảo chính để không ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác này./.
Bích Liên
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/lien-minh-chau-au-ngung-hop-tac-an-ninh-ho-tro-tai-chinh-cho-niger-a12426.html