Thúc đẩy giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm

Tình hình kinh tế-xã hội tháng 1-2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, đạt những kết quả quan trọng, đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực, đó là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày hôm qua (1-2). Trong đó, các nội dung liên quan đến việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi được dư luận quan tâm, chú trọng.

257570856pm-1706867909.jpg
Hoạt động tư vấn, môi giới chứng khoán tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS). Ảnh: VĂN QUANG

Tháo gỡ những điểm nút, vướng mắc 

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, đầu tư công là một trong những nội dung Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn có sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao trong suốt thời gian qua. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ xác định đầu tư công là một trong những lĩnh vực vừa hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa giúp đỡ tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn trong phát triển. 

Đối với vốn đầu tư công, ngay trước ngày 31-12 của năm trước, Chính phủ đều giao 100% số vốn sau khi Quốc hội quyết định. Năm nay với số vốn 657.000 tỷ đồng, đến nay Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ cùng các cơ quan Trung ương và địa phương tổng số vốn khoảng 632.000 tỷ đồng, đạt gần 97%. So với đầu năm 2023 vừa qua thì chúng ta chỉ đạt hơn 78%. Số vốn giao ngay từ đầu năm cao như vậy đã phản ánh ngay trong kết quả giải ngân tháng 1-2024. Cụ thể, trong tháng 1-2024, số giải ngân cả thuế theo số liệu của Bộ Tài chính đạt 16.900 tỷ đồng, tương đương 2,58%, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái cả về số tương đối và số tuyệt đối. Cùng kỳ năm 2023, chúng ta chỉ đạt 1,8%, số giải ngân 12.800 tỷ đồng.

Kết quả này đạt được là nhờ quá trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sát sao, xác định rõ vấn đề vướng mắc, khó khăn trong từng ngành, từng lĩnh vực, trong từng khâu của dự án đầu tư công. Đầu tư công không phải liên quan đến một luật mà là một chuỗi các quá trình hoạt động liên quan đến nhiều quy định pháp luật, từ đất đai đến môi trường, xây dựng, quản lý rừng, ngân sách... Những điểm nút, vướng mắc, khó khăn này chính là vấn đề Chính phủ tập trung giải quyết và đem lại kết quả ngay từ đầu năm rất đáng khích lệ. 

Ví dụ, trong năm 2023, đối với các công trình dự án lớn về giao thông đường bộ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 106/2023/QH15 về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ liên quan đến các quy định pháp luật khác nhau. Sau đó, Chính phủ đã ban hành ngay Nghị quyết số 16/NQ-CP để cụ thể hóa triển khai. Đây là những giải pháp cụ thể nhất cũng như những hoạt động Chính phủ giao cho các cơ quan Trung ương, địa phương, các tổ công tác triển khai. Có thể nói, chúng ta đã có những giải pháp làm từ ngay đầu nhiệm kỳ và trong những năm 2021-2023 đến nay cũng như có những giải pháp đột phá để giải quyết các vướng mắc, đặc biệt là thể chế...

Sớm nâng hạng thị trường chứng khoán

Liên quan đến việc nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, quá trình phát triển của TTCK nước ta đã tích lũy được nhiều mặt. Đến giai đoạn hiện nay rất cần TTCK Việt Nam có bước phát triển mới. Cụ thể là việc được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo các tiêu chí của các tổ chức xếp hạng TTCK quốc tế. Mục tiêu này Chính phủ đã chỉ đạo. Quyết định số 1726/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 cũng xác định mục tiêu này.

Để đạt được mục tiêu này sớm nhất vào năm 2025, năm 2024 Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành liên quan phải tập trung vào 4 nhiệm vụ chính: Thứ nhất là xử lý yêu cầu ký quỹ trước khi giao dịch của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, quy định các nhà đầu tư nước ngoài đều phải thực hiện ký quỹ 100% trước khi giao dịch.

Đây chính là rào cản theo các tổ chức xếp hạng TTCK quốc tế mà chúng ta cần giải quyết nếu muốn nâng hạng. Bộ Tài chính sẽ trình cấp có thẩm quyền phương án khả thi để xử lý vấn đề này trong năm 2024. Giải quyết hiệu quả vấn đề ký quỹ trước khi giao dịch theo khuyến nghị của các tổ chức xếp hạng TTCK quốc tế là vấn đề quan trọng và cốt yếu của năm 2024.

Tiếp theo là yêu cầu của các tổ chức xếp hạng TTCK quốc tế về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với doanh nghiệp niêm yết giao dịch cổ phiếu trên TTCK. Thứ ba là vấn đề minh bạch thông tin của các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Việc này Bộ Tài chính sẽ triển khai ngay trong nửa đầu năm 2024, cũng như sắp xếp các bước đi phù hợp nhất. Kết thúc năm 2024, các doanh nghiệp niêm yết cơ bản phải công bố thông tin của mình theo quy định trên thị trường. Cuối cùng, Bộ Tài chính sẽ chủ động sớm nhất đưa hệ thống giao dịch chứng khoán mới vào vận hành trên thị trường, bảo đảm yêu cầu giao dịch thanh toán lưu ký của TTCK.

NGUYỄN ANH VIỆT

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/thuc-day-giai-ngan-dau-tu-cong-ngay-tu-dau-nam-a17619.html