Thanh long giảm phát thải bán được giá cao, xuất khẩu qua nhiều thị trường khó tính. |
Năm 2021, tỉnh Bình Thuận tham gia dự án “Thúc đẩy sự tham gia của tư nhân đầu tư phát thải các-bon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp trong thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai trên địa bàn ba huyện: Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam.
Tiết kiệm khoảng 40% chi phí
Chỉ mới 9 giờ sáng, nông dân Trần Đình Trung thuộc Hợp tác xã thanh long Thuận Tiến (xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc) đã nghỉ ngơi, không phải chăm sóc thanh long nữa. Trước kia, với diện tích 1,5 ha, ông Trung phải lao động quần quật đến gần 11 giờ trưa mới nghỉ. Ngoài ra, ông còn phải thuê hai, ba lao động.
Còn hiện tại, khu vườn này chỉ cần thuê một lao động mà công việc cũng xong sớm. Vừa mới sản xuất xong, ông Trung mở ứng dụng “Chuỗi thanh long xanh” trên điện thoại để cập nhật lượng phân bón, ngày sản xuất, lượng nước tưới, tỉa cành, chong đèn,…
Những số liệu khi cập nhật vào “Chuỗi thanh long xanh” sẽ có công thức tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là một héc-ta giảm được bao nhiêu lượng phát thải. Nông dân Trần Đình Trung chia sẻ: Từ sau khi hết dịch Covid-19, thông qua Trung tâm Khuyến nông của tỉnh, hợp tác xã đã được dự án hỗ trợ 50% vật tư sản xuất như thay đổi sang bóng đèn LED 9W tiết kiệm năng lượng trong xử lý thanh long ra hoa trái vụ, đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm. Trung bình, một héc-ta đầu tư khoảng 80 triệu đồng cho hệ thống tưới nhỏ giọt, tiết kiệm gần 40 triệu đồng cho hệ thống đèn LED.
Qua một mùa vụ, kết quả đạt hơn mong đợi, chi phí giảm khoảng 40%. Đơn cử, tiền điện giảm được 50%, phân bón giảm 30%, công giảm được 30%,… |
Nông dân cũng thay đổi cách bón phân, từ chủ yếu là rải bằng tay; bây giờ dùng bón phân hữu cơ của Nhật, Israel hòa tan vào hệ thống tưới nhỏ giọt tưới tận gốc cây. Hệ thống tưới được đặt đúng vị trí, cho nên tiết kiệm được lượng phân, nhân công tưới và tiết kiệm nước. Nhờ vậy, thanh long được phân tích đạt chất lượng cao, có thể xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
Đại diện lãnh đạo Hợp tác xã thanh long Thuận Tiến cho biết: Trước kia, nông dân sử dụng đèn tròn, đèn compact tốn rất nhiều điện, nên thường xảy ra việc thiếu điện vào mùa vụ sản xuất trái vụ. Từ khi chuyển sang bóng đèn LED, nông dân không còn lo lắng việc thiếu điện vào mùa sản xuất. Nếu dự án đầu tư thêm hệ thống năng lượng mặt trời có bình tích trữ điện để dùng chong đèn vào buổi tối sẽ giảm phát thải rất nhiều; từ đó, sản xuất thanh long giảm thêm phát thải, có cơ hội bán được thêm tín chỉ các-bon.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, dự án có bốn đơn vị tham gia: Hợp tác xã thanh long Thuận Tiến, Hợp tác xã thanh long sạch Hòa Lệ (huyện Hàm Thuận Bắc), Hợp tác xã dịch vụ sản xuất thanh long Hàm Minh 30 (huyện Hàm Thuận Nam) và Công ty trách nhiệm hữu hạn nước ép Phúc Hà (huyện Bắc Bình).
Hiện nay, thanh long Bình Thuận đã xuất khẩu sang hơn 20 thị trường. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận Phan Văn Tấn cho biết: Thanh long Bình Thuận được Cục Sở hữu trí tuệ cấp đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa với tên “Thanh Long Bình Thuận” đã được Liên minh châu Âu (EU) bảo hộ. Hình ảnh và nhãn hiệu “Bình Thuận DRAGON FRUIT” đã đăng ký và được 13 quốc gia, vùng lãnh thổ đồng ý bảo hộ.
Dự án thúc đẩy phát triển nâng cao chất lượng liên kết chuỗi thanh long theo hướng phát thải các-bon thấp, bền vững và chống chịu với rủi ro khí hậu; quảng bá phát triển thương hiệu cho sản phẩm thanh long tỉnh; hợp tác trong việc thúc đẩy chuyển đổi trong quản lý và sản xuất thanh long. Không những thế, dự án kêu gọi nguồn tài chính “xanh” và các cơ chế ưu đãi tài chính để đầu tư cho các công nghệ sản xuất và chế biến thân thiện môi trường, phát thải các-bon thấp.
Nền tảng để bán khí thải các-bon
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phan Văn Tấn cho biết thêm: Dự án xây dựng ứng dụng “Chuỗi thanh long xanh” truy xuất nguồn gốc minh bạch sản phẩm và sản xuất có trách nhiệm đã xây dựng niềm tin của người tiêu dùng, xác lập tính cạnh tranh trên thị trường; có thể quét mã QR để chứng minh chất lượng và trách nhiệm môi trường của hoạt động chế biến, đẩy mạnh phát triển theo hướng xanh, sạch; góp phần thực hiện canh tác thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu.
Hệ thống cho phép theo dõi thời gian thực và truy cập vào số liệu thống kê cập nhật về lượng khí thải các-bon, bảo đảm tuân thủ các cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon mới nổi ở các thị trường xuất khẩu cao cấp.
Từ khi triển khai, hệ thống truy xuất thực hiện từ 50 ha tăng lên gần 270 ha, thu hút gần 190 hộ gia đình thực hành các phương pháp xanh trên chuỗi cung ứng thanh long của Bình Thuận. Tính đến hết năm 2023, có hơn 8.500 lượt héc-ta thanh long, tương ứng với hơn 23.000 tấn thanh long đã được theo dõi phát thải các-bon. |
Theo ông Phan Văn Tấn, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục phát triển công cụ truy xuất nguồn gốc điện tử gắn với theo dõi dấu chân các-bon và ứng dụng quản lý thông minh. Từ thanh long, sở sẽ mở rộng ra thêm các cây trồng chính khác. Sở đang nỗ lực để thúc đẩy thị trường tiêu thụ các sản phẩm chất lượng cao dựa vào thế mạnh mới của hệ thống truy xuất nguồn gốc và dấu chân các-bon. Mặc dù nông dân đã sẵn sàng thực hiện bước nhảy vọt sang thực hành nông nghiệp “xanh”, nhưng rào cản tài chính và cho vay đang là một thách thức.
Do đó, Nhà nước, các tổ chức cần có thêm các mô hình tài chính xanh với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ tỉnh tạo cú huých chuyển đổi hệ thống nông nghiệp xanh. Từ các nền tảng trên, nông dân sẽ sản xuất giảm thêm phát thải, hướng tới bán tín chỉ các-bon.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, hệ thống truy xuất nguồn gốc cũng phân tích và đưa ra các giải pháp giảm phát thải các-bon trong sản xuất và vận chuyển nông sản. Việc chuyển đổi từ bóng đèn compact sang đèn LED đã giúp giảm tới 68% lượng khí thải từ việc sử dụng điện. Khi người tiêu dùng sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, có thể biết chính xác mức C02 tương đương/kg trái cây.
Hiện, bộ đang tiếp tục đề xuất xây dựng đề án chuyển đổi phát triển thanh long bền vững, các-bon thấp tại các vùng sản xuất thanh long trọng điểm đến năm 2030. Đề án cũng hỗ trợ Bình Thuận đẩy mạnh trồng xen canh cây gỗ trên ranh giới các trang trại thanh long để hấp thụ khí thải nhà kính. Trồng từ 100 đến 300 cây/ha cây ăn quả, mỗi trang trại có thể hấp thụ 0,9-2,8 tấn C02/ha/năm, tương đương giảm 20-45% lượng khí thải.
Với thời tiết thường xuyên có gió, Bình Thuận cần đầu tư năng lượng tái tạo sử dụng điện gió để có điện phục vụ chong đèn vào buổi tối. Có thể thấy, khí thải các-bon như một sản phẩm “vô hình” nhưng lại bán được. Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên |
Nếu môi trường trong lành, thanh long còn bán được khí thải các-bon thì nông dân chắc chắn làm, bảo vệ môi trường sống, hướng tới phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Nhà nước cần nghiên cứu thêm việc sản xuất phân hữu cơ từ nguồn cỏ, cành thanh long. Nhà nước cần hỗ trợ, khuyến khích, tạo nguồn vốn vay để nông dân tiếp cận dễ dàng, thuận lợi nhằm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất xanh. Ngoài ra, các tổ chức quốc tế hỗ trợ nguồn vốn cũng là một lợi thế để có thể tiếp cận được các đơn vị quốc tế mua tín chỉ các-bon.
Từ khi triển khai tại Bình Thuận, dự án có khoảng 4.495 người được hưởng lợi. Dự án hỗ trợ gần 60 ha với hơn 80.000 bóng đèn; hoàn thành lắp đặt cho 36 ha hệ thống tưới tiết kiệm nước; tiết kiệm được từ 55 đến 78% điện năng tiêu thụ; áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm đã giảm khoảng 41% lượng nước. Dự án còn triển khai hệ thống lắp năng lượng mặt trời góp phần giảm chi phí đầu vào và giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất và chế biến thanh long, với công suất 30,25 kWp thi công trên diện tích 270 m2 tại nhà đóng gói của Hợp tác xã Hòa Lệ và 29,7 kWp thi công trên diện tích 100 m2 tại nhà đóng gói của Trịnh Anh. |
BÀI VÀ ẢNH: THANH HẢI
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/mo-hinh-canh-tac-thong-minh-thich-ung-bien-doi-khi-hau-a18406.html