Mở thêm nhiều cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Hungary

Chuyến thăm chính thức Hungary của Thủ tướng Phạm Minh Chính được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Hungary.

Gạo là một trong những mặt hàng xuất khẩu sang Hungary. (Nguồn: TTXVN)

Gạo là một trong những mặt hàng xuất khẩu sang Hungary. (Nguồn: TTXVN)

Quan hệ hữu nghị truyền thống hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Hungary trải qua gần 70 năm đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nhất là trong những năm gần đây.

Mặc dù không phải là thị trường lớn nhưng nhu cầu nhập khẩu của Hungary vẫn tăng hàng năm, đạt mức trên 100 tỷ USD/năm; trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam tăng khá.

Việc Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) có hiệu lực tiếp tục mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển thương mại hàng hóa và đầu tư tại thị trường EU nói chung và Hungary nói riêng.

Đặc biệt, chuyến thăm chính thức Hungary của Thủ tướng Phạm Minh Chính là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-Hungary.

Đối tác tin cậy

Nhận định về thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Hungary, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa 2 nước tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2016-2020, từ mức 266 triệu USD năm 2016 lên mức gần 1,3 tỷ USD năm 2020.

Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đứt gãy nguồn cung,…ảnh hưởng đến sức mua tại thị trường Hungary nên tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước có sự sụt giảm.

Ông Tạ Hoàng Linh cũng đưa ra dẫn chứng năm 2021 kim ngạch thương mại 2 nước giảm nhẹ 15% (xuống 1,09 tỷ USD). Đến năm 2022, tổng kim ngạch thương mại đã tăng nhẹ lên 9,7%, đạt 1,2 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu tăng 1,3% (577,5 triệu USD) và nhập khẩu tăng 18,7% (628,5 triệu USD).

Tuy nhiên, tính đến tháng 11 năm 2023, kim ngạch thương mại giữa hai nước đang có sự sụt giảm mạnh so với cùng kỳ 2022 (giảm 27,8% đạt 786 triệu USD); trong đó, xuất khẩu giảm 28,9% và nhập khẩu giảm 26,8%.

Có thể thấy, tốc độ tăng trưởng của nhóm hàng máy tính, linh kiện điện tử là nguyên nhân chính khiến tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hungary giảm trong 11 tháng năm 2023. Bởi lẽ đây là nhóm hàng chủ lực của Việt Nam, có kim ngạch xuất khẩu cao nhất, chiếm tỷ trọng cao nhất trong xuất khẩu của Việt Nam sang Hungary trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, với sự tác động của thời kỳ hậu COVID-19 cũng như cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, nên nhu cầu nhập khẩu của nước này đối với nhóm hàng linh kiện điện tử giảm.

Chia sẻ về thách thức khi xuất khẩu sang thị trường Hungary đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, giày dép, thủy hải sản, chè...do đặc tính của thị trường và nhu cầu tiêu dùng nên xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam trực tiếp sang Hungary còn rất hạn chế.

Mặt khác, thị hiếu và thói quen tiêu dùng của người dân Hungary rất hạn chế bởi người Hungary chỉ thích ăn cá nước ngọt (nhất là cá chép, trê...) và nghề nuôi trồng thủy sản ở Hungary phát triển khá mạnh, đủ cung cấp tiêu dùng. Trong khi đó người Hungary ít ăn hải sản, chủ yếu phục vụ cộng đồng người châu Á.

Ngoài ra, do sự cạnh tranh của hàng Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là Trung Quốc những năm gần đây mở một khu vực sản xuất và buôn bán hàng dệt may tại Italy nên hàng dệt may của Việt Nam vào Hungary bị ảnh hưởng.

Điểm bất lợi nhất đối với hàng xuất khẩu vào Hungary là địa lý cách trở, trong khi đó Hungary không có cảng biển nên hàng từ Việt Nam xuất khẩu sang Hungary đều cập cảng tại một số nước châu Âu có cảng biển như Đức, Hà Lan... sau đó đưa về Hungary bằng đường bộ, dẫn đến chi phí hàng nhập khẩu vào Hungary cao hơn.

Theo các chuyên gia thương mại, mặt hàng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh bao gồm thiết bị, băng thu âm; linh kiện dùng cho màn hình, máy chiếu, máy quay, radio; bộ phận của ắc quy; khung xe đạp; vật liệu thấu kính quang phổ. Một số mặt hàng Việt Nam được coi là có tiềm năng xuất khẩu vào Hungary bao gồm vật liệu thấu kính quang phổ; bộ phận của ắc quy; hạt điều; càphê; gạo.

Đáng lưu ý, Hungary có ngành công nghiệp ôtô khá phát triển, nhiều hãng ô tô nổi tiếng như Audi, Mercedes hay các nhà máy sản suất linh phụ kiện được đặt tại Hungary nhưng hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực này còn rất hạn chế.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp dược, thực phẩm chế biến, IT cũng phát triển tốt. Mặc dù trong thời gian qua nhiều hãng dược phẩm cũng như sản phẩm thực phẩm chế biến của Hungary đã thâm nhập thị trường Việt Nam nhưng chỉ dưới hình thức buôn bán thương mại là chính, chưa có nhiều sự đầu tư, sản xuất.

ttxvn-1801hungary-5621.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Hungary Katalin Novak trong khuôn khổ Hội nghị COP 28 tại UAE. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm đến việc hợp tác với các nhà sản xuất dược phẩm Hungary để sản xuất, thậm trí muốn mua nhà máy quy mô vừa và nhỏ của Hungary để sản xuất dược phẩm.

Thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 11 năm 2023, Hungary có 21 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký 72,26 triệu USD, đứng thứ 52/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có đầu tư vào Việt Nam.

Các dự án đầu tư tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là những ngành mà Hungary có thế mạnh. Một số lĩnh vực công nghiệp mà Việt Nam và Hungary đã và đang hợp tác, hứa hẹn nhiều triển vọng gồm cung cấp nước sạch, xử lý chất thải, công nghệ thông tin, công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng...

Theo kế hoạch Khóa họp Ủy ban hỗn hợp lần thứ 10 sẽ được tổ chức vào năm 2020 tại Việt Nam, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thay đổi nhân sự Phân ban của hai bên nên Khóa họp đã được tạm hoãn. Theo dự kiến, Khóa họp lần thứ 10 sẽ được tổ chức vào đầu năm 2024 tại Việt Nam.

Tận dụng lợi thế

Thời gian tới, để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hungary, ông Phạm Ngọc Chu - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary cho rằng bên cạnh tính thời điểm, sản phẩm của Việt Nam phải đảm bảo các quy định về chất lượng, quy cách đóng gói, ngôn ngữ thể hiện trên bao bì.

Ngoài ra, khi bắt tay với nhà phân phối hàng hóa tại Hungary, doanh nghiệp trong nước phải đảm bảo nguồn cung liên tục, chất lượng ổn định và có thông điệp xuyên suốt tới khách hàng.

Tương tự, Thương vụ Việt Nam tại thị trường Hungary nhấn mạnh, giải pháp hiệu quả, thiết thực vẫn là tổ chức đoàn doanh nghiệp sang Hungary nghiên cứu thị trường, tiếp xúc trực tiếp với đối tác sở tại, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư.

Bên cạnh đó, tổ chức và tham gia các buổi hội thảo doanh nghiệp để quảng bá hàng xuất khẩu của Việt Nam, kết nối kinh doanh, đầu tư cũng như chương trình trưng bày, quảng bá hàng xuất khẩu Việt Nam. Đặc biệt, chủ động tìm kiếm các nhà nhập khẩu, phân phối sở tại giới thiệu cho các nhà xuất khẩu Việt Nam và ngược lại.

Nhằm tận dụng tốt hơn những lợi thế từ Hiệp định EVFTA từ đó đẩy mạnh xuất khẩu, Thương vụ lưu ý, Hungary nằm trong khối Liên minh châu Âu nên có những đòi hỏi, quy định rất khắt khe, những tiêu chuẩn rất cao về chất lượng, môi trường, xã hội, lao động...Hơn nữa, hàng hóa cần phải đồng nhất về chất lượng giữa các lô hàng mới giữ được uy tín của doanh nghiệp với đối tác.

Do vậy, Thương vụ khuyến cáo doanh nghiệp cần nghiên cứu thật kỹ về thị trường, thấu hiểu văn hóa, xu hướng, nhu cầu sử dụng của thị trường. Với lợi thế bổ trợ lẫn nhau này, hai nước hoàn toàn có dư địa để tìm kiếm cơ hội mở rộng và tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế-thương mại trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

 

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/mo-them-nhieu-co-hoi-hop-tac-kinh-te-thuong-mai-giua-viet-nam-va-hungary-a17359.html