18 nhà thiết kế kể chuyện nguồn cội, văn hóa qua thời trang

“Nơi tôi sinh” là chủ đề sự kiện thời trang và nghệ thuật, được 18 nhà thiết kế (NTK) kể câu chuyện nguồn cội, văn hóa dọc dài đất nước trên những bộ áo dài mới nhất để chào mừng năm mới 2024.

Chiều 3-1 tại Hà Nội, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám họp báo giới thiệu chương trình nghệ thuật và trình diễn áo dài mang chủ đề “Nơi tôi sinh”. Đây là một trong những sự kiện mở đầu năm mới 2024 của Trung tâm, sẽ diễn ra vào 19 giờ ngày 5-1 tại Khu Thái Học, Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

ntk-1-1704332086.jpg
Bộ sưu tập thời trang mang màu sắc văn hóa ẩm thực đặc trưng Quảng Nam của NTK Huệ Thi giới thiệu tại họp báo.

Chương trình có sự tham gia của 18 NTK đã khẳng định thương hiệu trong giới thời trang Việt Nam, giới thiệu những bộ sưu tập thời trang (chủ yếu là áo dài truyền thống) mới nhất, như: NTK Minh Hạnh, Cao Minh Tiến, Ngọc Hân, Duy Nguyễn, Huệ Thi…

Phát biểu tại họp báo, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho biết, thông qua các bộ sưu tập áo dài, các NTK sẽ kể cho khán giả nghe những ký ức, nguồn cội gắn với những câu chuyện lịch sử, bản sắc văn hóa của nhiều địa danh dọc dài đất nước từ Điện Biên, Cao Bằng, Hà Nội, Huế, Quảng Nam đến đại ngàn Tây Nguyên, vùng sông nước Nam Bộ… “Sự kiện cũng chính là một trong những hoạt động để khu di tích kết nối và mở rộng không gian sáng tạo, lan tỏa và quảng bá những sản phẩm thiết kế mang giá trị văn hóa chất lượng cao”, ông Lê Xuân Kiêu cho hay.

ntk4-1704332112.jpg
 
ntk3-1704332131.jpg
 
ntk2-1704332150.jpg
 
ntk5-1704332179.jpg
Một số mẫu thiết kế của các NTK giới thiệu tới báo chí.

Tại họp báo, một số bộ trang được các NTK hé mở, mang đến những màu sắc thú vị, hấp dẫn. Ví như bộ sưu tập “Điện Biên - nơi tôi sinh ra” của NTK Thanh Thúy, những bộ áo dài kể câu chuyện hoa ban nở thành người con gái Thái, loài hoa đã trở thành biểu tượng của “Điện Biên Phủ - thành phố hoa ban”.

NTK Huệ Thi lại kể trên những bộ áo dài nguồn cội sinh ra ở vùng đất Quảng Nam, ký ức đó chính là bóng mẹ, bóng bà lui cui góc bếp nồng nàn hương thơm, là những chiều đông rét mướt co ro được bưng tô mỳ Quảng, cay nồng vị quê đã xua tan đi bao muộn phiền. Lớn lên xa quê, mang theo cả bầu trời ký ức, thoảng nghe giọng Quảng bỗng tự hào về cố xứ, nơi ấy có hơn 550 năm văn hóa ẩm thực và Huệ Thi đang mỗi ngày tiếp nối gìn giữ lưu truyền mì Quảng cho đời thứ 5 của gia đình trên cả thời trang và ẩm thực.

Tin, ảnh: HÀ ANH

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/18-nha-thiet-ke-ke-chuyen-nguon-coi-van-hoa-qua-thoi-trang-a16868.html