Kiên quyết phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ

Bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có những thông điệp sâu sắc về niềm tự hào truyền thống vẻ vang của Đảng và nhiệm vụ quan trọng phải tiếp tục tiến hành để giữ vững và phát huy truyền thống.

Kiên quyết phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ

Trong đó, có nội dung quan trọng được cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên” theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết; thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước… Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người sa vào tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn.

Chỉ đạo này của Tổng Bí thư thể hiện quan điểm, phương châm nhất quán của Đảng ta trong công tác tổ chức cán bộ: Kết hợp giữa xây và chống; xây là đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục nâng cao kiến thức, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới; chống là đấu tranh, loại bỏ những hành vi tha hóa, lạm dụng quyền lực nhằm làm trong sạch đội ngũ cán bộ. Tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh, nhiệm vụ từng giai đoạn cách mạng khác nhau mà mỗi nội dung được đề cao, nhấn mạnh khác nhau.

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, khi đất nước đang ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, tác động của mặt trái cơ chế thị trường ngày càng tinh vi, phức tạp thì việc phòng chống sự tha hóa, lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ luôn được Đảng ta đặc biệt quan tâm.

Đã có những văn bản quy định, hướng dẫn làm rõ các hành vi tha hóa, biến chất, lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ, cùng với đó là các giải pháp ngăn ngừa và trách nhiệm cụ thể của tập thể, cá nhân trong triển khai thực hiện các giải pháp đó.

Cụ thể như Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền xác định rõ sáu hành vi chạy chức, chạy quyền; các biện pháp xử lý cán bộ, đảng viên có hành vi chạy chức, chạy quyền.

Sau hơn 4 năm thực hiện Quy định này, các bước, các khâu trong quy trình công tác cán bộ được các cấp ủy thực hiện nghiêm túc. Nhiều hiện tượng phổ biến trước đây như thăng tiến “thần tốc”; đưa người nhà, người thân vào vị trí quan trọng hay tạo “sân trước, sân sau”… đã giảm.

Tuy nhiên trong thực tiễn, vẫn còn những hành vi chưa được nhận diện chính xác, cụ thể cho nên tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong công tác cán bộ chưa được ngăn ngừa triệt để.

Ngày 11/7/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ thay thế cho Quy định số 205-QĐ/TW.

Quy định này vừa bao quát hơn, vừa cụ thể hơn, các chế tài cũng rõ ràng hơn. Trong đó có một điểm mới là cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan như: Thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị…

Đây là một bước tiến về tư duy chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, thể hiện quyết tâm của Đảng ta cũng như của đồng chí Tổng Bí thư là chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ.

Tiếp thu tinh thần ấy, các cấp ủy đảng và từng cán bộ, đảng viên phải quán triệt sâu sắc, thực hiện đầy đủ Quy định số 114-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

Các cấp ủy đảng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như đẩy mạnh công tác giáo dục lý luận chính trị, tăng cường rèn luyện nâng cao bản lĩnh, phẩm chất chính trị của cán bộ, đảng viên để có “sức đề kháng” trước những biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ.

Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ; tăng cường sự lãnh đạo của tập thể, mở rộng dân chủ trong các quy trình công tác cán bộ, kiên quyết “nói không” với những toan tính lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Cùng với đó phát huy mạnh vai trò giám sát của nhân dân, các tổ chức chính trị-xã hội trong việc kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên và trong thực hiện công tác cán bộ.

VŨ HỒNG PHONG (xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình)

Công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”

Trong phần thứ ba của bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cần phải tiếp tục quán triệt, vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm mà Đại hội XIII của Đảng đã đúc kết, trong đó: “Công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã căn dặn: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, “Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong” (Sửa đổi lối làm việc).

Thực tế thời gian qua, tình trạng một bộ phận cán bộ tha hóa, biến chất, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đã làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng và đảng viên.

Qua một số vụ án lớn cho thấy, việc xử lý vi phạm nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ đã nảy sinh ở đây đó tâm lý e ngại, không dám quyết, không dám làm, sợ trách nhiệm, dẫn đến công việc chậm tiến độ, trì trệ, hoạt động của bộ máy kém hiệu quả.

Nguyên nhân của những tình trạng nêu trên trước hết là do công tác cán bộ bị buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát chặt chẽ và thường xuyên cho nên đánh giá cán bộ chưa đúng, bố trí cán bộ chưa phù hợp và không kịp thời phát hiện để ngăn chặn những biểu hiện suy thoái của cán bộ. Một số nơi còn có hiện tượng nội bộ bao che, dung túng cho nhau, xuê xoa trong chính sách cán bộ.

Việc lấy hiệu quả công tác làm thước đo đánh giá năng lực cán bộ chưa thực hiện nghiêm túc, phê bình và tự phê bình chưa thực chất, còn nể nang, ngại va chạm, không kiên quyết thay thế những cán bộ không đủ năng lực, thiếu trách nhiệm, làm việc không hiệu quả…

Quán triệt nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư, bảo đảm công tác cán bộ thực sự là “then chốt của then chốt”, chúng ta cần phải quyết tâm làm tốt từ khâu lựa chọn cán bộ, trước hết là người đứng đầu, phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết.

Để khắc phục tình trạng phẩm chất đạo đức, năng lực cán bộ không tương xứng với trách nhiệm được giao thì trong quy trình bổ nhiệm cán bộ cần thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ theo nguyên tắc quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm; kiên quyết chống chạy chức, chạy quyền, chống các biểu hiện bè phái, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ, dứt khoát không để lọt người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Cùng với đó phải kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng trong công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm trách nhiệm đối với những tổ chức, cá nhân sai phạm; mở rộng thực hiện cơ chế dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, lắng nghe ý kiến của các đoàn thể và nhân dân trong quá trình đánh giá cán bộ.

Đảng ta đã có nhiều quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên các cấp, chống chạy chức, chạy quyền, về kiểm soát quyền lực. Từng cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần phải thực hiện tốt các quy định đó và cần có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ có vi phạm, bảo đảm không có vùng cấm, không được để xảy ra tình trạng kỷ luật đảng và pháp luật bị khinh nhờn.

NGUYỄN THỊ KIÊN (Chi bộ 13, Đảng bộ phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội)

 

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/kien-quyet-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-trong-cong-tac-can-bo-a18848.html