Chính phủ Đức thiếu vốn đầu tư xây dựng các nhà máy điện dự phòng

Theo huyên gia Viện Kinh tế Năng lượng tại Đại học Köln (EWI), Philipp Kienscherf, tới năm 2030 số vốn ước tính cần để xây các nhà máy điện mới ở Đức là khoảng 60 tỷ euro (65 tỷ USD).

ttxvn-04012024nhamaydienduc-172-1704335689.jpg
Nhà máy điện hạt nhân Isar ở Essenbach, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Để tránh tình trạng mất điện trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, Đức cần có các nhà máy điện dự phòng và theo các chuyên gia, Chính phủ Đức hiện rất thiếu vốn đầu tư cho việc này.

Chuyên gia Viện Kinh tế Năng lượng tại Đại học Köln (EWI), Philipp Kienscherf, phân tích cho tới năm 2030 số vốn ước tính cần thiết để xây dựng các nhà máy điện mới ở Đức là khoảng 60 tỷ euro (65 tỷ USD) và số tiền này không thể có được từ doanh thu trên thị trường điện mà chính phủ phải có các chính sách hỗ trợ đầu tư, hay nói cách khác là phải bỏ tiền đầu tư.

Chiến lược nhà máy điện dự phòng đã được Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Robert Habeck nghiên cứu trong nhiều tháng mà chưa công bố kết quả cụ thể.

Chiến lược này nhằm xác định các điều kiện để thúc đẩy xây dựng các nhà máy điện dự phòng với tổng công suất lắp đặt lên tới 25GW.

Theo kế hoạch ban đầu, các nhà máy điện sẽ được hoàn thành vào năm 2030 và sẽ được sử dụng bất cứ khi nào tua-bin gió và hệ thống quang điện không sản xuất đủ điện để đáp ứng nhu cầu.

Các nhà máy này chủ yếu sẽ được vận hành bằng khí tự nhiên và sau đó bằng hydro không phát thải khí nhà kính. Một số ít nhà máy sẽ sử dụng năng lượng hydro ngay từ đầu.

Việc vận hành các nhà máy điện mới là cần thiết để đưa các nhà máy nhiệt điện chạy than ra khỏi lưới điện. Theo kế hoạch của chính phủ liên minh, các nhà máy này sẽ được đưa vào vận hành vào năm 2030.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Habeck gần đây tỏ ra không mấy chắc chắn về triển vọng các nhà máy điện mới được vận hành đúng hạn, làm dấy lên sự chỉ trích mạnh mẽ trong ngành năng lượng. Các doanh nghiệp điện sốt ruột muốn thấy một chiến lược rõ ràng để có thể xây dựng và vận hành các nhà máy mới càng nhanh càng tốt.

Một điều chắc chắn là doanh thu từ thị trường điện không thể đủ để cấp vốn xây dựng các nhà máy điện dự phòng mới vì khi tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng lên, các nhà máy điện dự phòng sẽ được sử dụng ngày càng ít hơn. Và việc bỏ vốn để xây dựng một nhà máy điện mới chỉ vận hành vài trăm giờ mỗi năm là điều không tưởng.

Ngành công nghiệp điện đã xây dựng nhiều đề xuất về các công cụ khuyến khích của chính phủ: Ví dụ như trợ cấp xây dựng mới hay thiết lập các mô hình thị trường khuyến khích sử dụng công suất hiện có của nhà máy điện.

Phân tích của EWI cho thấy kế hoạch thúc đẩy xây dựng các nhà máy điện dự phòng của chính phủ liên minh về cơ bản chỉ dựa theo mong muốn chính trị chứ không có hiệu quả kinh tế vì chi phí vận hành các nhà máy điện chạy bằng năng lượng hydro xanh sẽ đắt hơn đáng kể so với khí đốt tự nhiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/chinh-phu-duc-thieu-von-dau-tu-xay-dung-cac-nha-may-dien-du-phong-a16877.html