Biểu tượng của tình đoàn kết đặc biệt giữa Việt Nam và Cuba

Sau chuyến thăm của lãnh tụ Fidel Castro tháng 9/1973, Chính phủ và nhân dân Cuba đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng nhiều công trình phát triển kinh tế-xã hội như bệnh viện, khách sạn, cầu treo...

Bieu tuong cua tinh doan ket dac biet giua Viet Nam va Cuba hinh anh 1

Tấm bia tại Di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ghi lại sự kiện lãnh tụ Cuba Fidel Castro đến thăm. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Những dấu ấn sâu đậm của lãnh tụ Fidel Castro nói riêng và đất nước Cuba nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và xây dựng quê hương không bao giờ phai mờ trên vùng đất “lửa” Quảng Trị.

Tôn vinh sự giúp đỡ chí tình

Sau chuyến thăm của lãnh tụ Fidel Castro tháng 9/1973, Chính phủ và nhân dân Cuba đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng nhiều công trình để phát triển kinh tế-xã hội như Bệnh viện Đa khoa Đồng Hới, Khách sạn Thắng Lợi.

Tại tỉnh Quảng Trị, Cuba đã hỗ trợ xuyên suốt từ ngay sau chiến tranh cho đến nay. Theo Tiến sỹ Nguyễn Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, ngoài thắt chặt quan hệ và tiếp tục tái khẳng định Cuba là người bạn chiến đấu của nhân dân Việt Nam, chuyến thăm của lãnh tụ Fidel Castro còn có ý nghĩa kinh tế. Bởi lúc đó, Việt Nam đang bị tàn phá do chiến tranh và nghèo nàn lạc hậu.

Nằm ở phía Nam cầu dây văng Đakrông, xã Đakrông, huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị, tấm bia lưu niệm “Đoạn đường hữu nghị Việt Nam-Cuba” ghi rõ: “Đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn, đoạn Đakrông-A Lưới do Bộ đội Trường Sơn xây dựng với sự giúp đỡ của Chính phủ và nhân dân Cuba, sau chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Fidel Castro vào tháng 9/1973.”

Tại lễ khánh thành tấm bia này vào ngày 11/12/2020, Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam đã chia sẻ sau khi Hiệp định Paris được ký kết (ngày 27/1/1973), Bộ Tư lệnh Trường Sơn nhận nhiệm vụ dốc toàn lực củng cố hoàn thiện hệ thống hạ tầng đường giao thông cả ở Tây và Đông Trường Sơn; trong đó ưu tiên xây dựng cơ bản tuyến Đông Trường Sơn từ Tân Kỳ (Nghệ An) đến Chơn Thành (Bình Phước) dài 1.200km.

Bieu tuong cua tinh doan ket dac biet giua Viet Nam va Cuba hinh anh 2

Phó Chủ tịch Cuba Salvado Valdés Mesa đặt vòng hoa trước tượng đài lãnh tụ Fidel Castro tại Bệnh viện Việt Nam-Cuba Đồng Hới. (Ảnh: Mạnh Thành/TTXVN)

Đây là thách thức lớn đối với Bộ đội Trường Sơn bởi lúc đó đơn vị thiếu cán bộ kỹ thuật và trang thiết bị thi công. Với quyết tâm cao, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã huy động gần như toàn bộ lực lượng công binh đồng loạt thi công đường Đông Trường Sơn đoạn từ Khe Gát (Quảng Bình) đến Bù Gia Mập (Bình Phước).

Riêng đoạn từ Đakrông (Quảng Trị) đi Bù Lạch (Quảng Nam) do Trung đoàn 6 và Trung đoàn 515 của Sư đoàn 473 thi công.

Tháng 9/1973, lãnh tụ Fidel Castro sang thăm Việt Nam và đến vùng đất Quảng Trị vừa giải phóng. Biết được những khó khăn thiếu thốn của Bộ đội Trường Sơn, Chính phủ Cuba đã tặng Việt Nam, trực tiếp là cho bộ đội Trường Sơn dàn thiết bị thi công cầu đường trị giá 6 triệu USD.

Món quà quý giá mà Bộ đội Trường Sơn đang cần là những máy đào, xe cẩu, máy san, máy rải nhựa, xe ben, thiết bị thí nghiệm rất hiện đại... đã cập cảng Hải Phòng đầu năm 1974.

Trung đoàn 515 là đơn vị được tiếp nhận và sử dụng những xe máy mới được viện trợ. Một đoàn 43 cán bộ Bộ đội Trường Sơn cũng được cử sang Cuba tập huấn trong 4 tháng.

Nước bạn cũng cử một đoàn chuyên gia gồm sỹ quan công binh, kỹ sư cầu đường sang Việt Nam sát cánh cùng Bộ đội Trường Sơn xây dựng tuyến đường Đông Trường Sơn. Đoạn đường từ Bến Tắt (Gio Linh) đến Cam Lộ (22km) và đoạn từ Đakrông đến Bù Lạch (110km) được Trung đoàn 6, Trung đoàn 515 thi công bằng kỹ thuật và xe máy Cuba viện trợ từ năm 1974-1976.

Thiếu tướng Võ Sở nhấn mạnh bia lưu niệm chỉ là một công trình nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, đã ghi tạc và tôn vinh sự giúp đỡ chí tình của Chính phủ và nhân dân Cuba trong giai đoạn khó khăn của Bộ đội Trường Sơn, trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Một minh chứng cho tình hữu nghị đoàn kết giữa hai Đảng, hai Chính phủ Việt Nam-Cuba mãi mãi thủy chung, đời đời bền chặt.

Những công trình mang đậm dấu ấn hợp tác

Cầu treo Đakrông bắc qua sông Đakrông nối Quốc lộ 14 với Quốc lộ 9 tại xã Đakrông, huyện Đakrông là một trong những công trình mang đậm dấu ấn của nước bạn Cuba.

Trong những năm 1972-1975, tại đây, từng có cây cầu treo làm bằng sắt để kết nối tuyến vận tải quan trọng từ Quảng Trị đi A Lưới (Thừa Thiên-Huế), sau đó tiếp tục đi vào chiến trường miền Nam để chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Sau ngày đất nước thống nhất, được sự giúp đỡ của Chính phủ Cuba, cầu treo Đakrông dài 100m, rộng 6m được xây dựng thay thế cho cầu treo cũ.

Bieu tuong cua tinh doan ket dac biet giua Viet Nam va Cuba hinh anh 3

Cầu treo Đakrông. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Sau nhiều năm sử dụng cây cầu treo này bị xuống cấp và hư hỏng nặng. Một lần nữa Chính phủ Cuba tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng cầu dây văng Đakrông, thay thế cho cầu treo cũ và được hoàn thành năm 2001.

Cây cầu đã kết nối tuyến vận tải quan trọng trong khu vực. Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Trị Trần Hữu Hùng, ngoài phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đồng bào dân tộc Pa Cô, Vân Kiều ở các xã của huyện miền núi Đakrông, cây cầu còn nằm trên tuyến vận chuyển đường bộ xuyên biên giới tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang các nước Lào, Thái Lan, Myanmar và ngược lại.

Cầu treo Bến Tắt (xã Linh Trường, huyện Gio Linh) cũng là một trong những công trình trên địa bàn được nước bạn hỗ trợ. Được xây dựng năm 1973, cây cầu bắc qua thượng nguồn sông Bến Hải có chiều dài 150m, rộng 6m với 8 sợi dây cáp treo hai bên.

Đây là chiếc cầu treo đầu tiên và duy nhất do các kỹ sư Cuba thiết kế, xây dựng trên tuyến đường vận tải Hồ Chí Minh huyền thoại. Công trình đã góp phần đẩy nhanh việc chi viện từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam.

Sau khi bị hư hỏng do thiên tai, cầu treo Bến Tắt đã được phục dựng vừa để ghi nhớ sự giúp đỡ của nước bạn Cuba, vừa tạo điều kiện kiện thuận lợi cho người dân địa phương đi lại.

Trong công cuộc xây dựng quê hương, Quảng Trị tiếp tục được Chính phủ và nhân dân Cuba hỗ trợ. Năm 2006, nước bạn cử chuyên gia cao cấp của Viện Quy hoạch Cuba Abelardo Pérez Ayllón sang hỗ trợ tỉnh lập quy hoạch đảo Cồn Cỏ để phát triển du lịch; trong đó chú trọng đến việc hạn chế sự tác động của con người vào thiên nhiên, nhất là thảm thực vật, rừng và biển.

Đảo Cồn Cỏ gắn với lịch sử đấu tranh kiên cường của người dân Quảng Trị nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. Do đó trong quá trình phát triển du lịch đảo Cồn Cỏ, địa phương luôn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn vinh những giá trị lịch sử.

Hiện nay, đảo Cồn Cỏ đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn đối với du khách khi đến Quảng Trị. Năm 2023, hòn đảo cách đất liền khoảng 17 hải lý này đã đón khoảng trên 9.000 lượt khách.

Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện đảo Cồn Cỏ Võ Viết Cường cho biết, ý tưởng quy hoạch đảo Cồn Cỏ của chuyên gia Cuba cách nay 17 năm cơ bản vẫn được địa phương sử dụng trong định hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong thời gian tới.

Huyện tiếp tục phát triển du lịch đảo Cồn Cỏ theo hướng bền vững; tập trung phát triển Du lịch Xanh để du khách dễ dàng tiếp cận với thiên nhiên và bảo vệ môi trường; giữ lại địa thế, địa hình của đảo, hạn chế tác động của con người vào cảnh quan.

Trong những buổi tiếp và làm việc với các đoàn cán bộ Cuba thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác sâu rộng hơn nữa với nước bạn trên nhiều lĩnh vực như y tế, kiến trúc đô thị, nông nghiệp, văn hóa, giáo dục và đào tạo; trong đó nhấn mạnh mong muốn Cuba cử chuyên gia cao cấp ngành y tế hỗ trợ tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp địa phương giới thiệu các mặt hàng nông sản tiêu biểu như gạo, càphê, tiêu, ớt đến thị trường Cuba./.

Nguyên Lý (TTXVN/Vietnam+)

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/bieu-tuong-cua-tinh-doan-ket-dac-biet-giua-viet-nam-va-cuba-a13857.html