Trong khuôn khổ Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu lần thứ 28 (COP 28) tại Dubai, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Việt Nam là một trong 63 quốc gia đầu tiên tham gia Cam kết Làm mát Toàn cầu. Cam kết này là sáng kiến do Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber đề xuất.
Cam kết đưa ra mục tiêu, lĩnh vực làm mát toàn cầu phải giảm ít nhất 68% phát thải khí nhà kính vào năm 2050 so với năm 2022, nhằm góp phần giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C và phù hợp với mục tiêu đạt mức phát thải ròng toàn cầu bằng “0” đến năm 2050.
Những tác động nặng nề
Mỗi năm, gần 1/3 dân số thế giới phải hứng chịu những đợt nắng nóng chết người kéo dài hơn 20 ngày. Hoạt động làm mát giúp giảm các vấn đề sức khỏe do nắng nóng, đồng thời, đóng vai trò thiết yếu trong một số lĩnh vực quan trọng như bảo quản, phân phối thực phẩm, phân phối vaccine.
Tuy nhiên, hoạt động làm mát thông thường như sử dụng điều hòa không khí gây phát thải hơn 7% khí nhà kính toàn cầu và là một trong các nguyên nhân gây ra Biến đổi Khí hậu. Dự đoán, nhu cầu năng lượng để làm mát không gian sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2050 nếu không được quản lý hiệu quả, điều đó sẽ làm tăng phát thải khí nhà kính.
Thông tin mới được Cơ quan Theo dõi Biến đổi Khí hậu, Liên minh châu Âu đưa ra ngày 6/9, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong các tháng 6, 7 và 8/2023 là 16,77 độ C, vượt mức kỷ lục trước đó là 16,48 độ C ghi nhận năm 2019.
Theo Cơ quan Thời tiết Nhật Bản, nhiệt độ trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 8/2023 "cao hơn đáng kể" so với mức trung bình tại khu vực miền Bắc, miền Đông và miền Tây đất nước.
Trong khi đó, Australia đang trải qua mùa Đông “ấm” kỷ lục, với nhiệt độ trung bình từ tháng 6 đến tháng 8 vừa qua là 16,75 độ C.
Năm 2023, Trái Đất chịu tác động rõ rệt bởi tình trạng Biến đổi Khí hậu, dẫn tới nhiệt độ toàn cầu tăng cao, với tháng 7 là tháng nóng nhất từng được ghi nhận. Nhiệt độ tăng cao đã xảy ra tại các nước châu Âu và châu Mỹ, từ Hy Lạp đến Canada, kéo theo nhiều vụ cháy rừng nghiêm trọng.
Tại Việt Nam, năm 2023, nắng nóng đã xuất hiện sớm từ giữa tháng 3. Đến tháng 4, hàng loạt kỷ lục nhiệt độ được thiết lập ở nhiều điểm đo trên cả nước.
Đặc biệt, đầu tháng 5 đã ghi nhận kỷ lục nắng nóng nhất trong lịch sử Việt Nam. Cụ thể, ngày 6/5, nhiệt độ cao nhất tại Hồi Xuân (Thanh Hóa) là 44,1 độ C, vượt qua kỷ lục 43,4 độ C ngày 20/4/2019 tại Hương Khê (Hà Tĩnh).
Ngay sau đó, ngày 7/5, nhiệt độ ghi nhận tại Tương Dương, Nghệ An là 44,2 độ C, trở thành mức nhiệt cao nhất từng ghi nhận trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Ngày 17/5, nhiệt độ tại Thủ đô Hà Nội đạt kỷ lục lên tới 41,3 độ C.
Đầu tháng 6, nhiệt độ tại Mường La của Sơn La liên tiếp phá vỡ kỷ lục, lên tới 43,8 độ C. Đi kèm nắng nóng là nguy cơ hạn hán xảy ra từ tháng 4-8/2023 ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên...
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 38% dân số sinh sống ở khu vực đô thị. Thực tế cho thấy làm mát không bền vững sẽ tiêu thụ nhiều năng lượng, nhiên liệu trong vận hành đô thị và làm gia tăng phát thải khí nhà kính. Thực hiện quản lý hiệu quả lĩnh vực làm mát nhằm hạn chế sự rò rỉ các chất gây phát thải khí nhà kính môi trường, kết hợp với giải pháp về làm mát bền vững, thân thiện với khí hậu sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tiết kiệm chi phí điện năng.
Việc thay đổi công nghệ làm mát giúp các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp, hộ gia đình của Việt Nam nâng cao hiệu quả kinh tế, sản xuất bền vững, tăng sức cạnh tranh và mở ra nhiều cơ hội mới trong kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm và phát triển kinh tế-xã hội.
Đề xuất giải pháp về làm mát bền vững
Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của Biến đổi Khí hậu cùng với nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát tăng đáng kể trong những năm gần đây, Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của các hành động thích ứng với Biến đổi Khí hậu và bảo vệ môi trường.
Theo Báo cáo của Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ tài nguyên và Môi trường, nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động làm mát bền vững, các yêu cầu về làm mát bền vững đã được đưa vào các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược quốc gia về Biến đổi Khí hậu giai đoạn đến năm 2050 (Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ) và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam (2022).
Cục Biến đổi Khí hậu đã làm việc với các đối tác và ký Bản ghi nhớ hợp tác với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc và Viện Tăng trưởng Xanh Toàn cầu nhằm tăng cường năng lực cho quốc gia thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định.
Cục xây dựng các chính sách và chương trình nhằm thúc đẩy việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định trong hai lĩnh vực ưu tiên (thích ứng với Biến đổi Khí hậu và làm mát bền vững tại khu vực đô thị ở Việt Nam).
Các kế hoạch đầu tư thân thiện với khí hậu được xây dựng; tăng cường đầu tư xanh và cơ chế tài chính phù hợp cho dự án làm mát bền vững ở khu vực đô thị. Cùng với đó, nâng cao năng lực, trách nhiệm và các hoạt động về làm mát bền vững ở khu vực đô thị; tạo điều kiện chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia khác.
Để thúc đẩy các giải pháp làm mát thân thiện với khí hậu, chống nắng nóng cực đoan tại các thành phố của Việt Nam, Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc và Viện Tăng trưởng Xanh Toàn cầu, với sự tài trợ của Chương trình Hợp tác Làm mát bền vững triển khai chương trình “Làm mát đô thị bền vững tại khu vực đô thị ở Việt Nam."
Chương trình triển khai thí điểm tại ba thành phố Cần Thơ, thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) nhằm đánh giá và đề xuất giải pháp về làm mát bền vững tại khu vực đô thị để lồng ghép trong các chính sách của thành phố; nghiên cứu tiền khả thi và đề xuất lồng ghép các hoạt động về làm mát bền vững tại khu vực đô thị vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam; lồng ghép nội dung về làm mát bền vững trong khuôn khổ chính sách quốc gia bao gồm Chiến lược Quốc gia về Biến đổi Khí hậu, Đóng góp do quốc gia tự quyết định…
Bên cạnh đó, Cục Biến đổi Khí hậu và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đã phối hợp triển khai chương trình hợp tác “Dự án hành động NDC - Tạo điều kiện thực hiện thích ứng với khí hậu và phát triển carbon thấp phù hợp với các mục tiêu quốc gia và các mục tiêu toàn cầu."
Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát trước ngày 31/12/2023.
Trong giai đoạn 2020-2025, Việt Nam cần thực hiện loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC (tương đương với hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC chỉ còn 2.600 tấn, giảm 1.000 tấn so với giai đoạn trước); giảm dần trong giai đoạn sau đó cho đến khi chấm dứt nhập khẩu các chất HCFC vào năm 2040.
Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) Inger Andersen cho rằng các quốc gia phải hành động ngay để đảm bảo lĩnh vực làm mát tăng trưởng theo hướng phát thải thấp. Việc triển khai làm mát bền vững sẽ đem lại cơ hội ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu, cải thiện cuộc sống của hàng trăm triệu người và tiết kiệm được khoản tài chính khổng lồ.
Đại diện Chương trình Môi trường Liên hợp quốc dự báo, việc cải thiện hiệu quả và tăng cường tiếp cận các giải pháp làm mát bền vững có thể giúp hơn 1 tỷ người thích ứng với Biến đổi Khí hậu, giảm 3.500 tỷ USD chi phí chuyển đổi năng lượng vào năm 2030. Làm mát hiệu quả, bền vững còn giúp các quốc gia xóa đói giảm nghèo, giảm thất thoát lương thực, cải thiện sức khỏe, quản lý nhu cầu năng lượng và ứng phó với Biến đổi Khí hậu.
Việc Việt Nam tham gia Cam kết Làm mát Toàn cầu là cơ hội để triển khai các chương trình, dự án hợp tác với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước về làm mát bền vững.
Cụ thể như chuyển đổi sang công nghệ hiệu suất năng lượng cao, sử dụng môi chất lạnh có giá trị tiềm năng nóng lên toàn cầu thấp, áp dụng các giải pháp làm mát thụ động, làm mát dựa vào tự nhiên… phù hợp với xu thế chung của thế giới. Điều này góp phần thực hiện các điều ước quốc tế và quy định pháp luật của Việt Nam về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone.
Nội dung Cam kết làm mát toàn cầu phù hợp với định hướng trong Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam, Chiến lược quốc gia về Biến đổi Khí hậu giai đoạn đến năm 2050 và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022./.
Nguyễn Hồng Điệp
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/viet-nam-trien-khai-cac-giai-phap-lam-mat-than-thien-voi-khi-hau-a16135.html