Kích cầu tiêu dùng nội địa: Tạo ‘đòn bẩy’ vững chắc phục hồi kinh tế

Với thị trường nội địa lên tới 100 triệu dân, cộng với thu nhập đang tăng nhanh, nếu đáp ứng được các yêu cầu của người tiêu dùng, cũng là cơ sở để doanh nghiệp vượt qua những biến động từ bên ngoài.

Sức mua trong nước đang dần hồi phục, cùng với nhiều chính sách kích cầu đã và đang được triển khai, thị trường nội địa những tháng cuối năm được kỳ vọng là “đòn bẩy” hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng của nền kinh tế.

anh-22-6-14-763f5-1692764846.jpeg
Các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa tạo điều kiện hỗ trợ sản xuất-kinh doanh. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Lấy đà tăng trưởng

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 7/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, nhiều địa phương lớn đều ghi nhận mức tăng cao, như: Quảng Ninh tăng 12%; Hải Phòng tăng 10,5%; Bình Dương tăng 9,7%; Cần Thơ tăng 8,6%; Đồng Nai tăng 8,3%; Đà Nẵng tăng 6,5%; Hà Nội tăng 5,9%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 3,8%.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam từ quý 4/2023 đến nay có chiều hướng đi xuống. Tính 7 tháng vừa qua, xuất khẩu của cả nước giảm 10,6% còn nhập khẩu giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2022.

“Hoạt động xuất nhập khẩu là động lực rất mạnh mẽ để nền kinh tế tăng trưởng và phát triển, do vậy từ này đến cuối năm việc đẩy mạnh xuất nhập khẩu cũng là hoạt động rất quan trọng,” ông nói.

Có thể thấy rất rõ, việc xuất nhập khẩu gặp khó khăn đã dẫn tới tiêu thụ bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp đều có xu hướng giảm năng lực sản xuất, đẩy tồn kho tăng lên.

Vì vậy, theo chuyên gia này, việc nắm bắt xu hướng tiêu dùng trên thị trường nội địa trở thành một trong những nền tảng để ổn định cho sản xuất, trên cơ sở đó thúc đẩy quá trình sản xuất và tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế có thể tiếp tục được phát triển và hy vọng có tăng trưởng cao.

Nhấn mạnh từ việc tổng mức bán lẻ doanh thu dịch vụ và tiêu dùng trong tháng 7 đã có chiều hướng đi lên so với tháng 6, chuyên gia này cho rằng, đây là tín hiệu tích cực làm đòn bẩy thúc đẩy hoạt động sản xuất-kinh doanh, góp phần cho tăng trưởng của nền kinh tế.

nsan3-1692764846.jpg
Các doanh nghiệp tích cực tham gia các chương trình bình ổn thị trường. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết với lợi thế về biển, nên tỉnh hết sức chú trọng lĩnh vực du lịch để thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

“Thời gian qua Sở Công Thương đã gắn hoạt động của các chợ truyền thống với khách du lịch, tạo thành điểm đến để du khách mua sắm hàng hóa, đồng thời đẩy mạnh kinh tế đêm, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm OCOP qua đó thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm của địa phương,” bà Mai nói.

Về phía doanh nghiệp, bà Phạm Thùy Linh, Giám đốc Đối ngoại và Đầu tư Tập đoàn Central Retail cũng đánh giá cao các Chương trình kích cầu với sự chỉ đạo của Bộ Công Thương.

Theo bà Linh, tập đoàn luôn phối hợp với các địa phương để tham gia chương trình bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh các chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm trong nước, đặc biệt là đẩy mạnh việc thu mua trực tiếp các sản phẩm của người nông dân (như chương trình Lễ hội trái cây…) qua đó thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông sản…

Hạn chế tăng giá do yếu tố tâm lý

Để kích cầu thị trường nội địa, góp phần vào việc phục hồi và phát triển kinh tế, thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách tạo động lực hỗ trợ sản xuất-kinh doanh và tiêu dùng của người dân.

Đáng chú ý, việc giảm 2% thuế VAT từ ngày 1/7/2023 đã góp phần tích cực cho việc bình ổn nhiều hàng hóa. Theo như, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, lan tỏa của chính sách này không chỉ góp phần giảm giá bán đến người tiêu dùng cuối cùng mà còn giúp giảm giá đầu vào các linh phụ kiện liên quan đến hoạt động chế tạo sản phẩm, từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động khuyến mại và các dịch vụ hậu mãi, kích thích tiêu dùng nội địa.

Cùng đó, việc tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023 cũng là biện pháp gia tăng thu nhập cho người dân, tạo ra khả năng mua sắm cao hơn. Cộng thêm việc miễn giảm 36 loại phí, lệ phí đã góp phần giảm thiểu chi phí sản xuất-kinh doanh cho doanh nghiệp.

img-0870-1692764846.jpg
Giá nhiều mặt hàng thiết yếu bình ổn góp phần lan tỏa các chính sách hỗ trợ tiêu dùng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Hơn nữa, việc giãn, hoãn thời gian thu thuế, miễn giảm tiền thuê đất… cũng tạo ra năng lực tài chính tại chỗ, giúp các doanh nghiệp có nguồn vốn với chi phí thấp nhất, từ đó kéo giảm giá thành sản phẩm hàng hóa.

Ông nhấn mạnh thêm đến một loạt các chương trình hỗ trợ, quảng bá sản phẩm vùng miền… giúp tiêu thụ các sản phẩm tốt hơn, nhất là việc liên kết giữa các ngành nghề, từ khâu vận chuyển cho đến logistics, kho bãi… cũng được sắp xếp, qua đó giảm thiểu các chi phí và có thể giảm được giá hàng…

“Đây đều là các giải pháp để hỗ trợ sản xuất-kinh doanh cũng như hoạt động lưu thông hàng hóa, qua đó thúc đẩy tiêu dùng nội địa trong những tháng cuối năm. Thêm nữa, tháng 7 đã có mức tăng về tổng mức bán lẻ hàng hóa, cộng hưởng các yếu tố trên sẽ giúp nền kinh tế các tháng cuối năm có đà tiếp tục tăng trưởng, hỗ trợ hoạt động tiêu dùng trong nước và hỗ trợ cho sản xuất-kinh doanh tốt hơn,” chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhận định.

Cùng ý kiến trên, theo bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, việc giảm thuế VAT là chính sách rất kịp thời của Chính phủ, qua đó là cơ hội để các doanh nghiệp giảm chi phí, thông qua đó kéo giá bán, giá dịch vụ nhiều sản phẩm cũng đi xuống và từ đó người tiêu dùng, khách du lịch được hưởng lợi, kích thích nhu cầu tiêu dùng.

“Việc giảm thuế VAT cũng giúp người tiêu dùng mua nhiều sản phẩm với giá rẻ hơn, góp phần kìm chế việc tăng giá do yếu tố tâm lý từ việc tăng lương cơ sở,” lãnh đạo Sở Công Thương Đà Nẵng nhấn mạnh.

Thực tế trong 7 tháng vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã bị tác động nhiều bởi lạm phát cao tại nhiều quốc gia khiến sức mua các mặt hàng không thiết yếu đi xuống.

Vì vậy, để giảm thiểu các tác động từ bên ngoài, các chuyên gia cho rằng, song song với các chính sách để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, đẩy mạnh xuất khẩu thông qua tận dụng ưu thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết thì việc kích cầu tiêu dùng trong nước sẽ là giải pháp hữu hiệu nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, với thị trường nội địa lên tới 100 triệu dân, cộng với thu nhập đang tăng nhanh, giúp cho khả năng tiêu dùng tăng cao, nếu đáp ứng được các yêu cầu của thị trường nội địa, cũng là cơ sở để ổn định sản xuất-kinh doanh, vượt qua những biến động từ thị trường quốc tế.

Dù vậy, để tạo ra sự chuyển biến rõ nét hơn, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị cần một chính sách lâu dài đó là tính toán để kéo giảm chi phí sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó là việc giảm chi phí lưu thông, chi phí ở các siêu thị, trung tâm thương mại qua đó giúp giảm giá bán hàng hóa, kích thích tiêu dùng của người dân.

Cùng với đó, là các giải pháp để kết nối liên thông giữa người sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng, thông qua đó có thể giảm chi phí lưu kho, lưu bãi và các chi phí khác, cũng như tổ chức các chương trình mang tính liên tục và gắn kết để tiếp tục đẩy mạnh chương trình khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Về phía Central Retail, bà Phạm Thùy Linh cho biết doanh nghiệp đang phối hợp với Sở Công Thương tại các thành phố lớn như Hà Nội tổ chức các chương trình kích cầu tiêu dùng, xúc tiến đầu tư, tiêu thụ sản phẩm từ các địa phương khác.

Tuy vậy, để các chương trình được triển khai nhanh chóng, đại diện doanh nghiệp này mong muốn giảm bớt các thủ tục đăng ký về khuyến mại, qua đó đẩy mạnh các chương trình kích cầu, gia tăng chất lượng phục vụ khách hàng./.

Đức Duy

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/kich-cau-tieu-dung-noi-dia-tao-don-bay-vung-chac-phuc-hoi-kinh-te-a13206.html