Hợp tác giữa Việt Nam với Australia trong lĩnh vực khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo là không có giới hạn

Sáng 8/3 (giờ địa phương), tại Thủ đô Canberra, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Australia, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm làm việc tại Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO).

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ trao Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với CSIRO. Ảnh: THANH GIANG
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ trao Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với CSIRO. Ảnh: THANH GIANG

CSIRO là một cơ quan khoa học-công nghệ của chính phủ Australia, được thành lập vào năm 1916 với tên gọi ban đầu là Hội đồng Cố vấn khoa học và công nghiệp (Advisory Council of Science and Industry), sau đó đổi tên thành Hội đồng Nghiên cứu khoa học và công nghiệp (Council for Scientific and Industrial Research - CSIR) vào năm 1926.

Mục đích thành lập CSIR nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học để hỗ trợ các ngành công nghiệp quan trọng của Australia như: nông nghiệp, lâm nghiệp, khai khoáng, sản xuất chế tạo… Sau chiến tranh thế giới thứ hai, CSIR phát triển nhanh chóng, mở rộng các hoạt động nghiên cứu sang nhiều lĩnh vực mới như: công nghiệp dệt, vật liệu xây dựng, luyện kim, vật lý thiên văn, tài nguyên-môi trường… Năm 1949, CSIR đổi tên thành CSIRO (Commonwealth Scientific and Industrial Research Organisation) - Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối thịnh vượng chung như ngày nay.

Hiện nay, CSIRO là một trong những tổ chức khoa học-công nghệ đa ngành lớn nhất thế giới, gồm 5.500 nhân viên với 57 cơ sở đặt trên khắp nước Australia và các văn phòng đại diện tại Hoa Kỳ, Chile, Pháp, Singapore, Indonesia và Việt Nam; đóng góp giá trị khoảng 4,5 tỷ đô-la Australia cho nền kinh tế thông qua các hoạt động khoa học và công nghệ.

Hoạt động của CSIRO được chia thành ba mảng chính. Thứ nhất là nghiên cứu khoa học gồm 8 lĩnh vực: nông nghiệp và thực phẩm, năng lượng, tài nguyên đất và nước, công nghệ chế tạo, y tế và an ninh sinh học, thăm dò khoáng sản, khoa học đại dương và khí quyển, khoa học dữ liệu. Thứ hai là quản lý hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu và bảo tồn sinh học. Thứ ba là cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cho công nghiệp, chính phủ và cộng đồng thông qua đào tạo, xuất bản, các công nghệ về cơ sở hạ tầng và các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.

Hợp tác giữa Việt Nam với Australia trong lĩnh vực khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo là không có giới hạn ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm làm việc tại Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối Thịnh vượng chung (CSIRO).

CSIRO có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ trong nhiều năm qua, thông qua các hoạt động hợp tác nghiên cứu tại Việt Nam. Tháng 3/2018, CSIRO và Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký Thỏa thuận hợp tác nhằm thúc đẩy và hỗ trợ các tổ chức nghiên cứu Việt Nam và Australia trong các lĩnh vực mà CSIRO có thế mạnh gồm: nông nghiệp và thực phẩm, y tế và an ninh sinh học, năng lượng, tài nguyên đất và nước, công nghệ chế tạo, thăm dò khoáng sản, khoa học đại dương và khí quyển, công nghệ thông tin và dữ liệu.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các hoạt động hợp tác của CSIRO với Việt Nam, Tổng Giám đốc CSIRO Doug Hilton bày tỏ sự vui mừng khi có cơ hội trao đổi hợp tác giữa CSIRO với Việt Nam.

Ông nêu rõ, thế giới ngày nay đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức và hai nước không nằm ngoài thách thức ấy, không đơn độc giải quyết được. Do đó, cần hợp tác giữa các nhà khoa học để giải quyết, điều này tốt hơn là những giải pháp đơn lẻ. CSIRO tự hào mối quan hệ với Bộ Khoa học và Công nghệ, đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, vui mừng được hợp tác với Việt Nam về chương trình hợp tác khoa học-công nghệ như: chương trình về ngành tôm ở đồng bằng sông Cửu Long, chương trình chấm dứt rác thải nhựa mà hai nước đang đối mặt, hay như công nghệ quan sát bằng vệ tinh, chương trình nghiên cứu y tế phục vụ chữa trị ung thư. Australia mong muốn phát huy thành tựu, xây dựng tương lai đổi mới sáng tạo.

Đồng Bộ trưởng Ngoại giao Tim Watts vui mừng chào đón Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ông nêu rõ, hai nước tiếp nối mối quan hệ bền chặt về khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo. Hôm qua, hai nước đã tuyên bố nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, khẳng định mục tiêu chung, trong đó, nhấn mạnh các chương trình hỗ trợ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo là trụ cột của hai nước.

Việt Nam cũng tăng cường áp dụng khoa học công nghệ trong quản lý nhà nước, tác động tích cực các lĩnh vực. Chúng ta có thể thúc đẩy lĩnh vực quản lý nhà nước, giúp Việt Nam thu hút FDI về khoa học-công nghệ. Chính phủ Australia cam kết tăng cường kết nối hợp tác khoa học-công nghệ. Vừa qua, Australia công bố sáng kiến thành lập quỹ tài trợ đầu tư 2 tỷ USD đầu tư vào Đông Nam Á, đưa ra danh sách các doanh nghiệp đầu tư vào Đông Nam Á. CSIRO đang tăng cường hiện diện ở khu vực như hợp tác về nông nghiệp và ứng phó biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long; tăng cường hợp tác lĩnh vực chuyển đổi năng lượng. Các chương trình hợp tác này đang hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. ,

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt bày tỏ vui mừng về Chương trình Đổi mới sáng tạo của Australia; trong đó, CSIRO trực tiếp quản lý chương trình này, tăng cường hợp tác với Việt Nam, giúp Việt Nam phát triển lĩnh vực thuỷ sản, trồng trọt, các ngành sản xuất hiện đại hóa trên cơ sở thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, mang lại cơ hội cho người dân Việt Nam. Bộ Khoa học và Công nghệ vui mừng khi hai bên thống nhất triển khai giai đoạn 2 cho dự án này, tiếp tục có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác hai nước.

Thời gian tới, hai nước có nhiều nội dung triển khai trong lĩnh vực này. Việt Nam coi đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ là động lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, đang tập trung vào các lĩnh vực mới như: công nghệ thông tin, AI, dữ liệu lớn, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, nhất là tập trung vào nghiên cứu ngành sản xuất chip bán dẫn, hydrogen...

Việt Nam cũng ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp vì coi đây là trụ đỡ của nền kinh tế. Việc ký kết và triển khai biên bản ghi nhớ giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và CSIRO, cho thấy hai nước sẽ đẩy mạnh hợp tác thời gian tới, trong bối cảnh quan hệ hai nước đã được nâng cấp.

Hợp tác giữa Việt Nam với Australia trong lĩnh vực khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo là không có giới hạn ảnh 2

Quang cảnh buổi trao đổi của Thủ tướng Phạm Minh Chính với CSIRO.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan bày tỏ vui mừng thăm CSIRO lần thứ hai, lần trước CSIRO đã hợp tác với Đồng Tháp về xoài và một số chương trình giữa đồng bằng sông Cửu Long với CSIRO. Hiện CSIRO đang hợp tác với Học viện Nông nghiệp về ngành hàng trái cây, khoai tây chất lượng cao. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam, phê duyệt Đề án phát triển 1 triệu ha lúa ít phát thải, chất lượng cao. Các mô hình phát triển nông nghiệp của Việt Nam đều gắn với chuyển đổi xanh.

Việc hợp tác này giúp giải quyết các thách thức trong lĩnh vực nông nghiệp mà Việt Nam đang đối mặt. Thời gian tới, Việt Nam mong muốn tập trung hợp tác vào chuẩn hoá trong lĩnh vực nông sản, nhất là cá tra và tôm mà Việt Nam đang dẫn đầu thế giới, gắn ngành này với xu thế của thế giới là ít phát thải và chuyển đổi xanh, nên mong muốn CSIRO hỗ trợ Việt Nam.

Phát biểu ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự cảm ơn và xúc động khi được đến thăm làm việc với CSIRO; thể hiện sự ấn tượng trước các kết quả hợp tác nghiên cứu với Việt Nam; cảm ơn CSIRO đã hợp tác với Việt Nam nhiều lĩnh vực, cụ thể hoá nội dung quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện hai nước.

Thủ tướng bày tỏ ấn tượng CSIRO đang đi đúng hướng như: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, nông nghiệp… phù hợp các chính sách phát triển của Việt Nam.

Thủ tướng chúc mừng và cảm ơn CSIRO đã vào Việt Nam từ những năm 1980 khi Việt Nam còn lạc hậu nghèo nàn. Để phát triển được như ngày nay, Việt Nam có sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, trong đó, có bạn bè Australia, cho nên Việt Nam phải nỗ lực hơn để không phụ lòng bạn bè.

Thủ tướng cho rằng, thế giới hiện nay, về tổng thể là hòa bình, nhưng cục bộ vẫn có chiến tranh: tổng thể là hòa hoãn nhưng cục bộ vẫn căng thẳng; tổng thể là ổn định, nhưng cục bộ vẫn có xung đột. Điều này ảnh hưởng cả những nơi hoà bình như Australia hay Việt Nam.

Liên quan các vấn đề mang tính toàn cầu như chống biến đổi khí hậu thì nước nào cũng bị tác động. Australia và Việt Nam cũng đang bị tác động bởi biến đổi khí hậu, các hội nghị COP từ Paris đến Dubai đều thấy rõ, tất cả phải chung tay ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu; hay điển hình là các vấn đề chống đại dịch Covid-19, cạn kiệt tài nguyên, già hoá dân số. Đó là vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân cần phải đoàn kết quốc tế; vấn đề toàn dân phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể; người dân phải tham gia các chính sách, hướng các cam kết quốc tế cho người dân; biến các chương trình, dự án thành của cải, vật chất cụ thể. Do đó, vai trò đoàn kết toàn cầu, đề cao chủ nghĩa đa phương là hết sức cần thiết.

Hợp tác giữa Việt Nam với Australia trong lĩnh vực khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo là không có giới hạn ảnh 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính với cán bộ của CSIRO.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc chúng ta cùng nhau hợp tác nghiên cứu không những cho Australia và Việt Nam mà còn góp phần giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân.

Thủ tướng cũng muốn chia sẻ quan hệ hai nước hiện đang rất tốt đẹp sau 50 năm quan hệ ngoại giao và đã bước sang quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện - mức quan hệ ngoại giao cao nhất trên thế giới trong thời điểm hiện nay. Thủ tướng nêu rõ, trong “6 cái hơn” của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện là thúc đẩy hợp tác khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn.

Thủ tướng bày tỏ mong muốn hợp tác với CSIRO cần phải có “sản phẩm cụ thể”, tin tưởng các kết quả hai bên đang nghiên cứu là rất tốt đẹp, cần phát huy hơn nữa.

Thủ tướng bày tỏ việc cảm nhận tình cảm của nhân dân Australia đối với Việt Nam, nhất là các nhà khoa học Australia rất chân thành, tin cậy, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao.

Thủ tướng cảm nhận được điều này từ trái tim, nhắc lại ấn tượng khi Toàn quyền Australia trực tiếp lái xe điện đưa Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Dinh Toàn quyền. Sự đón tiếp của Chính phủ Australia dành cho Đoàn công tác Việt Nam cũng hết sức đặc biệt, trọng thị khi Thủ tướng Australia dẫn Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tận phòng làm việc, giới thiệu gia đình, hỏi thăm về sở thích….

Thủ tướng nhấn mạnh, việc hợp tác trong khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đối với chúng ta là không có giới hạn, song vấn đề là cách thức hợp tác như thế nào.

Thủ tướng đề nghị hai bên xây dựng các dự án tranh thủ gói tài trợ đã có mà Australia đã dành cho ASEAN hay cho Việt Nam, cụ thể như trên lĩnh vực trái cây, lúa gạo, tôm… với tinh thần đi thẳng vào vấn đề thiết thực, cụ thể.

Thủ tướng mong muốn tiếp tục mời lãnh đạo CSIRO sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội thúc đẩy hợp tác, muốn vậy, phía Việt Nam cũng phải chuẩn bị kỹ các dự án.

Theo Thủ tướng, hai bên phải hướng nguồn vốn tài trợ vào các chương trình, dự án trọng tâm, trọng điểm, đúng mục đích. Trong quá trình hợp tác, trao đổi, liên kết thì có những vấn đề thuận lợi nhưng cũng có những khó khăn, đó là điều đương nhiên. Tuy nhiên, chúng ta nỗ lực để thành công nhiều hơn thất bại, thuận lợi nhiều hơn khó khăn, vướng mắc. Chính phủ Việt Nam sẽ có các cơ chế, chính sách, ưu tiên, chỉ đạo, điều hành để việc triển khai hợp tác hai bên được thuận lợi.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ trao Biên bản ghi nhớ giữa Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt với Tổng Giám đốc CSIRO Doug Hilton.

THANH GIANG

 

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/hop-tac-giua-viet-nam-voi-australia-trong-linh-vuc-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-la-khong-co-gioi-han-a18333.html