Tính chung 11 tháng của năm, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ nhích nhẹ được 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 1,1% và đóng góp 1,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Ngày 18/12, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 11/2023, trong đó khuyến nghị các cơ quan chức năng cần xem xét gia hạn chương trình hỗ trợ kinh tế sang năm 2024 để cho phép các khoản đầu tư theo kế hoạch được thực hiện đầy đủ, hỗ trợ tổng cầu.
FDI, lạm phát có tín hiệu tốt
Các chuyên gia WB đánh giá cam kết FDI lũy kế trong 11 tháng năm 2023 tiếp tục tăng, đạt 28,8 tỷ USD, cao hơn 14,8% so với cùng kỳ năm 2022 bất chấp những bất ổn toàn cầu, phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn khoảng 10% so với mức trước COVID-19.
Sản xuất chiếm hơn 60% số vốn cam kết đăng ký mới và góp vốn bổ sung. Mặt khác, bất động sản chỉ chiếm 3,5% vốn đăng ký trong 11 tháng năm 2023 so với 16,7% cùng kỳ năm 2022, phản ánh tình trạng trì trệ của thị trường bất động sản trong nước. Tính đến cuối tháng 11, vốn FDI giải ngân đạt 20,3 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 11 tháng của năm, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ nhích nhẹ được 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 1,1% và đóng góp 1,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn ổn định ở mức 3,5% vào tháng 11 năm 2023 so với 3,6% vào tháng 10, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính sách đặt ra cho năm 2023 (4,5%). Động lực chính gây ra lạm phát CPI vẫn là lương thực và nhà ở, đóng góp lần lượt 1,1 và 0,9 điểm phần trăm vào CPI tháng 11.
Sự gia tăng trở lại gần đây của chi phí vận tải - vốn bị ảnh hưởng bởi giá dầu và khí đốt trong nước tăng từ tháng Tám đến tháng Mười - đã bắt đầu giảm dần vào tháng 11. Trong khi đó, lạm phát cơ bản tiếp tục giảm tốc, đứng ở mức 3,2% so cùng kỳ vào tháng 11 năm 2023, so với 3,4% vào tháng Mười, do ảnh hưởng vòng hai của cú sốc giá dầu tháng 3/2022 tiếp tục giảm dần.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục cải thiện nhưng vẫn chậm
Theo WB, tháng 11/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam tăng 2,7%, do tăng sản phẩm xuất khẩu chủ lực như dệt may, đồ nội thất, điện tử, thiết bị điện… Sản xuất sản xuất phục vụ tiêu dùng nội địa như thực phẩm và đồ uống cũng tăng lần lượt 2,0% và 5,2%. Những sự mở rộng này phản ánh mức tiêu dùng trong nước tương đối linh hoạt và sự phục hồi liên tục của nhu cầu bên ngoài.
Chuyên gia WB cho biết thêm, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa tiếp tục được cải thiện nhằm đáp ứng sự phục hồi nhu cầu bên ngoài, tăng lần lượt 6,7% và 5,1% so cùng kỳ. Xuất khẩu tăng trong tháng 11 là do tăng trưởng doanh số xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chính (gạo, cà phê, trái cây và rau quả), điện tử (20,2%), máy móc (5%), giày và sản phẩm da (10,9%) và đồ nội thất (23,6).
Sự tăng trưởng trong nhập khẩu có liên quan chặt chẽ với sự phục hồi của xuất khẩu, do đầu vào nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu chiếm 94% tổng lượng nhập khẩu. Bất chấp những cải thiện này, xuất khẩu hàng tháng vẫn giảm 1,4% trong tháng 11, so với mức tăng 1,42% (m/m, SA) trong tháng 10, cho thấy sự phục hồi còn khá mong manh. Xuất khẩu và nhập khẩu lũy kế 11 tháng năm 2023 vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2022, giảm lần lượt 5,9% và 10,7% so cùng kỳ.
Cũng theo phân tích của WB, tháng 11, tăng trưởng doanh số bán lẻ của nền kinh tế Việt Nam đã chững lại và tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn mức trước đại dịch. Cầu thị trường vẫn chưa cải thiện mạnh.
Ngoài ra, tín dụng tăng trưởng nhẹ trong tháng 11, tăng ở mức 10,3% so cùng kỳ năm trước nhưng con số này vẫn thấp hơn so mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt ra (14%-15%).
Tăng trưởng tín dụng chậm là do đầu tư tư nhân và niềm tin của nhà đầu tư tiếp tục suy yếu, một phần liên quan đến tình trạng trì trệ của thị trường bất động sản, vốn chiếm khoảng 21,6% dư nợ tín dụng vào năm 2022. Trong bối cảnh thị trường tín dụng trì trệ, Ngân hàng Nhà nước trong tuần cuối tháng 11 đã quyết định tái phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng thương mại dựa trên cơ sở đánh giá kết quả hoạt động của họ từ đầu năm đến nay.
Vì vậy, chuyên gia WB khuyến nghị các cơ quan chức năng Việt Nam cần xem xét để gia hạn Chương trình phục hồi, hỗ trợ phát triển sang năm 2024 nhằm đảm bảo hiệu quả của việc thực thi chính sách, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô.
Cũng theo chuyên gia WB, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, những điểm yếu của khu vực tài chính đòi hỏi phải tiếp tục cảnh giác đồng thời nỗ lực khôi phục niềm tin và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản sẽ là chìa khóa hỗ trợ ổn định kinh tế trong ngắn hạn và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn./.
Thúy Hà
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/wb-khuyen-nghi-viet-nam-keo-dai-chinh-sach-ho-tro-kinh-te-sang-nam-2024-a16350.html