Ngày 1/6 tới, xe không đủ điều kiện đi vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu và tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng. Lực lượng CSGT sẽ tiến hành phạt nguội qua camera giám sát.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, từ ngày 1/6 tới, 100% phương tiện đi trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ thực hiện thu phí không dừng. Lực lượng CSGT sẽ phạt nghiêm đối với các xe không đủ điều kiện cố tình lưu thông trên tuyến đường này.
Theo khoản 3, Điều 2 Nghị định 123 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2022 quy định: Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với người điều khiển xe không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng đi vào làn đường dành riêng thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí.
Các xe không đủ điều kiện bao gồm: xe không gắn thẻ đầu cuối (xe chưa dán thẻ thu phí không dừng) hoặc xe đã dán thẻ thu phí không dừng mà số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để chi trả khi qua làn thu phí.
Ngoài ra, tài xế khi đi sai vào làn đường ETC tại các trạm thu phí còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
Như vậy, từ ngày 1/6, các xe chưa được dán thẻ thu phí không dừng hoặc đã dán thẻ và có tài khoản thanh toán nhưng số tiền trong tài khoản không đủ để qua trạm thu phí trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ bị phạt mức từ 1-2 triệu đồng.
Phó tổng giám đốc Công ty TNHH thu phí tự động VETC Hồ Trọng Vinh cho biết, hiện nay dịch vụ của VETC đã kết nối được với ngân hàng BIDV và Vietcombank để tự động ra hạn mức cho chủ phương tiện khi tài khoản giao thông không đủ tiền qua làn thu phí tự động.
Khách hàng sử dụng tài khoản của BIDV và Vietcombank có thể cài hạn mức kết nối trừ tiền trong tài khoản ngân hàng qua đăng ký dịch vụ tích nợ tự động, để hạn mức. Khi tài khoản giao thông hết tiền ngân hàng sẽ tự động đẩy tiền sang, chủ phương tiện không bị gián đoạn dịch vụ. Điều này sẽ giúp chủ xe tránh được vi phạm xe đi qua làn thu phí nhưng số tiền trong tài khoản không đủ để chi trả.
Trung tá Nguyễn Trường Sơn, Đội trưởng Đội TTKS giao thông số 2, Phòng 8, Cục CSGT cho biết, việc xử lý vi phạm thông qua hệ thống camera giám sát sẽ thuận lợi, dễ dàng và hiệu quả hơn.
Đến thời điểm hiện tại, cơ sở hạ tầng kỹ thuật giám sát trên tuyến đã đủ yêu cầu về pháp lý để xử phạt các trường hợp vi phạm.
Ông Sơn cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT đã xử phạt hơn 10 trường hợp đi vào làn ETC khi không đủ điều kiện trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, một số được nhắc nhở khi tài khoản giao thông không đủ tiền, chưa có trường hợp nào chống đối.
Đại diện Cục CSGT cho biết thêm, hình thức xử phạt sẽ là phạt nguội để đảm bảo an toàn giao thông và tính minh bạch. Những xe không chấp hành sẽ được cập nhật lên hệ thống, gửi thông báo xử phạt về nơi ở và ra cảnh báo trên đăng kiểm.
Không còn tình trạng thẻ ETC dán chồng lên nhau
Liên quan đến các trường hợp thẻ ETC của 2 nhà cung cấp dịch vụ ePass và VETC dán chồng lên nhau dẫn đến thiết bị tại trạm thu phí không đọc được, trả lời VietNamNet, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sau khi xảy ra sự cố do phương tiện dán chồng thẻ của hai nhà cung cấp lên nhau, Tổng cục đường bộ đã có văn bản chỉ đạo kiểm tra. Theo đó, phát hiện một vài cá nhân ở điểm bán vé vì muốn tăng doanh số dán thẻ đã dẫn đến việc dán 2 thẻ cho cùng một phương tiện. Đây là hành vi của cá nhân không nằm trong chỉ đạo của hai nhà cung cấp.
Những lỗi này sau đó đã được chấn chỉnh ngay và yêu cầu tất cả các điểm dán thẻ không tiếp tục tái diễn.
“Thẻ của VETC hư hỏng thì khắc phục theo VETC, thẻ ePass hỏng thì dán lại của Vietel, tại các đường vào trạm thu phí đều có điểm trực dán thẻ của cả hai nhà cung cấp nên thời gian tới sẽ không tái diễn tình trạng này”, ông Huyện nói rõ.
Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ - Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) thông tin, rút kinh nghiệm về lỗi kỹ thuật vừa qua, Tổng cục Đường bộ chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ tiếp tục tiến hành các biện pháp phòng ngừa, rà soát cấu hình hệ thống và nhân lực vận hành, ứng trực 24/24h.
Quy trình xử lý sự cố đã được quy định trong hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa VETC và VDTC. Theo đó, tại tại trạm của đơn vị nào quản lý thì nhà cung cấp dịch vụ phải chịu toàn bộ trách nhiệm đối với các sự cố tại trạm. Khi xảy ra lỗi, nhà cung cấp dịch vụ quản lý trạm thu phí không thể nói là thẻ của nhà cung cấp dịch vụ khác nên không chịu trách nhiệm.
Đề cập đến chế tài xử phạt, ông Toàn cho hay, theo quy định tại hợp đồng, nhà cung cấp dịch vụ sẽ phải đền bù số tiền bằng đúng với số tiền thiệt hại do lỗi mình gây ra.
Gia Văn/Vietnamnet.vn