Phát biểu khai mạc, ông Dương Quốc Anh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng khẳng định, Tây Nguyên là vùng có khí hậu ôn hòa với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, là vùng đất nhiều tiềm năng phát triển, đây cũng là vùng trọng điểm thuận lợi đối với các loại cây công nghiệp. Tây Nguyên cũng thuận lợi, phù hợp để phát triển dịch vụ du lịch chất lượng cao và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn liền với ngành công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản; tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, vươn ra thị trường quốc tế.
Tham gia hội nghị ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng Tây Nguyên là điểm đến mà Ấn Độ hết sức quan tâm. Việc phái đoàn doanh nghiệp của Ấn Độ đến Việt Nam lần này với mục tiêu hàng đầu được đặt ra là. Mong muốn tăng cường, đẩy mạnh phát triển mối quan hệ thương mại giữa các doanh nghiệp đến từ hai nước. Ấn Độ hiện nay là một thị trường rất lớn, nhiều sản phẩm của Việt Nam đã đến với người dân.
Ông Madan Mohan Sethi nhấn mạnh với những doanh nhân: “Lâm Đồng là một tỉnh lớn có thế mạnh về nông sản và du lịch hấp dẫn. Trong năm 2022 đã đón 7 triệu lượt khách, trong đó du khách quốc tế là 150.000 lượt. Bên cạnh đó còn có các ngành chủ lực như chế biến nông, lâm, thủy sản, phân bón, sản xuất điện và alumin”.
Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới, có thế mạnh lớn trong các lĩnh vực ô tô, công nghệ sinh học, dược phẩm, nông nghiệp, hóa chất, dệt may, tài chính, ngân hàng, kỹ thuật và công nghệ thông tin. Với dân số đông và khá trẻ, nhộn nhịp, tràn đầy năng lượng, đang có đà phát triển thương mại và đầu tư lớn, chắc chắn Ấn Độ là thị trường đầy tiềm năng với doanh nghiệp Việt Nam.
Tại hội nghị, ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Về hợp tác thương mại, nhiều sản phẩm hàng hóa chủ lực của Lâm Đồng đã được xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ như cà phê nhân (giá trị xuất khẩu 2,57 triệu USD), tơ tằm thô, tơ xe, vải lụa (giá trị xuất khẩu 38,2 triệu USD), oxit nhôm (giá trị xuất khẩu 32,2 triệu USD). Trong năm 2023 dự kiến các số liệu về hợp tác thương mại sẽ tiếp tục tăng lên. Tuy vậy việc hợp tác giữa Lâm Đồng và Ấn Độ chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tỉnh vẫn luôn sẵn sàng tiếp tục chào đón các nhà đầu tư đến từ Ấn Độ".
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, phía Ấn Độ cho biết với việc gặp gỡ giữa các bên tại tỉnh Lâm Đồng hôm nay, cùng với việc khảo sát, giới thiệu sản phẩm bước đầu thành công, trong giai đoạn tiếp theo chắc chắn sẽ là những trao đổi, tìm hiểu sâu hơn theo từng mối quan tâm cụ thể, hợp tác kinh doanh sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Cùng với đó, phía các doanh nghiệp Ấn Độ sẽ tiếp tục có những phân tích, đánh giá thông tin kỹ lưỡng và gợi mở những ý tưởng để hai bên có thể hợp tác, liên kết lâu dài.
Tại hội nghị, với sự tham gia của hơn 40 doanh nghiệp đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên, hiện các doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ có thế mạnh của tỉnh như: Cà phê, Trà, Rau, Hồ tiêu, Mắc ca, Nấm, Rau Củ sấy khô, Đông trùng Hạ thảo, Tinh dầu, Tơ lụa, Mật ong, Sâm, Nước ép… Cùng các doanh nghiệp với các sản phẩm mang thương hiệu ở Đà Lạt như: Rau Đà Lạt, Hoa Đà Lạt, Cà phê Arabia Lang Biang, Cà phê Di Linh, Trà B’Lao … đã giúp các doanh nghiệp Ấn Độ có cái nhìn chi tiết hơn về vùng nguyên liệu, năng lực sản xuất, tiêu chuẩn sản phẩm, nhằm hoạch định kế hoạch cho những mục tiêu liên kết sắp tới.
Ngay tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp của Lâm Đồng, Tây Nguyên cùng với doanh nghiệp Ấn Độ đã có những sự thỏa thuận ban đầu, hướng tới việc ký kết cho giai đoạn kế tiếp.
Nhật Hoàng - Quảng Đức
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/hoi-nghi-ket-noi-giao-thuong-giua-doanh-nghiep-vung-tay-nguyen-va-an-do-a13521.html