Xuất khẩu hàng hóa trong quý 1/2024 đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tới 86% tổng kim ngạch xuất khẩu, góp phần đưa cán cân thương mại xuất siêu hơn 8 tỷ USD trong quý đầu năm.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết việc “nâng chất” các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, nâng cao giá trị trong thời gian tới.
Xuất khẩu là điểm sáng đáng kể của ngành công thương quý đầu năm 2024 với kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 93 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng, là: Nông, lâm, thuỷ sản; công nghiệp chế biến chế tạo và nhiên liệu khoáng sản.
Cụ thể hơn, nhóm nông, lâm, thủy sản ước đạt 8,46 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,09% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong nhóm này, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước như: càphê tăng 54,2%; gạo tăng 40%; chè các loại tăng 27%; rau quả tăng 25,8%; nhân điều tăng 20,5%; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 21,1%. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản quý 1/2024 ước đạt 1,13 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Điểm nhấn tích cực là xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo ước đạt 79,6 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là nhóm hàng chiếm 86% tổng kim ngạch xuất khẩu và là động lực chính thúc dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành.
Ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Công Thương) cho biết kim ngạch xuất khẩu của nhiều nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến đạt mức tăng trưởng cao (một số nhóm hàng tăng trưởng ở mức hai đến ba con số), trong đó các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: sản phẩm chất dẻo tăng gần 132%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 18,9%; giày dép các loại tăng 11,7%; sắt thép các loại tăng 32,7%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 30,3%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 9,7%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 10,2%...
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao. Ông Bùi Huy Sơn dẫn chứng, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 26,06 tỷ USD, chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc ước đạt 12,68 tỷ USD, tăng 5,2%; Thị trường EU ước đạt 12,1 tỷ USD, tăng 16,3%; Hàn Quốc ước đạt 6,6 tỷ USD, tăng 12,9%; Nhật Bản ước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 6,4%...
Trong quý đầu năm, dệt may là một trong những ngành hàng đóng góp tích cực cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, với mức tăng gần 8%. Theo ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt ở những thị trường chủ lực, trong đó, các thị trường chính như Mỹ và EU, Nhật Bản, Trung Quốc đều giữ mức tăng trưởng cao, từ 7,5% đến 17% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhìn nhận việc tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 3/2024 tới 35,6% và tính chung quý 1/2024 là 17% cho thấy rõ hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đang phục hồi tốt. Đây là cơ sở để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cả năm 2024 đặt ra là trên 6%.
Theo ông Hải, hiện Việt Nam tham gia ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), cơ bản các thị trường FTA đều có hiệu quả rất tốt và các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều nằm trong các FTA.
Hiện nay Việt Nam đang đàm phán 3 FTA, đó là FTA giữa Việt Nam và Khối EFTA (bao gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein); Việt Nam tham gia khuôn khổ đàm phán FTA Asean và Canada và FTA Việt Nam với UAE hiện đang nỗ lực kết thúc đàm phán sớm.
“Riêng hiệp định thương mại giữa Việt Nam với UAE, đây là FTA đã được đàm phán nhanh, khi hai bên nhận thấy các tiềm năng hợp tác phát triển,” ông Trần Thanh Hải nói.
Nêu rõ giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2024 khoảng 6% so với năm 2023, ông Trần Thanh Hải cho biết Bộ Công Thương tiếp tục nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đã đề ra, trong đó tập trung vào mở rộng đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) và phổ biến những lợi ích và ưu đãi của các hiệp định đã ký để các doanh nghiệp thực hiện tốt hơn.
Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương cũng đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, tập trung vào những chương trình Chuyển đổi Số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử để có được các kênh khơi thông về xuất khẩu hàng hóa.
"Bộ Công Thương tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đơn giản hóa hoặc giảm bớt những điều kiện kinh doanh để giúp cho doanh nghiệp xuất khẩu có thêm nhiều kênh, nhiều cơ hội phát triển…," ông Trần Thanh Hải thông tin thêm.
Thực tế cho thấy, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có với các đối tác/thị trường tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư… Song, kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới với nhiều rủi ro và thách thức và khó đoán định; tăng trưởng kinh tế tại nhiều khu vực được dự báo thấp hơn so với năm 2023.
Mặt khác, việc các nước phát triển quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng đang tiếp tục là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn/quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu… cho thấy còn nhiều khó khăn trong hoạt động xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam trong thời gian tới.
Do vậy, để đáp ứng các yêu cầu cao của thị trường, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh việc “nâng chất” các FTA cũng là vấn đề đặt ra. Đơn cử như các hiệp định liên quan vấn đề ASEAN và ASEAN+ với các đối tác, Việt Nam tiếp tục đàm phán để nâng cấp lên, mở rộng thị trường, mở rộng cả phạm vi, mức độ tiếp cận thị trường.
“Thị trường vẫn vậy nhưng đàm phán để mở cửa hơn. Cùng với đó là phải tận dụng được các FTA hiện tại đã có hiệu lực với các thị trường truyền thống, cũng như tìm kiếm thị trường mới, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới,” ông Nguyễn Sinh Nhật Tân nói.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng lưu ý các đơn vị theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới, đồng thời, tiếp tục kịp thời thông tin với các hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu giúp doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường.
Song song đó, Bộ Công Thươn tiếp tục duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu bền vững./.
(Vietnam+)
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/nang-chat-cac-fta-them-xung-luc-cho-xuat-khau-tai-cac-thi-truong-trong-diem-a19199.html