Bình Phước: Điểm sáng thu hút vốn đầu tư FDI của cả nước

Trong 10 tháng năm 2023, tỉnh Bình Phước đã thu hút được 41 dự án FDI với tổng số vốn là 708 triệu USD, lần đầu tiên lọt vào top 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước.

Binh Phuoc: Diem sang thu hut von dau tu FDI cua ca nuoc hinh anh 1

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty may mặc New Apparel, Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Với lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, quỹ đất dồi dào, cùng với chính sách thu hút đầu tư linh hoạt, lợi thế về nguồn nhân lực, Bình Phước đang là điểm đến của “sóng” dịch chuyển đầu tư và là điểm sáng của cả nước trong thu hút đầu tư.

Lợi thế “vùng dự trữ” của Đông Nam Bộ

Tỉnh Bình Phước có diện tích tự nhiên hơn 6.800km2, lớn nhất miền Nam và vùng Đông Nam Bộ. Là địa phương có vị trí địa lý chiến lược, giữ vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế mới; có khí hậu ôn hòa, đất đai rộng lớn với nhiều dư địa phát triển; là một trong tám tỉnh của Vùng Kinh tế Trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long với Tây Nguyên và với quốc tế (Campuchia, Lào, Thái Lan).

“Mặc dù, Bình Phước xa trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, thương mại dịch vụ lớn nhất khu vực là Thành phố Hồ Chí Minh (khoảng 100km), tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông của Bình Phước đã và đang được đầu tư đồng bộ. Các tuyến giao thông huyết mạch như Quốc lộ 13, 14, đường ĐT.741, thuận lợi trong kết nối giao thông liên vùng, kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, Bình Dương, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Campuchia qua cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư,” báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Phước cho biết.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Phước, kế hoạch đến năm 2024 tuyến Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành; đường cao tốc Bắc Nam phía tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước) sẽ được khởi công xây dựng.

Khi đưa vào khai thác, hai tuyến giao thông quan trọng này sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển đến cảng biển Cái Mép và cảng hàng không quốc tế Long Thành, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa.

Ngoài ra, tuyến đường sắt xuyên Á đi qua tỉnh Bình Phước cũng đang được quy hoạch, sẽ tạo cú hích cho phát triển kinh tế-xã hội, tạo kết nối liên vùng mà Bình Phước chính là địa phương chuyển tiếp.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, hiện nay, một số tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đang quá tải về hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng xã hội. Trong khi Bình Phước lại là tỉnh giáp ranh những địa phương này, quỹ đất còn lớn, hệ thống giao thông kết nối đã và đang hoàn chỉnh, địa thế đất cao. Đây là những điều kiện tốt để Bình Phước đón làn sóng đầu tư đang dịch chuyển.

Ông Nguyễn Minh Chiến, Giám đốc Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Bình Phước, cho biết hiện nay, tỉnh Bình Phước có 16 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch.

Trong số đó có 12/16 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút 385 dự án thứ cấp (với 286 dự án vốn đầu tư nước ngoài FDI và 99 dự án vốn đầu tư trong nước); diện tích thuê đất là 1.433ha; tổng số vốn đầu tư đăng ký là 18.266 tỷ đồng và 3,524 tỷ USD.

“Các khu công nghiệp của Bình Phước đã tạo việc làm cho 71.000 lao động trong nước và 1.100 lao động nước ngoài, đóng góp 8,8% thu ngân sách nhà nước của cả tỉnh. Cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực thu hút đầu tư chủ yếu tập trung vào các ngành: sản xuất, chế tạo linh kiện điện tử, sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản xuất quần áo, sản xuất đồ gỗ, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, ngành da giày. Vài năm gần đây và xu hướng trong thời gian tới thì ngành chế biến sản phẩm từ thịt gà, heo đang là ngành mới nổi và được kỳ vọng sẽ đóng góp nhiều cho tăng trưởng của tỉnh Bình Phước,” ông Nguyễn Minh Chiến cho biết.

Đón sóng dịch chuyển đầu tư

Ngày 11/9 vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án nhà máy sản xuất lốp xe Haohua (Việt Nam) với tổng vốn 500 triệu USD. Đây là dự án có tổng vốn đầu tư FDI lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh Bình Phước.

Dự án có quy mô diện tích 43ha, dự kiến sẽ khởi công xây dựng và đi vào hoạt động từ quý 3/2025. Đây là dự án có suất đầu tư trên diện tích sử dụng đất cao, 11,6 triệu USD/ha, cao nhất hiện nay đối với các dự án FDI trên địa bàn tỉnh.

“Dự án sẽ sản xuất các sản phẩm lốp Radial bán thép và lốp Radial toàn thép cho xe ôtô và các loại xe khác với công suất dự kiến 14.400.000 bộ lốp/năm, giá trị sản lượng hàng năm dự kiến đạt 770 triệu USD,” ông Vương Khắc Cường - Chủ tịch Công ty Shandong HaoHua Tire (chủ đầu tư Dự án) cho biết.

Bà Trần Tuệ Hiền - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước cho biết một trong các nguyên liệu đầu vào chính của Dự án sản xuất lốp xe trên là cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp có tổng sản lượng tiêu thụ dự kiến khoảng 120.420 tấn/năm; trong đó, sản lượng tiêu thụ cao su tại Việt Nam khoảng 96.506 tấn/năm.

“Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Bình Phước bởi đây là địa phương có diện tích cây cao su lớn nhất cả nước với hơn 240.000ha. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần gia tăng doanh thu ngành cao su của tỉnh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân,” bà Trần Tuệ Hiền cho biết.

Binh Phuoc: Diem sang thu hut von dau tu FDI cua ca nuoc hinh anh 2

Công nhân đóng gói hạt điều tại một doanh nghiệp ở Bình Phước. (Ảnh: K GỬIH/TTXVN)

Trong 10 tháng năm 2023, tỉnh Bình Phước đã thu hút được 41 dự án FDI với tổng số vốn là 708 triệu USD. Lần đầu tiên Bình Phước lọt vào Top 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất nước trong 10 tháng năm 2023.

Nhằm tạo động lực cho địa phương có điều kiện phát triển và đón đầu xu hướng dịch chuyển đầu tư, tỉnh Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển 8.290ha đất khu công nghiệp, 25.864ha đất khu kinh tế và 730ha đất cụm công nghiệp.

Ngoài ra, các chính sách như giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng, hỗ trợ nhà đầu tư hạ tầng thu hút nhà đầu tư thứ cấp, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư hệ thống xử lý môi trường,… được tỉnh Bình Phước chú trọng và ưu đãi bằng nhiều hình thức ưu đãi nhằm hỗ trợ nhà đầu tư.

“Phải lấy hiệu quả của việc đầu tư phát triển khu công nghiệp là lợi ích trước mắt và lâu dài của tỉnh. Đây sẽ là nhiệm vụ trọng tâm trong định hướng phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới. Bên cạnh, tối ưu hóa nguồn lực từ đất đai để phát triển khu công nghiệp trong bối cảnh hạn mức đất công nghiệp của địa phương bị hạn chế trong thời gian tới. Vì vậy, cần chú trọng lựa chọn các nhà đầu tư hạ tầng có đủ năng lực và kinh nghiệm; ưu tiên phát triển các khu công nghiệp có quy mô nhỏ (diện tích dưới 500ha) và các khu công nghiệp có quy mô vừa (diện tích từ 500ha đến dưới 1.000ha); không phát triển các dự án khu công nghiệp quá lớn với diện tích trên 1.000ha,” ông Nguyễn Minh Chiến nhận định.

Lãnh đạo tỉnh Bĩnh Phước cũng khẳng định đối với các dự án cấp thiết, quan trọng, các dự án có đóng góp lớn cho sự phát triển của Bình Phước, các cơ quan nhà nước cam kết sẽ tích cực hỗ trợ và đồng hành cùng các nhà đầu tư hạ tầng trong việc bổ sung quy hoạch và thành lập mới, mở rộng diện tích các khu công nghiệp./.

Sỹ Tuyên (TTXVN/Vietnam+)

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/binh-phuoc-diem-sang-thu-hut-von-dau-tu-fdi-cua-ca-nuoc-a15269.html