Cảnh sát Giao thông Điện Biên kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện trên tuyến Quốc lộ 279. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN) |
Tối 13/12, trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết Ủy ban này vinh dự là đại diện cho cơ quan an toàn giao thông quốc gia duy nhất được báo cáo tại Hội nghị công bố Báo cáo An toàn Đường bộ Toàn cầu 2023, diễn ra tại Geneva (Thụy Sỹ) vào sáng cùng ngày (giờ địa phương).
Nhận lời mời của Tổ chức Y tế Thế giới, được sự đồng ý của Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban đã tham dự Hội nghị Ủy ban Tư vấn cấp cao về An toàn Giao thông Đường bộ (HLCC) diễn ra ngày 11/12/2023 tại Trụ sở Liên hợp quốc, Geneva, Thuỵ Sỹ, để chuẩn bị chương trình nghị sự cho Hội nghị Bộ trưởng Toàn cầu về An toàn Giao thông Đường bộ lần thứ IV, dự kiến sẽ diễn ra tại Marrakech, Maroc từ ngày 18-21/2/2025 (GMCRS 2025).
Ông Khuất Việt Hùng cho biết sau 1 ngày trao đổi, thảo luận, Hội nghị Ủy ban Tư vấn cấp cao về An toàn Giao thông Đường bộ đã thống nhất cơ bản về chương trình nghị sự chung của GMCRS 2025, bao gồm Tổng kết Kế hoạch hành động toàn cầu Thập kỷ vì An toàn Giao thông Đường bộ lần thứ nhất (2011-2020); sơ kết giữa kỳ Kế hoạch hành động toàn cầu Thập kỷ vì An toàn Giao thông Đường bộ lần thứ 2 (2021-2030); những thách thức đối với toàn cầu, với các nhóm quốc gia, khu vực nhằm đạt mục tiêu kéo giảm 50% thương vong do tai nạn giao thông đường bộ vào năm 2030; hành động cần thực hiện của từng nhóm quốc gia, khu vực nhằm đạt mục tiêu 2030.
Hội nghị khẳng định, số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy người đi môtô, xe máy, xe máy điện chiếm 21% tổng số nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông toàn cầu và có xu hướng gia tăng ở một số khu vực, nhất là Đông Nam Á, Nam Á, châu Phi và Mỹ Latinh.
Vì vậy, chủ đề “An toàn giao thông cho người đi môtô, xe máy” sẽ phải là một chủ đề quan trọng cần thảo luận tại GMCRS 2025 để có thể tìm ra giải pháp nhằm giảm thiểu thương vong cho người đi môtô, xe máy trên toàn thế giới.
Hội nghị đề nghị Việt Nam nghiên cứu, phối hợp với WHO tổ chức một Hội nghị chuyên đề về an toàn giao thông cho người đi môtô, xe máy để chuẩn bị nội dung, đặc biệt là bài học kinh nghiệm, về cải thiện an toàn giao thông cho người đi xe máy dự kiến sẽ trình bày tại GMCRS 2025.
Trong chuyến công tác này, đại diện Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia tham dự Hội nghị Liên hợp quốc về Hợp tác bảo đảm an toàn giao thông bộ (UNRSC 2023), diễn ra từ ngày 12-13/12.
Tại Hội nghị, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia được mời phát biểu về mô hình tổ chức và hoạt động của cơ quan chỉ đạo liên ngành về bảo đảm an toàn giao thông.
Hội nghị đánh giá cao cam kết mạnh mẽ, sự lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nói chung và bảo đảm an toàn giao thông đường bộ nói riêng.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN) |
Trong khuôn khổ Hội nghị này, sáng 13/12, Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố Báo cáo An toàn Giao thông Đường bộ toàn cầu 2023, trong đó tổng kết những thành tựu chính của Kế hoạch hành động toàn cầu Thập kỷ vì An toàn Giao thông Đường bộ lần thứ nhất (2011-2020); công bố số liệu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông đường bộ toàn cầu năm 2021; những thay đổi về thể chế, chính sách về an toàn giao thông của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc; dữ liệu cơ sở để so sánh, kiểm chứng và đánh giá kết quả cho của Kế hoạch hành động toàn cầu Thập kỷ vì An toàn Giao thông Đường bộ lần thứ hai (2011-2020).
“Tại Lễ công bố, đại diện WHO đã chúc mừng Việt Nam là một trong số 45/193 quốc gia thành viên có tỷ lệ nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông đường bộ giảm trên 30% trong giai đoạn 2011-2020”, ông Khuất Việt Hùng cho hay.
Sau 10 năm nỗ lực bền bỉ thực hiện các giải pháp hưởng ứng Thập kỷ vì An toàn Đường bộ Toàn cầu (2011-2020), theo tính toán của WHO, tỷ lệ số người tử vong do tai nạn giao thông đường bộ của Việt Nam đã giảm từ 25,4 người/100.000 dân vào năm 2010 xuống còn 17,7 người/100.000 dân vào năm 2021 (giảm 43,5%).
Theo ông Khuất Việt Hùng, những kết quả mà Việt Nam đạt được trong công tác bảo đảm an toàn giao thông đường bộ nói riêng và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nói chung trong giai đoạn 2010-2020 có được từ nỗ lực của cả hệ thống chính trị dưới dự lãnh đạo của Đảng.
Trong 10 năm qua, Chỉ thị 18-CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông là cơ sở chính trị quan trọng nhất, là động lực trung tâm để cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thực hiện các giải pháp về bảo đảm an toàn giao thông.
Quán triệt tinh thần của Chỉ thị 18, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc trong các cơ quan, đoàn thể, lực lượng khác nhau về bảo đảm an toàn giao thông thống nhất nhận thức rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và bản thân mình trong thực hiện nhiệm vụ.
Cả hệ thống chính trị và nhân dân đồng lòng nhất trí, quyết tâm thực hiện nghiêm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dưới sự giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp, cùng với sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, Việt Nam đã giành được những kết quả đáng khích lệ về bảo đảm an toàn giao thông trong giai đoạn vừa qua.
Nói về những định hướng của Việt Nam để thực hiện Kế hoạch hành động toàn cầu Thập kỷ vì An toàn Giao thông Đường bộ lần thứ hai (2011-2020), đại diện Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết, bước vào giai đoạn 2021-2030, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII đã tổng kết Chỉ thị 18 và ban hành Chỉ thị 23-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới với những quan điểm, mục tiêu và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phù hợp với định hướng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Lực lượng Cảnh sát Giao thông làm nhiệm vụ trên Quốc lộ 50, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN) |
Đặc biệt, triển khai Chỉ thị 23, trong năm 2023 và 2024, Việt Nam sẽ xây dựng và ban hành Luật Trật tự An toàn Giao thông Đường bộ nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện hệ thống các quy định về quy tắc giao thông, hành vi tham gia giao thông, an toàn kỹ thuật phương tiện, an toàn trong hoạt động vận tải cũng như công tác chỉ huy, điều khiển hoạt động giao thông, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, giải quyết tai nạn giao thông tiệm cận với thông lệ quốc tế….
Luật sẽ quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan chủ trì chung, cơ quan chủ trì về chuyên môn, cơ quan phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Luật mới sẽ tạo ra nền tảng pháp lý vững chắc, toàn diện để tổ chức thực hiện một cách hiệu lực, hiệu quả các chính sách, giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong giai đoạn tới.
“Chúng tôi thông báo với bạn bè quốc tế rằng, từ năm 2021, Bộ Công an đã thực hiện chủ trương đưa công an chính quy về xã, lực lượng trực tiếp làm công tác thực thi pháp luật về trật tự an toàn giao thông sẽ có ở cả 4 cấp, từ Trung ương, đến xã. Đây sẽ là sức mạnh mới để Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong tình hình mới,” ông Khuất Việt Hùng chia sẻ.
TTXVN
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/who-danh-gia-cao-viet-nam-ve-giam-ty-le-tu-vong-do-tai-nan-giao-thong-duong-bo-a16294.html