Quốc hội Đức thông qua kế hoạch nâng giá khí thải CO2 từ tháng 1/2024

Quốc hội Đức ngày 15/12 đã bật đèn xanh cho việc nâng giá khí thải CO2 đối với nhiên liệu, khí đốt và dầu sưởi ấm từ 30 euro/tấn (khoảng 32,73 USD/tấn) hiện nay lên 45 euro/tấn kể từ tháng 1/2024.

duc1-1702699359.jpg
Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Quốc hội Đức ngày 15/12 đã bật đèn xanh cho việc nâng giá khí thải CO2 đối với nhiên liệu, khí đốt và dầu sưởi ấm từ 30 euro/tấn (khoảng 32,73 USD/tấn) hiện nay lên 45 euro/tấn kể từ tháng 1/2024.

Như vậy, Quốc hội đã thông qua phần đầu tiên của kế hoạch ngân sách lớn của chính phủ ba đảng liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Sholz.

Chính phủ liên minh thực ra chỉ muốn tăng giá CO2 lên 40 euro/tấn vào thời điểm chuyển giao năm vì giá năng lượng hiện đang cao, nhưng đã buộc phải nâng giá lên cao hơn nữa sau phán quyết về ngân sách của Tòa án Hiến pháp Liên bang khiến ngân sách năm 2024 bị thiếu hụt hàng chục tỷ euro.

Nguồn thu từ khí CO2 sẽ đổ vào Quỹ Khí hậu và Chuyển đổi (KTF) để tài trợ cho các dự án xanh chống biến đổi khí hậu.

Với quyết định trên, người tiêu dùng Đức sẽ phải chi nhiều hơn cho xăng, dầu và khí đốt. Theo Hiệp hội ô tô Đức (ADAC), giá mỗi lít xăng có thể sẽ tăng 4,3 xu euro vào thời điểm đầu năm, dầu diesel sẽ tăng khoảng 4,7 xu.

Theo tính toán của trang web so sánh Verivox, giá khí đốt sẽ tăng hơn 0,39 xu mỗi kilowatt giờ, và dầu sưởi tăng 4,8 xu mỗi lít. Vì vậy, một gia đình trung bình với nhu cầu sưởi ấm khoảng 20.000 kilowatt giờ sẽ phải trả thêm hàng năm 78 euro cho khí đốt và 96 euro cho sưởi ấm bằng dầu.

Quốc hội cũng đã thông qua ngân sách bổ sung cho năm 2023 với tỷ lệ 414 phiếu thuận, 242 phiếu chống và 9 phiếu trắng. Để mở đường cho quyết định này, trước đó Quốc hội đã đình chỉ quy định phanh nợ theo Luật Cơ bản một lần nữa cho năm 2023, năm thứ tư liên tiếp.

Chính phủ liên bang biện minh cho việc bỏ phanh nợ với lý do tình hình hiện nay là một trường hợp khẩn cấp đặc biệt do cuộc xung đột ở Ukraine.

Với ngân sách bổ sung, theo kế hoạch, chính phủ sẽ vay nợ mới 70,6 tỷ euro, vượt quá 44,8 tỷ euro so với mức vay được phép theo quy định phanh nợ.

Trong số này, 43,2 tỷ euro dùng để hỗ trợ giá năng lượng cho khí đốt, sưởi ấm và điện. Khoảng 1,6 tỷ euro được dành cho quỹ cứu trợ lũ lụt sau thảm họa lũ lụt ở Thung lũng Ahr vào năm 2021./.

Thu Hằng

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/quoc-hoi-duc-thong-qua-ke-hoach-nang-gia-khi-thai-co2-tu-thang-12024-a16313.html