Quá trình triển khai quy định pháp luật về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ đã phát sinh một số vấn đề cần điều chỉnh, do đó đại biểu Quốc hội đã đề xuất giải pháp giải quyết việc này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có công văn số 9465/BKHĐT-PTHTĐT gửi Chính phủ về đề xuất bổ sung một số dự án được áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có ý kiến về những nội dung tiếp thu, giải trình góp ý và đề xuất các dự án cụ thể đề nghị bổ sung vào danh mục thí điểm.
Về đề nghị bổ sung dự án thành phần thuộc Dự án Đầu tư Xây dựng đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh theo phương thức đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) vào phụ lục về tỷ lệ vốn nhà nước trong dự án PPP, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các dự án thành phần Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn nghiên cứu chuẩn bị đầu tư, chưa xác định được nguồn vốn thực hiện dự án, do đó chưa đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí thí điểm của Nghị quyết.
Quá trình triển khai quy định pháp luật về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ đã phát sinh một số vấn đề cần điều chỉnh, do đó đại biểu Quốc hội đã đề xuất giải pháp giải quyết việc này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị trước mắt các địa phương cần tập trung hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư làm cơ sở đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong thời gian áp dụng chính sách thí điểm của Nghị quyết Quốc hội.
Về đề nghị bổ sung Dự án Đầu tư Xây dựng Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài theo phương thức PPP vào phụ lục về tỷ lệ vốn nhà nước trong dự án PPP và phụ lục khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết dự án này có phần vốn nhà nước khoảng 9.800 tỷ đồng/20.103 tỷ đồng, chiếm 48,7%, chưa vượt mức 50% theo quy định tại Khoản 2 Điều 69 Luật PPP, do đó, không cần bổ sung vào phụ lục về tỷ lệ vốn nhà nước tại dự thảo Nghị quyết.
Dự án chưa có chủ trương đầu tư, đang trong giai đoạn thẩm định nhưng đã dự kiến bố trí được một phần nguồn ngân sách nhà nước từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 và Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Nghị quyết về nguồn vốn thực hiện dự án đối với phần vốn ngân sách địa phương.
Do đó, dự án đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí để bổ sung vào danh mục khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Về việc bổ sung dự án nút giao thông Sóng Thần (đi qua 2 địa phương là Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương) vào phụ lục các dự án thí điểm chính sách về giao một địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách của địa phương này hỗ trợ vốn cho địa phương khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự án do Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương làm cơ quan chủ quản, có khối lượng giải phóng mặt bằng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, báo cáo chưa làm rõ vị trí, ranh giới giải phóng mặt bằng, chưa rõ sử dụng ngân sách địa phương nào để chi trả cho địa phương kia, đồng thời, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương chưa báo cáo về tình hình thực hiện dự án này nên chưa có đủ thông tin.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền sau khi có đầy đủ thông tin về dự án.
Về Dự án Cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh theo phương thức PPP đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, tỉnh đã phê duyệt Dự án vào 15/9/2023.
Nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng đề nghị tăng tỷ lệ vốn nhà nước từ 6.580 tỷ đồng lên 9.800 tỷ đồng/14.331 tỷ đồng tổng mức đầu tư, dẫn đến tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án tăng từ 50% lên 68,38% và bổ sung vào danh mục các dự án thí điểm chính sách về tỷ lệ vốn nhà nước trong dự án PPP.
Tuy nhiên, do phần vốn nhà nước hỗ trợ tăng trong tổng mức đầu tư (3.220 tỷ đồng) chưa xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn nên chưa đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí thí điểm.
Trường hợp xác định được nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí tăng thêm sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian tới giữa 2 kỳ họp.
Về Dự án Mở rộng Cao tốc Hòa Lạc-Hòa Bình theo phương thức PPP, dự án này có tổng mức đầu tư là 9.909 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước là 3.028 tỷ đồng, đi qua địa bàn thành phố Hà Nội và tỉnh Hòa Bình.
Ngày 30/10, Hội đồng Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết số 293/NQ-HĐND thống nhất sử dụng ngân sách địa phương tham gia đầu tư dự án.
Đối chiếu với nguyên tắc, tiêu chí của dự thảo Nghị quyết, dự án đã đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí để bổ sung vào danh mục các dự án thí điểm chính sách về giao một địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách của địa phương này hỗ trợ vốn cho địa phương khác.../.
(TTXVN/Vietnam+)
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/de-xuat-bo-sung-thi-diem-chinh-sach-dac-thu-cho-mot-so-du-an-giao-thong-duong-bo-a15673.html