Chuyên gia: Khó tìm ra động lực tiềm năng cho kinh tế phát triển trong năm mới

Theo các chuyên gia, triển vọng kinh tế năm 2024 sẽ có chiều hướng giống năm 2023; các nước công nghiệp hóa sẽ có mức tăng khoảng 1,5% và các nước đang phát triển và mới nổi tăng khoảng 4%.

kinh-te-3-1703655037.jpg
Tàu container cập cảng ở Tsawwassen, British Columbia, Canada. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kinh tế toàn cầu đã có nhiều thăng trầm, đặc biệt trong 6 tháng cuối năm 2023. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ủy ban châu Âu (EC) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo có thể tăng trưởng năm nay ở mức thấp lịch sử khoảng 3%.

Nghiên cứu của Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI) cho thấy lạm phát cao, thu nhập khả dụng và chi tiêu tiêu dùng thấp đã kìm hãm sự phát triển kinh tế trong năm 2023, tạo tiền đề không mấy sáng sủa cho kinh tế 2024.

Đầu năm nay, tình hình cơ bản vẫn khá tốt, song quý 2 được đánh giá "rất đáng thất vọng" và quý 3I cũng ảm đạm ở hầu hết các nền kinh tế. Trong môi trường kinh tế như vậy, không có gì ngạc nhiên khi tỷ lệ lạm phát giảm đáng kể trong khi lãi suất cơ bản tăng mạnh.

Những chao đảo do sự hỗn loạn của thị trường tài chính gây ra nhanh chóng giảm bớt, nhưng bên cạnh xung đột Nga-Ukraine lại nổ ra các cuộc xung đột quân sự khác ở Trung Á và Trung Đông.

Ngoài ra, quyết định cắt giảm nguồn cung dầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác (OPEC+) đã đẩy giá dầu tăng đến 25% kể từ tháng 5, khiến lạm phát giảm chậm hơn, thậm chí còn tăng trở lại tại Mỹ.

Với tình hình chung ảm đạm như vậy, giới chuyên gia nhận định rất khó để tìm ra động lực tiềm năng cho kinh tế phát triển trong năm mới.

Đà tăng trưởng kinh tế của Mỹ đang chậm lại ngay cả khi cuộc suy thoái ngắn được nhiều người dự đoán đã không xảy ra. Kinh tế Trung Quốc cũng khá u ám với chỉ số quản lý mua chủ chốt quay trở lại mức suy giảm trong tháng 10. Sang năm 2024, triển vọng tăng trưởng hơn nữa của Trung Quốc cũng không chắc chắn.

Trong khi đó, những khó khăn nghiêm trọng trên thị trường bất động sản đang làm suy yếu nhu cầu đối với sản phẩm công nghiệp. Những năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành cũng không làm thay đổi hành vi của các hộ gia đình, gây bất lợi cho chi tiêu tiêu dùng, mua nhà chung cư và các công ty tư nhân, vốn từ lâu đã đóng vai trò quan trọng trong đầu tư vào các dịch vụ hiện đại, công nghệ mới và hoạt động kinh tế nói chung.

Ngoài ra, các quyết định quan trọng trong chính sách kinh tế, như “lưu thông kép” hay cách tiếp cận các công ty công nghệ, có tác động làm giảm hoạt động kinh tế, ít nhất là trong ngắn hạn.

Các chuyên gia dự báo kinh tế châu Âu có thể sẽ phục hồi, đặc biệt là khi chi tiêu tiêu dùng được cải thiện nếu không xuất hiện những cú sốc mới gây ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng.

ttxvn-2712kinhte2-8440.jpg

Người dân mua sắm tại siêu thị ở Duesseldorf, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoài ra, chính sách tiền tệ thắt chặt vẫn tiếp tục được duy trì ở hầu hết các nền kinh tế trong nửa đầu năm tới và chỉ có thể được nới lỏng trở lại vào nửa cuối năm.

Hiệu quả của việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế chủ chốt trong OECD cũng chưa rõ ràng. Biện pháp này ban đầu có tác động nhanh và mạnh tới các lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất của nền kinh tế mà không gây ra những biến động lớn và bất ổn tài chính. Tuy nhiên, việc thắt chặt và lãi suất sẽ luôn ở mức cao có thể gây ra rủi ro về ổn định, đặc biệt đối với các công ty, ngành hoặc quốc gia mắc nợ cao.

Khả năng quay trở lại các điều kiện trước khủng hoảng ngày càng khó xảy ra, cả đối với chính sách tiền tệ lẫn chính sách tài chính, bởi vì cùng lúc nhiều vấn đề mang tính cơ cấu tương tác với nhau, bao gồm lãi suất cao hơn trên thị trường vốn khiến chi phí lãi vay cao hơn trong trung hạn; Chi tiêu nhiều hơn và thu nhập giảm do già hóa dân số và hỗ trợ chính sách xã hội; Suy giảm tiềm năng tăng trưởng (do già hóa, xói mòn về năng suất); Chi tiêu quốc phòng cao hơn; và những thay đổi trong phân công lao động quốc tế dẫn đến tăng trưởng kém hơn.

Ngoài ra, cuộc xung đột ở Trung Đông - với những tác động tiềm ẩn đối với thị trường năng lượng, lạm phát và niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng ở các nước công nghiệp hóa - đang treo lơ lửng nhiều rủi ro đối với phát triển kinh tế.

Nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 3% trong năm nay, cao hơn chút ít so với con số dự báo 2,75% của BDI hồi mùa Hè, chủ yếu là nhờ Mỹ tăng trưởng 2,25%. Nhật Bản cũng được dự đoán sẽ tăng trưởng 1,7%.

Trong số các nền kinh tế mới nổi lớn, Brazil có thể tăng trưởng 3%, Ấn Độ đạt hơn 6% và Nga 2% nhờ thời tiết tốt và mùa màng bội thu ở Brazil; giá dầu tăng .... Vương quốc Anh được kỳ vọng sẽ tránh được suy thoái và tăng trưởng ở mức 0,5%.

Đức được xếp trong nhóm các quốc gia có mức phát triển kinh tế đáng thất vọng do tình trạng suy giảm trong chi tiêu tiêu dùng thực tế, đầu tư xây dựng và xuất khẩu. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức được dự báo giảm nhẹ.

Kinh tế Pháp và Italy hoạt động tốt hơn với mức tăng trưởng khoảng 0,75%. IMF dự báo, các nước công nghiệp hóa nói chung dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 1,5%, các nước đang phát triển và mới nổi 4%.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến trong năm 2024 sẽ chậm lại phần nào do Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, mất đà và có thể chỉ tăng 1,5%. Kinh tế Canada cũng được dự đoán sẽ chỉ tăng nhẹ. Đồng thời, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm xuống 4,5%.

Tuy nhiên, Khu vực đồng tiền chung châu Âu euro (Eurozone) và Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ quay trở lại tăng trưởng mạnh hơn ở mức 0,7% nhờ thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng thực tế và đóng góp nhỏ từ ngoại thương.

Tại châu Á-Thái Bình Dương, sự phát triển bùng nổ đặc biệt của Nhật Bản đang dần đi đến hồi kết với tăng trưởng quý 3 năm nay rất yếu. Tuy nhiên, năm 2024, đất nước Mặt trời mọc được dự báo tăng trưởng trên mức tiềm năng hơn 1%.

Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Singapore dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn vào năm tới sau một năm 2023 trì trệ, trong khi Australia, New Zealand và Hong Kong (Trung Quốc) sẽ chứng kiến mức tăng trưởng yếu hơn.

Theo dự báo, Brazil, Mexico và Nga cũng đi lên chậm hơn, trong khi Ấn Độ, các nước ASEAN, Trung Đông và Bắc Phi (do giá dầu thúc đẩy), phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi và đặc biệt là Nam Phi, có thể sẽ đạt tốc độ tăng trưởng ngày càng cao.

Mỹ Latinh đang phải đối mặt với xu hướng đi ngang khi tăng trưởng ở mức khoảng 2,25%, trong đó Nam Mỹ đạt mức 2% và Trung Mỹ khoảng dưới 4%, các nước khu vực Caribe được dự báo con số ấn tượng 8%.

Về lạm phát, IMF dự báo lạm phát toàn cầu trong cả năm nay sẽ giảm từ gần 9% xuống dưới 7% và tiếp tục xuống dưới 6% trong năm tới. Quá trình giảm lạm phát có phần chậm hơn dự kiến do giá cả giảm chậm, đặc biệt là đối với dịch vụ.

Các nước công nghiệp phát triển nhìn chung đang đạt được tiến bộ nhanh hơn các nước đang phát triển và mới nổi. Động lực quan trọng cho quá trình ổn định lại lạm phát là giá nguyên liệu thô đang suy giảm.

Tỷ lệ lạm phát trung bình ở các nước công nghiệp hóa và đang phát triển đã giảm xuống dưới 6%. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu sẽ cần ít nhất đến năm 2025 để đưa tỷ lệ lạm phát xuống gần với mức mục tiêu./.

Triển vọng năm 2024 sẽ có chiều hướng giống năm 2023. Các nước công nghiệp hóa sẽ có mức tăng khoảng 1,5% và các nước đang phát triển và mới nổi tăng khoảng 4%.

Thu Hằng

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/chuyen-gia-kho-tim-ra-dong-luc-tiem-nang-cho-kinh-te-phat-trien-trong-nam-moi-a16634.html