Theo báo cáo tại hội nghị, ngay từ đầu năm, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Xây dựng, các đơn vị hành chính, sự nghiệp trực thuộc Bộ và các doanh nghiệp trong ngành đã tập trung, nỗ lực thực hiện các chương trình, kế hoạch đã ban hành để triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023, đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Năm 2023, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện, tham mưu Chính phủ, trình và được Quốc hội thông qua Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 ngày 27/11/2023, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 ngày 28/11/2023, với nhiều nội dung đổi mới.
Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” đạt được một số kết quả tích cực; các địa phương đã khởi công 10 dự án với tổng số khoảng 19.853 căn, trong đó nhà ở xã hội 7 dự án, tổng số 8.815 căn hộ.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức thành công hội nghị Phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Chính phủ chủ trì; tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Bộ Xây dựng đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai hướng dẫn đối tượng, điều kiện của khách hàng, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng thông qua bốn Ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước.
Trong số 12 chỉ tiêu kế hoạch được Bộ Xây dựng đề ra tại Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Bộ đã hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu. Cụ thể: tổng sản phẩm trong nước (GDP) ngành Xây dựng đạt 7,3-7,5; tỷ lệ đô thị hóa cả nước tính theo khu vực nội thành/nội thị đạt 42,7%, vượt kế hoạch năm 2023; tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 96%; tỷ lệ kết quả xử lý hồ sơ thủ tục hành chính được đồng bộ đầy đủ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 100%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trên tổng, số giao dịch thanh toán của dịch vụ công đạt 59,89%, vượt kế hoạch năm 2023; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trực tuyến và một cửa điện tử Bộ Xây dựng đạt 58,9%; tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa quy định, chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh đạt 50%, vượt kế hoạch năm 2023...
Năm 2024, Bộ Xây dựng đề ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tiếp tục đẩy mạnh quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách năm 2024, bám sát chủ đề năm của Chính phủ để cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp và tập trung, cố gắng cao độ để tổ chức thực hiện hiệu quả.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị ghi nhận, biểu dương nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Xây dựng trong năm qua.
Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng tập trung, nỗ lực để đạt kết quả tốt nhất mục tiêu, kế hoạch đề ra cho năm 2024. Cụ thể, các đơn vị thuộc Bộ cần tiếp tục đổi mới phương pháp luận về quy hoạch, kiến trúc; đẩy nhanh xây dựng Luật quản lý phát triển đô thị; xây dựng hoàn thiện luật Cấp thoát nước; thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; thực hiện xây dựng đề án thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản; sớm trình ban hành Nghị định về cơ sở thông tin dữ liệu quốc gia; quan tâm thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành xây dựng...
Bên cạnh công tác quản lý nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị lưu ý các đơn vị hết sức quan tâm công tác xây dựng Đảng, đoàn thể, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt Đảng theo quy định; làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để người dân hiểu rõ các chính sách pháp luật ngành xây dựng.
Đối với các địa phương, Bộ trưởng đề nghị quan tâm góp ý kiến liên quan đến việc phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực xây dựng và đánh giá việc phân cấp để bảo đảm thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ chung của ngành, của quốc gia; các Sở Xây dựng tích cực tham mưu lãnh đạo địa phương triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã phát động phong trào thi đua đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và kế hoạch 5 năm (2021-2025) của ngành xây dựng với các nhiệm vụ cụ thể:
Tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế pháp luật về xây dựng. Hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng các nhiệm vụ được giao tại Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của ngành xây dựng;
Tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 148/NQ-CP của Chính phủ; kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030; các Đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030, Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến 2030;
Tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Kiến trúc; Định hướng kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Thực hiện các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ; trọng tâm là thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia và Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, ổn định;
Nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình. Tập trung hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức và giá xây dựng;
Chú trọng phát triển vật liệu xây dựng gắn với bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu;
Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành Xây dựng;
Triển khai Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành xây dựng đến năm 2030. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế phù hợp thu hút, trọng dụng và bồi dưỡng nhân tài, xây dựng đội ngũ tri thức ngành xây dựng;
Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong quản lý tài chính-ngân sách nhà nước. Thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công;
Tăng cường công tác xây dựng Đảng; thực hiện phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra và tiến hành tổng kết, đánh giá hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị trong đợt thi đua.
MINH THÀNH
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/gdp-nganh-xay-dung-trong-nam-2023-uoc-dat-75-a16502.html