Trong bối cảnh tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn, căn cứ các quy định tại Nghị định số 08/2023, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đàm phán với các chủ sở hữu trái phiếu doanh nghiệp để cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Đặc biệt, một số tổ chức phát hành trong lĩnh vực bất động sản đã đạt được thỏa thuận gia hạn thanh toán trái phiếu từ 1 tháng đến 2 năm, với mức lãi suất được thỏa thuận tăng 0,5 - 3% so với ban đầu.
Bộ Tài chính cho biết, từ đầu năm đến 28/7, cả nước đã có 36 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với khối lượng 62.300 tỷ đồng, giảm 77,8% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó doanh nghiệp bất động sản chiếm tới 54,2%, tiếp đến là tổ chức tín dụng (31,6%). Trong số này, số lượng trái phiếu phát hành có tài sản đảm bảo chiếm 60,5%. Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 1,02 triệu tỉ đồng, chiếm 10,8% GDP năm 2022, bằng 8,2% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi việc công bố thông tin của doanh nghiệp, làm việc trực tiếp với doanh nghiệp có trái phiếu đến hạn lớn và yêu cầu các doanh nghiệp có trách nhiệm về việc thanh toán đầy đủ nghĩa vụ trái phiếu cho nhà đầu tư theo điều kiện, điều khoản đã cam kết.
Để tăng thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu sửa đổi Quyết định 11/2010 về danh mục giấy tờ có giá được sử dụng trong các giao dịch của Ngân hàng Nhà nước, trong đó bổ sung trái phiếu doanh nghiệp vào danh mục giấy tờ có giá được sử dụng trong các giao dịch của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2021 theo hướng tăng cường minh bạch và thanh khoản thị trường trái phiếu doanh nghiệp, kiểm soát chặt chẽ rủi ro, góp phần phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, lành mạnh, hiệu quả.
Chia sẻ với báo chí tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt Bộ Tài chính và các bộ, ngành triển khai các giải pháp đã bước đầu đưa thị trường trái phiếu doanh nghiệp ổn định trở lại. Tuy nhiên, thị trường chưa phục hồi ngay do còn các yếu tố khó khăn, do nội tại kinh tế khó khăn nên nhu cầu vốn của doanh nghiệp giảm; nhà đầu tư cá nhân thận trọng sau các vụ việc về trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến việc ngân hàng thương mại phân phối trái phiếu trong thời gian qua đang được cơ quan chức năng xử lý; doanh nghiệp và tổ chức cung cấp dịch vụ quan ngại về các vi phạm nên hạn chế việc phát hành mới. Bên cạnh đó, cầu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp giảm do theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, từ năm 2023, các doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư một số sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp.
Ngân Thương
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/du-no-trai-phieu-doanh-nghiep-rieng-le-khoang-102-trieu-ty-dong-tuong-duong-108-gdp-a12652.html