Nhiều ngân hàng Mỹ thua lỗ do các khoản cho vay bất động sản

Lãi suất cao cộng với nhu cầu văn phòng suy yếu có thể gây ra làn sóng người đi vay không trả được nợ và gây áp lực lên các ngân hàng của Mỹ cũng như những người cho vay khác.

Trụ sở của Morgan Stanley ở New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trụ sở của Morgan Stanley ở New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một loạt ngân hàng Mỹ tiếp tục gánh lỗ trong quý 3/2023 do các khoản cho vay bất động sản thương mại (CRE) trong danh mục đầu tư trong bối cảnh căng thẳng ở lĩnh vực này vẫn tiếp diễn.

Chủ sở hữu các tòa nhà gặp khó khăn vì lãi suất cao và văn phòng trống trải khi người lao động chọn làm việc tại nhà. Nhu cầu văn phòng suy yếu có thể gây ra làn sóng người đi vay không trả được nợ và gây áp lực lên các ngân hàng cũng như những người cho vay khác, vốn đang hy vọng có thể tránh được việc bán các khoản vay CRE với mức giá giảm lớn.

Kết quả là các ngân hàng tiếp tục ghi nhận các khoản dự phòng đối với rủi ro tín dụng và các khoản khoanh nợ (khoản nợ mà chủ nợ không có khả năng thu lại được do người vay không thể trả sau khoản thời gian dài) từ quý trước, do các khoản vay CRE quá hạn.

Rebel Cole, Giáo sư tài chính tại Đại học Florida Atlantic, cho biết điều này sẽ tiếp diễn trong ít nhất một năm nữa khi nợ xấu tiếp tục gia tăng, kéo theo đó là các khoản khoanh nợ.

Trong báo cáo thu nhập quý 3/2023, ngân hàng Morgan Stanley cho biết đã dự phòng 134 triệu USD cho các khoản lỗ tín dụng, tương tự như khoản 161 triệu USD dự phòng trong quý 2, do "điều kiện trong lĩnh vực bất động sản thương mại xấu đi".

Thu nhập của các ngân hàng khác trong tuần qua cho thấy những thách thức tương tự đối với việc nắm giữ CRE. Ngày 17/10, Goldman Sachs tiết lộ rằng đã giảm khoảng 50% tỷ lệ nắm giữ CRE liên quan đến văn phòng trong năm nay.

Ngân hàng Bank of America ngày 17/10 báo cáo các khoản nợ xấu hay những khoản nợ quá hạn thanh toán ít nhất 90 ngày, đã tăng lên gần 5 tỷ USD trong quý 3/2023 so với mức 4,27 tỷ USD trong quý 2/2023, chủ yếu do danh mục đầu tư CRE.

Các ngân hàng hay các tổ chức cho vay gặp khó khăn trong việc tái cấp vốn cho khoản vay CRE khi giá trị tài sản giảm và chi phí lãi vay tăng lên. Theo nhà cung cấp dữ liệu bất động sản Trepp, khoảng 20 tỷ USD chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp thương mại văn phòng, bao gồm các khoản vay cá nhân, sẽ đáo hạn vào năm 2023.

Các cơ quan quản lý đã theo dõi sát sao rủi ro CRE của các ngân hàng. Theo nghiên cứu của JPMorgan và Citigroup, trong khi các ngân hàng lớn hơn như JPMorgan và Goldman Sachs ít tiếp xúc với CRE hơn thì các ngân hàng nhỏ hơn trong khu vực lại có mức độ tiếp xúc lớn hơn, điều này đặt ra nhiều thách thức. Ngân hàng JPMorgan cho hay các ngân hàng nhỏ có mức độ tiếp xúc với các khoản vay CRE cao hơn 4,4 lần so với các ngân hàng lớn.

Mayra Rodriguez Valladares, nhà tư vấn rủi ro ngân hàng và thị trường vốn, cho biết rất nhiều ngân hàng lớn được hưởng lợi từ tất cả các ngành nghề kinh doanh khác nhau.

Ngày 13/10, ngân hàng Wells Fargo đã báo cáo khoanh nợ ròng đối với danh mục CRE ở mức 93 triệu USD, so với mức 79 triệu USD trong quý 2/2023 và 17 triệu USD trong quý đầu tiên.

Ngoài ra, khoản dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng này đã tăng 333 triệu USD trong quý 3/2023 chủ yếu do CRE. Wells Fargo cũng ghi nhận các khoản vay không tích lũy CRE tại văn phòng tăng 1,3 tỷ USD.

 

TTXVN

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/nhieu-ngan-hang-my-thua-lo-do-cac-khoan-cho-vay-bat-dong-san-a14800.html