Quảng Bình quyết liệt chống khai thác thủy sản trái phép

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình khẳng định các sở, ngành, đơn vị, địa phương tại Quảng Bình đã tích cực vào cuộc triển khai các giải pháp chống khai thác IUU.

Quang Binh quyet liet chong khai thac thuy san trai phep hinh anh 1

Hiện tỉnh Quảng Bình có 1.124 tàu cá từ 15m trở lên đang hoạt động lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (đạt 96,2%). (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Xác định việc chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU), gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) là nhiệm vụ trọng tâm, việc tuyên truyền quy định chống khai thác IUU được các cấp, ngành tỉnh Quảng Bình triển khai mạnh mẽ.

Quyết tâm gỡ "thẻ vàng"

Hiện tỉnh Quảng Bình có 1.124 tàu cá từ 15m trở lên đang hoạt động lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, đạt 96,2%.

Còn 45 tàu cá chưa lắp đặt, hầu hết đây là các tàu cá không hoạt động, nằm bờ, đang thực hiện cải hoán.

Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình, khẳng định các sở, ngành, đơn vị, địa phương tại Quảng Bình đã tích cực vào cuộc triển khai các giải pháp chống khai thác IUU.

Việc chống khai thác IUU của tỉnh đã có chuyển biến tích cực, nhận thức của cán bộ, ngư dân đã được nâng cao.

Tỉnh Quảng Bình đã thực hiện hiệu quả các tiêu chí về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá trên biển; cấp giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi theo hạn ngạch; tổ chức giám sát 100% hàng thủy sản qua cảng; thanh tra, kiểm soát và xử lý vi phạm khai thác IUU được đẩy mạnh.

Tỉnh Quảng Bình đã ban hành quy trình xử lý số liệu giám sát hành trình đối với tàu cá từ 15m đến dưới 24m mất tín hiệu kết nối, vượt ranh giới trên biển.

Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình đã phân quyền cho các đồn biên phòng, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp huyện cùng tham gia giám sát 24/24 giờ trên hệ thống giám sát hành trình.

Khi phát hiện nhiều tàu mất kết nối, vượt ranh giới qua vùng biển nước ngoài, Chi cục Thủy sản, Biên phòng, các địa phương đã phối hợp liên lạc, kêu gọi chủ tàu, thuyền trưởng khắc phục và thực hiện kiểm tra, xác minh, xử lý.

Ban Quản lý Cảng cá Quảng Bình đã thực hiện giám sát 100% tàu cá cập cảng bốc dỡ thủy sản.

Từ đầu năm đến nay đã giám sát được 981 lượt tàu cập cảng bốc dỡ thủy sản, khối lượng giám sát 708.286 tấn; đã thu 981 sổ nhật ký, báo cáo khai thác, đạt 100% số lượt tàu cập cảng bốc dỡ thủy sản.

Các Đồn Biên phòng thực hiện chặt chẽ, kiểm soát 100% tàu cá khi xuất, nhập; kiên quyết không cho ra khơi hoạt động khi tàu chưa lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS), chưa bật VMS, không đầy đủ giấy tờ về tàu cá, không đảm bảo trang thiết bị.

Chi cục thủy sản, lực lượng biên phòng tỉnh Quảng Bình đã đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính.

Đặc biệt, tổ chức các đợt cao điểm ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm răn đe tuyên truyền ngư dân.

Trong 9 tháng năm 2023, đã xử lý 65 tàu cá vi phạm, phạt 784,5 triệu đồng, tịch thu 7 bộ kích điện; trong đó, đã thực hiện xử phạt 18 chủ tàu cá vi phạm quy định về giám sát hành trình tàu cá, bắt giữ 1 tàu cá tàng trữ trái phép chất nổ, bàn giao cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh xử lý.

Theo ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục sớm.

Đó là nhiều tàu cá chưa có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép đã hết hạn, chưa đăng ký tàu cá, quá hạn đăng kiểm, chưa đánh dấu tàu cá, chưa thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Quang Binh quyet liet chong khai thac thuy san trai phep hinh anh 2

Các tàu cá neo đậu tại cảng. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Việc ghi, nộp nhật ký khai thác thuỷ sản chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng tàu cá vượt mất kết nối chưa ngăn chặn triệt để.

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chống khai thác IUU, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Bình tiếp tục tổ chức đợt cao điểm về tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tất cả các chủ tàu cá, thuyền trưởng và ngư dân tuân thủ nghiêm các quy định về tàu cá, kiểm soát khai thác IUU; thực hiện điều tra, xác minh, xử lý các tàu cá vi phạm vượt ranh giới cho phép trên biển, sử dụng thiết bị VMS không đúng quy định; tăng cường thực thi pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU; phối hợp thực hiện hiệu quả việc quản lý, giám sát hoạt động tàu cá, đặc biệt là giám sát, theo dõi tàu cá không hoạt động, tàu cá không thực hiện đăng ký, đăng kiểm. Cùng đó, tổ chức kiểm tra, giám sát tàu cá xuất bến, cập cảng chặt chẽ theo quy định...

Quảng Bình cũng đề xuất các bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ cho tỉnh 1 tàu kiểm ngư, công suất trên 1.000CV để phục vụ tuần tra, kiểm tra trên biển, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn; hỗ trợ tỉnh nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cảng cá đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về kiểm soát sản lượng khai thác theo yêu cầu của EC.

Cần thiết thành lập Phòng Kiểm ngư

Quảng Bình là tỉnh ven biển có bờ biển dài hơn 116km, có vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế rộng trên 20.000km2, là địa phương có số lượng tàu cá khai thác thủy sản trên biển lớn, nguồn lợi thủy hải sản phong phú về chủng loại và trữ lượng, tạo cho Quảng Bình có được những tiềm năng, lợi thế phát triển nghề khai thác hải sản.

Sản xuất thủy sản tiếp tục chuyển dịch đúng định hướng từ nền sản xuất sản lượng sang sản xuất giá trị, giá trị sản xuất thủy sản bình quân tăng 7,7%/năm; tổng sản lượng thủy sản năm 2022 là gần 93.000 tấn.

Những năm qua, lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực, đặc biệt là lực lượng Thanh tra chuyên ngành thủy sản đã hoạt động hiệu quả.

Song, tình trạng vi phạm khai thác bất hợp pháp vẫn diễn ra; các hoạt động khai thác có tính chất hủy diệt nguồn lợi như sử dụng chất nổ, công cụ kích điện, nghề giã cào đánh bắt sai tuyến, khai thác hải sản non... ngày càng phức tạp, tinh vi đã làm suy kiệt nguồn lợi thủy sản, tác động trực tiếp đến sản xuất, thu nhập, đời sống của ngư dân, tác động tiêu cực kinh tế-xã hội, nhất là vùng ven biển.

Ông Lê Ngọc Linh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình, cho rằng một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do chưa có một tổ chức chuyên môn hóa cao thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển.

Thời gian qua, việc thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đang được lực lượng thanh tra chuyên ngành đảm nhiệm.

Việc áp dụng pháp luật về thanh tra để tổ chức thực thi trên biển gặp nhiều khó khăn, bất cập làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thủy sản trên vùng biển của tỉnh Quảng Bình.

Theo ông Lê Ngọc Linh, yêu cầu đặt ra của công tác đảm bảo thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển là phải được triển khai thường xuyên, liên tục, có tính linh hoạt và cơ động cao để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong mọi thời điểm và điều kiện tác nghiệp rất khó khăn; đối tượng kiểm tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản chủ yếu là tàu cá và không được xác định trước...

Do vậy cần có tổ chức hoạt động có tính chuyên môn cao mà không phải là lực lượng thanh tra chuyên ngành như đang tồn tại.

“Sau khi Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực vào 1/7/2023 thì lực lượng thanh tra chuyên ngành tại các Chi cục không còn nữa. Do đó, việc thành lập phòng Kiểm ngư thuộc Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình là cần thiết và cấp bách, nhằm đảm bảo lực lượng kiểm ngư đi vào hoạt động đồng bộ, khắc phục các hạn chế hiện có của hoạt động thanh tra chuyên ngành thủy sản tại địa phương,” ông Lê Ngọc Linh nhấn mạnh.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến nay có 10 tỉnh, thành phố/28 tỉnh thành ven biển trên toàn quốc đã thành lập tổ chức kiểm ngư.

Một số tỉnh, thành phố ven biển còn lại đang đề nghị thành lập Chi cục Kiểm ngư hoặc Phòng Kiểm ngư thuộc Chi cục Thủy sản.

Tại tỉnh Quảng Bình, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xây dựng đề án thành lập Phòng Kiểm ngư (thuộc Chi cục Thủy sản).

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã giao cho Chi cục Thủy sản chủ trì, phối hợp với Phòng Tổ chức Cán bộ thuộc Sở Xây dựng dự thảo Đề án Thành lập Phòng Kiểm ngư; tổ chức lấy ý kiến của các sở, ngành và địa phương liên quan. Trên cơ sở đó tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị và bổ sung, điều chỉnh hoàn thiện đề án.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình đã gửi Sở Nội vụ thẩm định, bảo đảm đầy đủ sự cần thiết, cơ sở pháp lý. Qua đó, tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến và bổ sung, điều chỉnh hoàn thiện đề án.

Hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình Dự thảo Đề án Thành lập Phòng Kiểm ngư.

Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh đã thảo luận và thống nhất báo cáo xin ý kiến của Thường trực tỉnh ủy Quảng Bình về thành lập Phòng Kiểm ngư thuộc Chi cục Thủy sản.

Phòng Kiểm ngư được thành lập trên cơ sở tách chức năng, nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về khai thác và bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản từ các phòng chuyên môn thuộc Chi cục Thủy sản; đồng thời bổ sung thêm nhiệm vụ kiểm ngư theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017./.

Tá Chuyên (TTXVN/Vietnam+)

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/quang-binh-quyet-liet-chong-khai-thac-thuy-san-trai-phep-a15187.html