Những món ăn trong mâm cỗ lá đều là những món ăn được hình thành trong quá trình lao động sản xuất của đồng bào dân tộc và được chế biến, gia giảm nguyên liệu và trở thành những món ăn đặc trưng của người Mường. Trên mẫm cỗ lá dù nhiều hay ít cũng không thể thiếu 3 món: Chả chìa, cá ốt đồ và chả lá bưởi. Gia vị chế biến kèm theo các loại bao gồm nước mắm, muối gia vị, dầu ăn, mì chính, hạt nêm, hạt dổi rừng, hạt he (hay còn gọi là hạt mắc khén), hạt tiêu, hạt vừng, lá kịa, tỏi, gừng, ớt, giềng, hành khô và nhiều gia vị dân tộc phụ trợ khác. Chính những thức gia vị độc đáo, riêng có này cũng làm tăng sức hấp dẫn và hương vị ngon thơm của từng món ăn trong mâm cỗ lá của người dân tộc Mường.
Mâm được làm từ mẹt tre hoặc mâm gỗ vuông, tròn. Lá chuối được hơ trên lửa và trải lên mâm cũng là lúc các món ăn nóng được bày biện theo thứ tự gọn gàng, món nọ bổ trợ cho món kia nhìn rất sinh động và hấp dẫn. Qua mâm cỗ lá, người Mường đã thể hiện cách linh hoạt tính cộng đồng, tình cảm tương thân tương ái, nền nếp gia đình cũng như văn hóa của mình. Bố cục trình bày trong mâm cỗ: Chia thành 6 phần theo hình tròn với tỷ lệ tương xứng với các món ăn, thể hiện cho 6 dân tộc chính đang sinh sống ở Hòa Bình (người Mường, người Kinh, người Thái, người Dao, người Tày, người Mông). Đó cũng chính là nét độc đáo riêng có của mâm cỗ lá người Mường. Cỗ lá ngày Tết là nét tinh túy trong ẩm thực của người Mường, nó chứa đựng ân tình của con người đối với đất, trời, rừng núi.
PHẠM HƯNG (thực hiện)
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/doc-dao-co-la-ngay-tet-cua-nguoi-dan-toc-muong-a16721.html