Chương trình "Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục" tổ chức trực tuyến với điểm cầu chính đặt tại trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết nối với các tỉnh, thành phố qua 63 điểm cầu của các Sở Giáo dục và Đào tạo và hơn 400 điểm cầu của các đại học, trường đại học trong cả nước.
Trong buổi sáng, theo Ban tổ chức, đã có hơn 700.000 giáo viên mầm non, phổ thông của cả nước tham dự chương trình. Dự kiến, cùng với lịch của buổi chiều, Bộ trưởng gặp gỡ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đại học, trường đại học, chương trình sẽ có sự tham dự của hơn một triệu thành viên trong ngành giáo dục và đào tạo Việt Nam.
Phát biểu mở đầu chương trình, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Đây là cuộc gặp gỡ trao đổi chứ không phải cuộc đối thoại. Không phải đối thoại giữa người sử dụng lao động với người lao động theo quy định, mà là cuộc gặp gỡ trao đổi giữa Bộ trưởng, các lãnh đạo bộ, các Vụ, Cục với toàn thể nhà giáo.
Theo Bộ trưởng, ngành giáo dục và đào tạo đang triển khai những việc rất lớn và rất khó, có việc khó tựa như rời non lấp bể, cần sự đồng tâm hiệp lực, cả triệu người cùng nhìn về một phía.
“Gặp gỡ trao đổi để gần nhau hơn, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhau, cùng chia sẻ để tăng thêm sức mạnh chung” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tính đến thời điểm sáng nay, đã có hơn hơn 6.500 câu hỏi chuyển tới qua nhiều kênh, trong đó, phần lớn các ý kiến từ các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt.
Tại buổi gặp gỡ, các nhà giáo từ các tỉnh, thành tiếp tục phát biểu ý kiến, nêu vấn đề, nói lên tâm tư nguyện vọng của mình.
Là một giáo viên đã có nhiều năm gắn bó với giáo dục mầm non, cô giáo Lê Thị Tuyết Hường, công tác tại Trường mầm non xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) chia sẻ những băn khoăn, trăn trở và mong muốn Bộ trưởng quan tâm và có giải pháp hỗ trợ địa phương khắc phục những khó khăn. Cụ thể, về chính sách đối với giáo viên mầm non, theo quy định thời gian làm việc của giáo viên mầm non là 8 giờ/ngày, nhưng trên thực tế giáo viên thường làm việc ở trường từ 10 đến 11 giờ/ngày, từ sáng sớm đến chiều muộn. Về chế độ tiền lương của giáo viên mầm non, mặc dù đã được quan tâm nhưng vẫn còn ở mức thấp, chưa tương xứng với thời gian và công sức cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống.
Bên cạnh đó, ở các trường mầm non thuộc vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh, khoảng cách từ trung tâm đến điểm trường lẻ thường rất xa, có những nơi lên đến gần 50km, giao thông đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ nhưng giáo viên dạy ở các điểm trường lẻ chưa có chế độ hỗ trợ đi lại khi về trung tâm trường để tham gia các cuộc họp và sinh hoạt chuyên môn hàng tháng. Đặc biệt, điều kiện sinh hoạt và làm việc của giáo viên mầm non còn nhiều khó khăn như thiếu nhà công vụ, thiếu nước sạch, chưa có điện trong khi giáo viên phải ăn ở, ngủ nghỉ tại điểm trường cả tuần, thậm chí là cả tháng.
Đối với thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hiện nay tỉnh Điện Biên đang thiếu giáo viên; thiếu nguồn tuyển giáo viên ở một số môn chuyên biệt như: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Các điều kiện về cơ sở vật chất, hệ thống phòng học bộ môn và trang thiết bị kèm theo chưa đáp ứng được yêu cầu trong khi nguồn kinh phí đầu tư cho việc xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học còn hạn hẹp. Việc in ấn và phát hành tài liệu giáo dục địa phương chưa thực hiện được do còn nhiều vướng mắc về thủ tục.
Đại diện giáo viên Hà Tĩnh, cô giáo Dương Thị Thanh Hồng, giáo viên mầm non lớp 5 tuổi cho biết: Những năm gần đây, Đảng, Nhà nước và địa phương đã quan tâm đến đội ngũ giáo viên nói chung và giáo viên mầm non nói riêng, đã có nhiều chính sách ưu đãi cho giáo viên. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cần được tháo gỡ kịp thời, góp phần xây dựng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
Theo cô giáo Dương Thị Thanh Hồng, hiện nay, đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác hành chính trong các cơ sở giáo dục mức lương được thưởng còn thấp. Ngoài lương thì các đối tượng này không được hưởng các chế độ đãi ngộ, chế độ thâm niên nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn, kính mong Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ cho đội ngũ làm hành chính trong các cơ sở giáo dục được bảo đảm cuộc sống.
Ngoài ra, nhiều nhà giáo mong muốn được giữ nguyên tuổi nghỉ hưu, nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi, hỗ trợ cho đội ngũ nhà giáo được nghỉ hưu nhưng không bị thiệt so với chính sách chung.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Hồng Phong (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) cho biết: Mong mỏi lớn nhất của giáo viên là được tháo gỡ về các chế độ chính sách như tiền lương; hưởng lương theo bằng cấp; có cơ chế để giáo viên có thể được làm thêm bằng chính nghề của mình.
Bên cạnh những ý kiến trao đổi với các nhà giáo ngay tại chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Sau hôm nay tôi sẽ tổ chức và chỉ đạo các Bộ trưởng Vụ, Cục tiếp tục phân tích các câu hỏi và có cách trả lời theo các chủ đề và quan trọng hơn là lắng nghe các ý kiến để điều chỉnh chính sách”.
THANH XUÂN - QUỲNH NGUYỄN
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/hon-700000-giao-vien-mam-non-pho-thong-ca-nuoc-trao-doi-ve-giao-duc-a12948.html