Khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn lực chuyển đổi số
Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng nông thôn. Trong đó, chuyển đổi số cấp xã là một chủ trương đúng đắn giúp thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị, cũng như giúp xoá đi ranh giới giữa người dân ở hai khu vực.
Ông Lê Nhật, Phó Giám đốc Trung tâm Chính phủ số, Cục Chuyển đổi số Quốc gia |
Tuy nhiên, việc chuyển đổi số tại cấp xã đang gặp hai khó khăn chủ yếu gồm: Nhận thức chuyển đổi số và nguồn lực chuyển đổi số.
Trước vấn đề này, ông Lê Nhật, Phó Giám đốc Trung tâm Chính phủ số, Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, những khó khăn trong chuyển đổi số ở cấp xã xuất phát từ nhận thức của cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn chưa đầy đủ về chuyển đổi số và các nội dung liên quan đến chuyển đổi số, như xây dựng chính quyền số, hạ tầng số, kênh giao tiếp với người dân, đưa người dân lên các sàn thương mại điện tử, quảng bá thương hiệu địa phương trên internet và các dịch vụ thông minh.
Đồng thời, sự vào cuộc và quyết tâm chính trị về chuyển đổi số của lãnh đạo cấp xã còn chưa quyết liệt; một số xã do chưa được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm nên việc triển khai còn chậm và không đồng bộ.
Đặc biệt, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là nguồn lực (nhân lực, kinh phí đầu tư). Ngoài vấn đề lớn là kinh phí, thì phần lớn cán bộ làm công tác tham mưu về công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các cơ quan chỉ thực hiện nhiệm vụ phụ trách, kiêm nhiệm, nên việc chủ động tham mưu triển khai xây dựng chính quyền số còn chưa kịp thời.
"Nguồn lực hỗ trợ chuyển đổi số cấp xã còn thấp. Các xã chưa có nhân lực biên chế, được đào tạo về công nghệ thông tin nên gặp khó khăn khi triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số" - ông Lê Nhật nêu.
Chuyển đổi số là lĩnh vực hoàn toàn mới, với nhiều nội dung và đòi hỏi phải hiểu biết sâu, có trình độ ứng dụng công nghệ thông tin. Thậm chí, một số xã không có cán bộ công nghệ thông tin, nên khi máy móc, thiết bị trục trặc, không kết nối được mạng internet, xã phải thuê nhân viên kỹ thuật ngoài đến sửa chữa.
Để giải quyết việc này thì cần triển khai các nền tảng dùng chung trong toàn tỉnh, tuy nhiên về thực tế vẫn còn một bộ phận lớn cán bộ ngại sử dụng công nghệ do hạn chế về trình độ, cũng như nhận thức còn chưa đầy đủ.
Triển khai thí điểm chuyển đổi số tại một số xã
Theo ông Lê Nhật, Phó Giám đốc Trung tâm Chính phủ số, Cục Chuyển đổi số Quốc gia, để thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị thông qua thực hiện chuyển đổi số ở cấp xã (là đơn vị hành chính thấp nhất ở Việt Nam, bao gồm cả xã, phường và thị trấn), Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều bước triển khai cụ thể thông qua các chương trình thí điểm chuyển đổi số cấp xã, hay lồng ghép vào các chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua.
Các tỉnh/thành phố trong cả nước đang đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số |
Cụ thể, ngày 31/7/2020 Cục Tin học hoá Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn số 1021/THH-DVCNTT về việc hướng dẫn mô hình thí điểm xây dựng xã thông minh, ngày 15/7/2020 Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có văn bản số 2605/BTTTT-THH gửi UBND một số tỉnh theo chương trình thí điểm về việc phối hợp triển khai thí điểm chuyển đổi số tại một số xã trên địa bàn các tỉnh.
Qua quá trình triển khai nhiều địa phương đã có những kết quả nhất định như tại xã Yên Hoà, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, xã Vi hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, các xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Đồng Nai, Quảng Nam…
Từ chương trình thí điểm này nhiều địa phương đã chủ động nhân rộng các kết quả thí điểm và thành công bước đầu trên địa bàn toàn tỉnh, ví dụ như ở Ninh Bình theo kế hoạch đến hết năm 2024 hoàn thành 100% chuyển đổi số cấp xã theo phiên bản 1.0.
Ngoài ra, ngày 29/05/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công văn 3445/BNN-VPĐP về việc hướng dẫn tạm thời về triển khai xây dựng mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh, xã thương mại điện tử.
Ngoài các xã đã được Trung ương lựa chọn thí điểm xây dựng mô hình xã nông thôn mới thông minh (theo Quyết định 969/QĐ-BNN-VPĐP năm 2023 và Quyết định 182/QĐ-BNN-VPĐP năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), xã được lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình xã nông thôn mới thông minh, phải đảm bảo đáp ứng các tiêu chí như xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 hoặc xã có khả năng áp dụng công nghệ thông tin và công nghệ số và trong lĩnh vực nổi trội, hoặc có các điều kiện khác về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực hay tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh…
Trong năm 2023, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng dự thảo “Ban hành Khung tiêu chí và phương pháp đánh giá, xét công nhận mức độ chuyển đổi số cấp huyện và cấp xã đoạn 2023 - 2025 (Phiên bản 1.0)”. Trong năm 2024, Cục Chuyển đổi số quốc gia sẽ trình ban hành văn bản này.
Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã xuất bản cuốn “Làng số” ra đời tiếp sau cuốn Cẩm nang chuyển đổi số, viết về những câu chuyện của người dân bình thường đã tự mình sử dụng công nghệ số để giải quyết các vấn đề hàng ngày trong cuộc sống. Mỗi câu chuyện đều khắc hoạ con người cụ thể, công việc cụ thể, vấn đề cụ thể, cách làm cụ thể, công cụ cụ thể và kết quản cụ thể.
Người dân tự làm để giúp chính mình, sau đó giúp gia đình mình và những người xung quanh, sẽ dần hình thành nên những công dân số, gia đình số, ngôi làng số và quốc gia số. Làng số cũng giới thiệu khoảng 50 câu chuyện điển hình, gắn với hơn 100 con người điển hình, cụ thể.
Từng câu chuyện đều gắn với bối cảnh, cách làm và kết quả để người dân, chính quyền tham khảo, học hỏi, áp dụng để lan toả, từng bước thí điểm, nhân rộng, từ đó hình thành nên các làng số trên khắp cả nước.
Ngoài ra các tỉnh/thành phố trong cả nước cũng triển khai rất nhiều các nội dung theo các Quyết định, Chiến lược, kế hoạch chung liên quan đến các trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số ở các cấp chính quyền nhằm thu hẹp các khoảng cách này trong đó lấy người dân làm trung tâm, nâng cao chất lượng cuộc sống, sản xuất.
Quỳnh Nga
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/rut-ngan-khoang-cach-chuyen-doi-so-giua-nong-thon-va-thanh-thi-a18539.html