Hồi ký “ Lớn lên nhờ cách mạng”, Phần 1,2

(Tapchivietduc.vn) - Như đã nói ở bài báo trước, với lòng biết ơn và sự khâm phục với tài đức của Thượng tướng Phùng Thế Tài, Tạp chí điện tử Việt Đức đã giới thiệu tới bạn đọc Tập hồi ký “ Lớn lên nhờ cách mạng” và sẽ tiếp tục đăng các phần nội dung của Tập hồi ký trong thời gian sắp tới. Dưới đây là trích dẫn nguyên văn trong sách Phần 1 và Phần 2 về cuộc đời đi ở và sang Tàu của Thượng Tướng.

CUỘC ĐỜI ĐI Ở

Từ lúc tôi ra đời cho đến năm lên mười, mười một tuổi, bố mẹ tôi đều nghèo rớt mồng tơi. Bố tôi làm ruộng. Tôi là con cả, sau tôi còn mấy đứa em nữa. Bố làm không đủ nuôi con. Phải vay ăn. Nợ thêm. Lại vay mượn để trả nợ. Ruộng ba sào, bán dần, rồi hết. Bố tôi nghèo, nhưng không muốn nhờ vả bà con, cô bác…

Bọn Tây đoan thường hay sục sạo vào làng bắt rượu lậu. Chúng cho lính bắt trói những người nông dân hiền lành, chất phác. Chính những thằng Tây râu vểnh và mặt đỏ như đầu gà chọi này đã đấm, đánh, vả, vụt dùi cui túi bụi vào những người không làm gì nên tội kia. Những cảnh bắt sưu, bắt thuế luôn luôn xảy ra, rầm rĩ cả làng trên xóm dưới cứ y như làng có cướp!

Ruộng đã vào tay địa chủ. Còn sào vườn, bán nốt. Hết vườn, đến nhà. Nhà bán rồi, phải xuống bếp ở. Bố tôi thấy không thể sống ở làng được nữa, bỏ đi làm rừng, chặt gỗ. Mấy tháng mới thả bè trôi về một chuyến. Mẹ tôi ở nhà nuôi con. Mẹ tôi chịu khó làm thuê, vay mượn, cũng không đủ ăn. Cơm không có ăn lấy đâu ra quần áo mặc? Tôi lên tám, lên chín rồi còn lồng ngồng ở truồng.

Mẹ tôi cho tôi đi ở với ông bác.

Bác tôi mù, làm thầy bói, đi các chợ kiếm ăn. Thầy bói có gậy, cầm cái gậy chọc chọc trên đường đi, một tay bám vào vai thằng bé là tôi. Đang cái tuổi hay nghịch, hay chơi, hay nhảy lại phải đi chậm từng bước một để dắt ông bác mù, nhiều lúc tôi quên khuấy cứ đi tướn lên, vai tuột khỏi những ngón tay xương xẩu của bác. Bác tôi khua khua cái gậy trước mặt, miệng gọi:

- Nghĩa! Thằng Nghĩa đâu! Mày lại chạy đâu rồi hở Nghĩa…?

Tôi trở lại:

- Cháu đây mà !

Bác tôi chìa cái gậy cho tôi dắt. Cuộc sống buồn tẻ của một người mù với một thằng bé nối liền nhau bởi một cái gậy trúc. Mỗi người một ý: ở đầu gậy, bác tôi lẩm bẩm: “ Tý, sửu, dần, mão, thìn, tỵ, ngọ, mùi…”; ở cuối gậy, tôi ngắm con chim sáo, nghĩ:  “ Ông có súng, ông cho một phát!”. Giá cứ như thế… Nhưng ức một cái là đi qua chợ bị trẻ con trêu. Chúng nó hét ầm lên:

- Thằng kia dắt thằng mù, bay ơi!

Và những hòn gạch, hòn đất tới tấp rơi lộp độp vào cái nón mê của tôi. Bác tôi bảo:

- Nghĩa ! Kệ chúng nó, cháu ạ… Bác cháu ta tìm chỗ nghỉ một tí.

Tôi trông thấy rõ ràng một thằng lơn lớn sắp sửa đáp hòn đất vào bác cháu tôi. Tôi giơ quả thụi về phía nó, nó le lưỡi chửi tôi. Tôi đưa bác ngồi nghỉ ở gốc đa. Chỉ một thoáng tụi trẻ con đã giấu mất gậy. Thế là tôi cãi nhau với bọn trẻ con và đánh nhau.

Đi với ông bác cũng không đủ ăn. Tôi vẫn bị rách, bị đói, da đen nhẻm đi vì nắng gió. Mẹ tôi thương con, lại xin cho tôi ở với bà cô. Bà cô đi lấy chồng làng dưới đủ ăn, thích danh vọng, mua cho chồng được cái lý trưởng.

Ở với cô chú, tôi phải chăn trâu, chăn bò, cắt cỏ, làm đủ công việc nặng của một anh lực điền. Đã thế, lại còn bị bà cô mắng nhiếc. Tôi không sợ, cãi lại. Bà cô không thể chịu được với các thằng cháu - thực chất là thằng ở - hỗn láo. Tôi khổ quá, bỏ về với mẹ. Ở với mẹ, đói thì đói quanh năm, nhưng mẹ tôi chả mắng tôi bao giờ.

Lên mười, mười một, có ông khóa Đảm ở làng trên hiếm con xin tôi về làm con nuôi. Mẹ tôi nghèo quá, không nuôi nổi đàn con, cũng mong cho đứa con đầu lòng học được chữ thánh hiền ở cái ông đồ nho này, bèn ưng cho tôi đi. Tiếng là làm con nuôi, nhưng cũng chẳng khác gì thằng ở. Làm con nuôi ông khóa Đảm được mấy tháng, tôi học được mấy chữ nho. Nhưng ngoài công việc trong nhà phải làm như một thằng ở thật sự, ra khỏi cổng là tôi nghịch phá trời. Tôi tổ chức trẻ con trong làng thành phe phái đánh nhau. Những nhóm nghịch ngợm thành hình. Chúng tôi thường làm “ giặc châu chấu(1)”, đóng giả “ giặc cờ đen”, làm quân tướng Lưu Vĩnh Phúc đánh Tây. Tôi không hiểu ý nghĩa chữ “ giặc” là như thế nào cả. Chỉ thấy người ta nói cũng bắt chước. Còn “ Tây” thì cứ trông bọn Tây đoan mũi lõ, tóc quăn, đi bắt rượu lậu ở làng tôi. Ngoài việc đi bắt rượu lậu, bọn Tây đoan thường mang súng đi bắn chim. Chim rơi xuống hồ ao, rơi vào bụi rậm; nhặt chim cho nó, nó cho năm xu. Nhiều lúc tôi nhặt được, đem giấu đi. Kệ mẹ nó! Tôi nghĩ: “ Chim của làng ông chứ chim của làng mày đấy à! Ông lội nước, ngụp lặn mới nhặt được chim!”.

Ông đồ cấm chơi “ làm giặc” ghê lắm. Ông ta có cái roi mây, thỉnh thoảng lại nọc tôi ra quất vào mông đít! Tôi chỉ chừa được vài bữa, rồi đâu lại hoàn đấy, vì chơi làm “ giặc” đánh Tây có nhiều cái thú vị, hấp dẫn lắm.

Năm tôi mười ba tuổi…

Một người làng tôi lấy chồng Hoa kiều. Lão này làm phắc-tơ(2) xe lửa. Vợ chồng lão khá đông con. Gia đình lão lại sắp phải về Tàu. Chừng thấy tôi làm thằng nhỏ tốt, họ có ý định “ xin” về giúp việc gia đình. Họ cho bố mẹ tôi mượn trước hai chục bạc, và hẹn trả công tôi như sau: nuôi ăn, mỗi năm một bộ quần áo, sẽ trừ dần vào số tiền mượn trước cho đến hết nợ. Sau đó sẽ xin việc làm cho ở ngay ga.

Nghe nói phải sang Tàu, mẹ tôi không đồng ý cho đi. Mẹ tôi cho là rừng thiêng nước độc, đi rồi bỏ xác bên đó. Ở làng ở xóm, có đói có rét cũng còn có mẹ có con.

Bố tôi thì cứng rắn hơn. Trông đàn con nheo nhóc, bố tôi bảo:

- Thôi! Nhà mình nghèo!... Nó đi, được ấm cái thân nó! Sau này người ta lại tìm việc làm cho! Nó có ở nhà với bu mày cũng vẫn đói khát, sinh tội ra… Tiền người ta đưa, tôi cố đi làm chuyến nữa… Chả nhẽ ông trời bắt tội mình nghèo mãi!...

Tôi rời khỏi làng xóm, đi với gia đình lão phắc-tơ. Không có gì khác trước. Vẫn làm thằng nhỏ con…

(1) Tiếng của Triều đình nhà Nguyễn chỉ cuộc khởi nghĩa của Cao Bá Quát ( 1854 – 1855).

(2) Nhân viên trên một đoàn tàu, làm nhiệm vụ soát vé hành khách.

SANG TÀU!

Nhà lão phắc-tơ ở ngay phố Chỉ Thôn(1), đằng sau ga Chỉ Thôn. Hắn nghiện thuốc phiện và có tiếng là hách. Vợ hắn là một mụ đàn bà cay nghiệt và ác. Nó mở một cửa hàng bán tạp hóa. Nhà nó có sáu đứa con: thằng Phúc, thằng Lộc, con Cắm, thằng Sầu, con Ngần, thằng Coóng. Thằng Lộc lớn hơn tôi; con Cắm, thằng Sầu bằng tuổi tôi, con Ngần bé hơn và thằng Coóng lên bốn.

Tôi ở đất khách quê người. Chung quanh tôi, không ai là người thân thích…

Tôi được một bộ quần áo. Ở Chỉ Thôn rét lắm. Quần áo ít, da gà nổi lên khắp người. Tôi không biết là bố mẹ tôi đã mang một món nợ đối với tên phắc-tơ xe lửa già này, và cả đời tôi cột chặt vào hai chục bạc ở quê nhà. Tôi cũng không biết tôi sẽ phải kéo dài cái đời đi ở đến bao giờ. Nhiều lúc nhớ mẹ, nhớ ba em dại, nước mắt cứ ứa ra. Mụ chủ trông thấy lại đay nghiến:

- Đồ chảy thây chảy xác ! Không giặt cái quần đi cho bà thì mày còn om xương với bà !

- Thằng ranh! Còn đứng đấy mà khóc à?

Tôi vội giơ cùi tay lên chùi nước mắt chạy đi luôn. Không chạy khuất mắt mụ là mụ véo, mụ tát, mụ cốc đến thủng đầu ra.

Nhà nó có sáu con những hai đứa lớn đi học xa, còn bốn và hai vợ chồng nó, tổng cộng là sáu mống. Tất cả công việc trong nhà - gánh đủ nước, nấu cơm, giặt giũ, dọn dẹp, lau nhà… - đều do hai bàn tay của một thằng bé mười ba tuổi làm hết. Xuống suối lấy nước thì mất hai cây số vừa đi vừa về, đường nhỏ khó đi, có chỗ lên dốc. Nếu gánh trộm nước của sở Hỏa xa cũng đi mất năm trăm mét. Đầu tiên tôi chỉ gánh được nửa thùng. Sau nâng dần lên, gánh thêm được một ít, một ít nữa. Dần dần tôi gánh được đầy, nhưng phải nghỉ làm nhiều lần. Đi bấy nhiêu đường đất, gánh đủ nước cho vợ chồng con cái nó tắm và rửa chân cũng đủ cật sức rồi, huống hồ còn bao nhiêu việc chính và việc linh tinh khác… Tôi đi gánh nước chậm, nó cũng chửi; giặt quần áo vải dày, vò không sạch, không kỹ, nó cũng đánh. Cổ sơ-mi còn một tí vết bẩn, nó cũng bợp tai, vả vào mặt, véo đứt từng miếng thịt ra. Khốn khổ, nắm tay trẻ con phỏng được bao nhiêu hơi sức mà vắt quần áo được kỹ như người lớn! Nó lầu bầu chửi suốt ngày…

Trời rét, nhưng phải đi đất, nẻ toác chân ra. Con nó thải guốc cũ đi. Tôi nhặt lấy, tối đi ngủ mới đi rửa chân. Củi nó chỉ cho có hạn. Đến bữa cơm, cả nhà nó ăn thừa mình mới được ăn: có ít ăn ít và thường là ăn không đủ no.

Các con nó thì hạch sách tôi đủ điều. Tôi múc nước cho con Ngần, thằng Sầu rửa chân. Trời rét, nước hơi nguội nó cũng kêu, hơi nóng chúng nó cũng giãy nảy lên, bù lu bù loa mách mẹ. Tôi lại được một cái cốc thủng đầu! Cả với những đứa bé hơn tôi, tôi đều phải gọi chúng bằng “cô, cậu” và xưng “ cháu”. Khi chúng nó ăn cơm, tôi phải đứng xới cơm. Nhiều lúc chúng nó làm quá, tôi bướng, cãi lại.

Đồ chơi chúng nó để đâu, quên đi, chúng nó đổ cho tôi lấy. Hòn bi của thằng Coóng, cục tẩy, cái bút chì của thằng Sầu, con Ngần rơi đâu mất, chúng nó cũng bảo tôi “ tháu cáy” (2). Tôi làm gì đến cục tẩy và cái bút chì? (Giá tôi biết vẽ, thế nào tôi cũng vẽ cái mặt con mẹ nó lúc nào cũng như khỉ phải mắm tôm và lầu bầu chửi suốt ngày!)

Hôm nào mẹ chúng nó đi chơi, chúng nó làm quá là tôi chống lại. “ Mẹ mày! Ông bịch cho mà biết tay! Về mà mách!”. Ở trong nhà này không ai thương tôi cả. Ngay những đứa bé cũng lứa với tôi cũng không chơi chung với tôi bao giờ. Tôi là thằng nhỏ, chúng nó là con nhà chủ nên có quyền sai phái tôi… Đánh xong, mặc cho chúng bù lu bù loa, tôi ra ngoài phố.

Đường phố là nơi tôi được sống thoải mái nhất. Tôi hay nghịch với trẻ con ngoài phố. Bọn trẻ này là người địa phương. Trong bọn này có những đứa coi thường tôi, ít chơi với tôi, vì chúng cho tôi là đứa ở. Tôi còn nhớ có một thằng là thằng Sần hay chơi với tôi. Bố Sần làm thư ký ở ga Chỉ Thôn và là em bố thằng Phúc, thằng Lộc. Tôi hay nghịch, Sần cũng hay nghịch. Hai đứa cùng hay nghịch nên gặp nhau là chơi thân với nhau. Những cuộc đá bóng, bắn súng cao su, chơi cầu, thả diều, đều có mặt hai đứa. Ngoài ra còn có thằng bạn nữa là Tiểu Trương. Tiểu Trương hơn tôi đến năm, sáu tuổi. Bố Tiểu Trương là người Trung Hoa, làm thợ, còn Tiểu Trương học việc ở xưởng máy. Một hôm tôi gánh nước mệt quá, đỗ gánh xuống nghỉ. Tiểu Trương thấy, gánh hộ tôi một quãng. Từ đó chúng tôi đánh bạn với nhau.

Tôi bé, hay nghịch, hay tiếp xúc với bọn trẻ người địa phương nên mới ba tháng đã nói được tiếng Trung Quốc.

Khi còn ở quê nhà, trước khi “ sang Tầu”, lão phắc-tơ nói với bố mẹ tôi là “ mỗi năm cho một bộ quần áo”. Thực ra, tôi chỉ chuyên mặc thừa của bọn con cái nhà nó. Cái bộ quần áo lúc ra đi, sau một năm gánh nước và làm quần quật, đã rách bươm…

Hơn một năm qua đi. Cuộc sống khổ cực quá. Tôi bắt đầu có phản ứng kịch liệt. Trước tôi còn chờ cho con mục chủ nanh ác ấy đi chơi vắng, tôi mới giã bọn thằng Sầu, con Ngần. Nay thì mẹ chúng nó ở dưới bếp, tôi ở trên nhà tôi cũng đánh. Mấy anh chị em nó xúm lại đánh tôi. Ba, bốn đứa quây lấy tôi, đấm đá. Tôi đánh cho ngã hết. Một mình chọi được ba, bốn là vì tôi phải lao động nên chân tay cứng cáp. Nghe thấy tiếng kêu khóc, mụ chủ chạy lên, vác gậy đuổi đánh tôi…

Con Cắm đi lấy chồng. Thằng Phúc bắt đầu làm phắc-tơ nhà ga. Thằng Lộc vẫn đi học. Ở nhà chỉ còn thằng Sầu, con Ngần và thằng Coóng. (Chúng nó ăn uống no đủ, được chiều chuộng, tẩm bổ nên chóng lớn). Tôi hay nện chúng, nện cả ba đứa. Đã nện còn cảnh cáo: “ Mẹ mày ở nhà, mày hay bắt nạt ông. Ông “ oánh” cho mày biết tay! Ông “oánh"  cho mày mách!”

Một hôm, thằng Coóng chẳng biết để đâu cái súng cao su. Nó bảo tôi lấy của nó. Mẹ nó đánh tôi. Gái đĩ già mồm, nó vừa đánh vừa chửi. Tôi chống đỡ kịch liệt, có lúc còn trả đòn! Bao nhiêu điều uất ức lâu nay ngấm ngầm, tôi cố chịu đựng để cho ở quê nhà mẹ tôi trả được hết món nợ, được dịp bùng lên. Những lần khác, bị mụ đánh, tôi chỉ ôm đầu kêu xin hoặc chạy trốn. Lần này thì khác hẳn: tôi không chịu nổi nữa. Tôi không hiểu gì về sự áp bức bóc lột của bọn nhà giàu đối với người nghèo. Tôi chỉ biết là khổ quá, cực hơn cả những ngày còn ở quê nhà.

Con mụ mới mồm loa mép giải làm sao! Mồm nó chửi, tay nó đánh tới tấp. Tôi bé và thấp hơn nên lẩn tài, nó hở cơ là thoi cho một quả. Nó dọa gọi cảnh sát đến bắt tôi. Tôi đáp: “ Tôi chả có tội gì cả”.

Ý định bỏ nhà chủ đi bắt đầu từ đó. Tôi vừa tức vừa ức. Cái tức và cái ức cứ như từng cục cơm cháy chẹn lấy cổ. Ở cái đất Thường Tín(3) xa xôi kia, chắc mẹ tôi vẫn cứ tưởng là tôi được sung sướng. Mẹ tôi vẫn mơ ước tôi sẽ trở thành công nhân nhà ga! Ý nghĩ đầu tiên của tôi khi có ý định bỏ nhà chủ đi là: thứ nhất, khổ quá, không ở nữa; thứ hai, đi tìm một việc gì đấy, một việc khác. Cho nên quyết là đi!

Tôi biết bọn Tây qua những thằng Tây đoan đi bắt rượu lậu ở làng tôi. Từ lâu, tôi đã rất ghét chúng nên quyết không trở về quê, mặc dầu nhớ cha nhớ mẹ, nhớ các em ghê lắm. Tôi không có một xu dính túi. Bộ quần áo mặc thừa của thằng Sầu chẳng lành lặn gì. Không có tiền, nhưng tôi rất quyết tâm đi xin một việc làm khác, ở một nơi xa hẳn đây. Cho vợ chồng lão chủ nhà có gọi cảnh sát đến bắt lại cũng trơ mắt chão! Tôi muốn đi làm cách mạng nhưng không biết làm thế nào.

Tôi nghe lỏm được những người lớn nói là ở Côn Minh(4) tìm việc làm dễ lắm. Tôi có ý nghĩ: “ Phải đi Côn Minh!” Nhưng Côn Minh cách Chỉ Thôn những hơn hai trăm cây số, đi bằng cách nào?

Gặp tôi đi gánh nước, trông nét mặt khác ngày thường, Tiểu Trương, anh bạn tốt vẫn thường gánh nước giúp tôi, hỏi chuyện. Tôi tin anh nên kể hết. Anh nghe xong, gật gật đầu “ tuây, tuây, hảo, hảo”(5) mãi. Anh cũng kể cho tôi nghe nỗi niềm của anh: anh học việc đã lâu, đến thời hạn được hưởng lương thợ chính mà bọn chủ cố tình lờ đi. Anh chán lắm rồi, muốn đi khỏi đây. Anh khuyến khích tôi…

Tôi và Tiểu Trương làm quen và đánh bạn với nhau lần đầu tiên ở một việc làm giúp nhau. Lần này ý định và quyết tâm của mỗi người lại gặp nhau.

Tôi bỏ nhà chủ đi. Trên mình chỉ có bộ quần áo xạ-phang màu xanh đã cũ. Hàng cúc nhỏ cài hơi ép làm căng lên bộ ngực nở và đôi vai khỏe mạnh.

 

(1) Tiếng Trung Quốc là Xì Xuyên

(2) Ăn cắp

(3) Huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông

(4) Côn Minh là Thủ phủ của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

         (5) Đúng, đúng, tốt, tốt

Bảo Thơ

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/hoi-ky-lon-len-nho-cach-mang-phan-12-a17312.html