Doanh nghiệp dệt may thích ứng biến động thị trường

Tính đến hết tháng 8 vừa qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may mới vượt qua con số 26 tỷ USD, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2022 và chỉ đạt 65,5% kế hoạch năm. Ngành dệt may đang phải đối diện với nhiều khó khăn khi cầu tiêu dùng sụt giảm, sức cạnh tranh ngày càng tăng cao, đặc biệt là tình trạng ép giá, số đơn hàng giảm sâu,...

Doanh nghiệp bắt buộc phải thay đổi, thích ứng diễn biến thị trường và mở rộng phạm vi đối tượng khách hàng nhằm gia tăng thị phần, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa để sớm hoàn thành mục tiêu đề ra.

Đầu tư chiều sâu

Các chỉ tiêu chủ yếu về sản xuất, kinh doanh Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG trong tám tháng qua tương đối khả quan, khởi sắc. Tổng doanh thu của TNG đạt 4.837 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước và đạt 71% kế hoạch năm. Đây là thành công lớn của TNG trong bối cảnh ngành dệt may chịu tác động nặng nề do thiếu đơn hàng, khi cầu tiêu dùng giảm mạnh, sức cạnh tranh về giá diễn ra ngày càng quyết liệt.

chua-co-ten-1695685765.jpg
Sản xuất hàng dệt may tại Tổng công ty cổ phần Dệt may Nam Định.

Mặc dù vậy, lãnh đạo công ty cũng đánh giá thị trường không mấy khả quan. Tiến độ đặt đơn hàng mới từ các đối tác của đơn vị đang diễn ra tương đối chậm so với mọi năm, hiện mới đủ đơn hàng cho sản xuất đến hết tháng 10 và đang tiếp tục đàm phán đơn hàng cho quý IV và những tháng đầu năm 2024. Để bảo đảm đơn hàng cho sản xuất, đơn vị đã kết nối và khai thác thêm các khách hàng mới, định hướng chiến lược dòng hàng, thu hút khách hàng trực tiếp.

"Thời gian tới, đơn vị sẽ tập trung đầu tư các trang thiết bị hiện đại, nâng cao trình độ tay nghề lao động để nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời, chấp nhận sản xuất những đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh,... nhằm duy trì sản xuất và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa", Chủ tịch Hội đồng quản trị TNG Nguyễn Văn Thời nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ Nguyễn Đức Trị cho biết, những tháng đầu năm, đơn vị phải đối diện với rất nhiều khó khăn trước diễn biến khó lường của thị trường, đặc biệt là lượng đơn hàng giảm mạnh, đơn giá giảm sâu, có những đơn hàng giảm giá tới 40-50% so những năm trước. Với sự nỗ lực của tập thể cán bộ, người lao động, doanh nghiệp đã gắng gỏi, từng bước vượt khó để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, tổng doanh thu hợp nhất của đơn vị trong tám tháng qua đạt 3.231 tỷ đồng, bằng 88% so với cùng kỳ năm trước và đạt 72% kế hoạch năm; kim ngạch xuất khẩu đạt 80 triệu USD, bằng 90% so với cùng kỳ và bằng 80% kế hoạch năm. Thu nhập bình quân người lao động đạt 8,86 triệu đồng/tháng, bằng 90% so với cùng kỳ; lợi nhuận riêng của Hòa Thọ ước đạt 155 tỷ đồng, bằng 69% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 82% so với kế hoạch năm 2023.

Dự báo tình hình thị trường, ông Nguyễn Đức Trị nhận định: Sức mua của thị trường vẫn còn thấp trong nửa đầu năm 2024. Do đó, đơn vị sẽ không mở rộng đầu tư sản xuất mà tập trung hoàn thiện các dự án đang triển khai như Nhà máy may Triệu Phong giai đoạn 3, cải tạo nhà xưởng may Quảng Ngãi, đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ máy móc thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiếp tục thực hiện chuyển đổi số và chuẩn bị đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển ngành may,...

Do tác động tiêu cực của dịch bệnh cùng những biến động chính trị trên thế giới khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm (năm 2021 tăng 6%; năm 2022 tăng 3%, dự báo năm 2023 chỉ trên dưới 2%), ngành dệt may chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc,...

Số liệu thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cũng cho thấy, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang Mỹ trong bảy tháng qua giảm 24%; EU giảm 9,6%; Hàn Quốc giảm 3,2%; Trung Quốc giảm 7,2%, duy chỉ có Nhật Bản tăng 5,1% tương ứng với 2,16 tỷ USD.

Thích ứng biến động thị trường

Đánh giá về tín hiệu thị trường, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Xuân Hồng cho rằng, thị trường dệt may những tháng cuối năm có dấu hiệu ấm trở lại và dần ổn định. Cụ thể, sau thời gian dài lượng đơn hàng bị sụt giảm, nay cầu phục hồi sẽ thúc đẩy tiêu dùng đối với các sản phẩm dệt may. Mặc dù lượng đơn hàng hiện vẫn còn thiếu nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn sẽ tìm mọi cách cắt giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh thông qua việc nhận các đơn hàng nhỏ lẻ, mẫu mã khó, phức tạp hơn, thời gian giao hàng nhanh,... nhằm bảo đảm việc làm cho người lao động trong quý IV và những năm tiếp theo.

Theo Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang, tổng cầu dệt may thế giới năm nay có khả năng giảm từ 8 đến 10%, do vậy, ngành dệt may Việt Nam tiếp tục đối mặt với khó khăn sang đến đầu năm 2024. Sự suy giảm về kim ngạch và thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam, ngoài lý do khách quan về sự sụt giảm của cầu thế giới, xu hướng chuyển dịch đơn hàng sang các nước có lợi thế về địa lý, còn do năng lực cạnh tranh của dệt may Việt Nam bị suy giảm. Bởi các doanh nghiệp gặp khó trước những đòi hỏi khắt khe từ các nhãn hàng về tiêu chuẩn chất lượng, tuân thủ chính sách phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn cũng như tiêu chuẩn về lao động, minh bạch sản xuất,... Vì vậy, doanh nghiệp phải nhanh chóng thay đổi, thích ứng biến động thị trường, trong đó, cần chú trọng vào ba vấn đề cốt lõi. Trước tiên, phải tìm giải pháp giữ chân người lao động, nhất là lực lượng nòng cốt, đồng thời tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng nghề, đào tạo nhân lực cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Tiếp đến, phải giữ chân khách hàng bằng cách tạm thời chấp nhận các đơn hàng nhỏ lẻ không phải thế mạnh, không có lãi để có việc làm cho người lao động, cũng như xây dựng quan hệ đối tác tin cậy, lâu dài; khai thác thị trường mới,... Cuối cùng, phải giảm đến mức thấp nhất các chi phí chưa thật sự cần thiết của doanh nghiệp, qua đó, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường, thời gian tới, ngành dệt may và Vinatex sẽ phải đối mặt khó khăn, thách thức do tổng cầu dệt may thế giới suy giảm. Bên cạnh đó, những khó khăn về tỷ giá hối đoái khi đồng tiền Việt Nam tương đối ổn định so với đồng USD, trong khi đồng tiền các quốc gia cạnh tranh đều mất giá 10-20% so với USD, vô hình trung ảnh hưởng đến năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may. Điểm yếu lớn nhất của doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt Nam hiện nay là khả năng cạnh tranh về giá sản phẩm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong tập đoàn được đối tác đánh giá cao ở chất lượng và độ hoàn thiện sản phẩm, tính linh hoạt trong đáp ứng yêu cầu đơn hàng cả về mặt chất lượng, chủng loại, mẫu mã lẫn số lượng; lực lượng lao động có kỹ năng tốt, thực hiện được nhiều sản phẩm thời trang phức tạp sẽ là lợi thế để gia tăng xuất khẩu hàng hóa.

Vinatex đã xác định và kiên định mục tiêu chiến lược "Trở thành một điểm đến cung cấp giải pháp trọn gói về dệt may thời trang xanh cho khách hàng, doanh nghiệp; từng bước vươn lên thang bậc cao hơn của chuỗi giá trị về thiết kế và thương hiệu". Đến năm 2025, Vinatex dự kiến sản xuất khoảng 35 nghìn tấn vải dệt kim, trong đó, 50% sử dụng để làm hàng FOB (mua nguyên liệu, sản xuất, bán thành phẩm) và 50% xuất khẩu vào chuỗi cung ứng,...

BÀI VÀ ẢNH: QUỲNH CHI

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/doanh-nghiep-det-may-thich-ung-bien-dong-thi-truong-a14170.html