Dự báo tình hình kinh tế thế giới năm 2024 tăng trưởng thấp là do quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 vẫn chưa đồng đều trên phạm vi quốc tế và các yếu tố bất ngờ như cú sốc khí hậu và căng thẳng địa chính trị có thể làm suy yếu tiến trình. Theo đó, các nhà kinh tế của Liên hợp quốc dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại từ mức ước tính 2,7% của năm 2023 xuống còn 2,4% trong năm nay, thấp hơn tốc độ tăng trưởng 3% trước đại dịch.
Chuyên gia Shantanu Mukherjee về phân tích kinh tế và chính sách của Liên hợp quốc, cho biết kết quả tăng trưởng tốt hơn mong đợi cho năm 2023 chủ yếu được thúc đẩy bởi một số nền kinh tế lớn - đặc biệt là Mỹ, ngoài ra còn có Brazil, Ấn Độ và Mexico. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đó có thể chậm lại trong năm nay, đặc biệt là ở Mỹ, do lãi suất cao, chi tiêu tiêu dùng giảm và thị trường lao động yếu hơn.
Châu Âu cũng không phải là không có những thách thức kinh tế khi phải đối mặt với lạm phát và lãi suất cao cũng như những ảnh hưởng từ cuộc chiến ở Ukraine. Khối 27 quốc gia dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội 1,2% trong năm nay.
Chuyên gia Hamid Rashid phụ trách giám sát kinh tế toàn cầu của Liên hợp quốc, cho biết đó là tốc độ tăng trưởng rất khiêm tốn đối với khu vực, thậm chí để bù đắp một phần sản lượng bị mất, cho thấy những tác động trực tiếp từ chiến tranh.
Các nước đang phát triển vẫn đang phải vật lộn để vượt qua những trở ngại do Covid-19 gây ra, đồng thời phải đương đầu với lãi suất cao và nợ gia tăng. Các nhà kinh tế dự báo rằng ở khoảng 1/4 các nước đang phát triển, lạm phát hàng năm dự kiến sẽ vượt quá 10% trong năm nay. Trên toàn thế giới, lạm phát được dự báo ở mức trung bình 3,9% trong năm nay, giảm từ mức 5,7% vào năm 2023. Đó là một sự thay đổi nhanh chóng so với mức 8,1% vào năm 2022.
Báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy tại Trung Quốc, quá trình phục hồi sau đại dịch chậm hơn dự kiến, nhưng quốc gia này đã chuyển sang giai đoạn chuyển biến trong nửa cuối năm 2023, với tốc độ tăng trưởng ước tính đạt khoảng 5,3% trong năm, tăng từ mức 3% vào năm 2022. Châu Phi được dự đoán sẽ có mức tăng trưởng kinh tế khiêm tốn, tăng từ mức ước tính 3,3% vào năm 2023 lên 3,5% vào năm 2024.
Các nhà kinh tế cho biết điều này sẽ chủ yếu đến từ các quốc gia ở phía đông và phía nam châu Phi. Đông Á được dự báo sẽ chứng kiến mức tăng trưởng chậm lại từ 4,9% vào năm 2023 xuống còn 4,6% vào năm 2024, chủ yếu do nhu cầu xuất khẩu toàn cầu chậm lại.
Một yếu tố quan trọng góp phần vào sức khỏe kinh tế toàn cầu là thương mại. Mặc dù năm ngoái không thu hẹp lại nhưng thương mại có mức tăng trưởng rất thấp. Nếu thương mại toàn cầu không khởi sắc, vốn là động lực tăng trưởng của nhiều nước đang phát triển, thì tăng trưởng sẽ khó trở lại như trước đại dịch. Mặc dù triển vọng kinh tế không hoàn toàn u ám và tiêu cực, các chuyên gia của Liên hợp quốc sẽ theo dõi một số chỉ số để đánh giá triển vọng kinh tế trong năm nay, bao gồm những thách thức phát sinh từ việc thắt chặt tiền tệ, thương mại và đầu tư toàn cầu suy yếu và nguy cơ nợ nần gia tăng. Theo Liên hợp quốc, điều này có thể trở nên phức tạp hơn do rủi ro địa chính trị ngày càng tăng và tác động xấu đi nhanh chóng của biến đổi khí hậu.
Duy Hưng (tổng hợp)
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/lien-hop-quoc-du-bao-tang-truong-toan-cau-se-cham-lai-o-muc-24-nam-2024-a16950.html