"10 mặt được" nổi bật của tình hình kinh tế - xã hội Quý I/2023 gồm:
Thứ nhất, tăng trưởng GDP quý I đạt 5,66%, cao hơn cùng kỳ từ 2020 và cao hơn kịch bản đề ra. Cả 3 khu vực đều phát triển tốt: Nông nghiệp tăng 2,98%, công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%, dịch vụ tăng 6,12%.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (nông nghiệp chỉ còn chiếm 11,77%, công nghiệp và xây dựng chiếm 35,67%, dịch vụ chiếm 43,48%, thuế trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,02%).
Một số địa phương có ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao so với cùng kỳ (Quảng Ninh tăng 39,9%, Phú Thọ tăng 27,7%, Bắc Giang tăng 24%, Thanh Hoá tăng 18,6%, Hà Nam tăng 17,9%, Ninh Thuận tăng 17,4%, Tây Ninh tăng 14,4%, Hải Dương tăng 12,8%).
Thứ hai, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm (xuất đủ nhập-xuất siêu 8,08 tỷ USD; làm đủ ăn-xuất khẩu trên 2 triệu tấn gạo, trị giá 1,37 tỷ USD; an ninh năng lượng, lương thực, cung cầu lao động được bảo đảm).
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 giảm 0,23% so với tháng 2; bình quân quý I tăng 3,77% (cùng kỳ năm 2023 là 4,18%; chỉ tiêu Quốc hội là khoảng 4-4,5%). Tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm.
Thứ ba, xuất khẩu tiếp tục tăng cao, tiếp tục xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 3 đạt 65 tỷ USD, tăng 35,6% so với tháng trước và 12% so với cùng kỳ. Tính chung quý I đạt 178 tỷ USD, tăng 15,5%; trong đó xuất khẩu tăng 17% (khu vực trong nước tăng 26,2%, cao hơn khu vực FDI tăng 13,9%), nhập khẩu tăng 13,9%, xuất siêu 8,08 tỷ USD.
Thứ tư, các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 tăng 9,2% so với cùng kỳ; tính chung quý I tăng 8,2%. Số lượt khách quốc tế tháng 3 đạt gần 1,6 triệu lượt, tăng 78,6% so với cùng kỳ; tính chung quý I đạt trên 4,6 triệu lượt, tăng 72% (tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 trước khi xảy ra dịch COVID-19).
Thứ năm, tình hình tài chính-ngân sách Nhà nước tiếp tục được cải thiện rõ nét. Thu ngân sách Nhà nước quý I đạt 31,7% dự toán năm, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách được kiểm soát tốt, thấp hơn nhiều giới hạn quy định. Thị trường chứng khoán phục hồi tích cực, chỉ số VNIndex tăng trên 13%, giá trị giao dịch tăng 28,2%, vốn hoá thị trường 12,2% so với cuối năm 2023.
Thứ sáu, đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I tăng 5,2% so với cùng kỳ (quý I/2023 tăng 3,7%). Giải ngân vốn đầu tư công đạt 13,67% kế hoạch năm, cao hơn cùng kỳ (10,35%), số tuyệt đối cao hơn 16.500 tỷ đồng. Thu hút FDI đạt 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% (cao nhất trong 5 năm qua).
Thứ bảy, phát triển doanh nghiệp tiếp tục tăng với xu hướng tích cực. Tháng 3/2024 có 14.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 64,3% so với tháng 2; tính chung quý I có 36.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 6,9% và 23.600 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 2,4% so với cùng kỳ.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo: Có 82% số doanh nghiệp đánh giá dự kiến quý II ổn định và tốt hơn so với quý I/2024; đặc biệt có 82,9% số doanh nghiệp đánh giá đơn hàng xuất khẩu quý II ổn định và tăng hơn so với quý I/2024.
Thứ tám, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện. Trong quý I có 93,6% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ. Thu nhập bình quân của lao động quý I/2024 đạt 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 7,8% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo từ các địa phương, tổng số tiền thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các đối tượng bảo trợ xã hội là 8.100 tỷ đồng; hộ nghèo, hộ cận nghèo hơn 2.400 tỷ đồng; người có công và thân nhân là 9.200 tỷ đồng; cấp phát hơn 27,1 triệu thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho các đối tượng thụ hưởng. Hỗ trợ hơn 17.700 tấn gạo nhân dịp Tết, giáp hạt. Các hoạt động văn hoá, lễ hội, thể thao được tổ chức rộng khắp, nhất là dịp Tết Nguyên đán.
Thứ chín, cải cách hành chính được chú trọng, nhất là cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính; phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Thứ mười, chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng-an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, tổ chức thành công nhiều hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh; uy tín và vị thế đất nước tiếp tục được nâng lên./.
PV (TCVĐ)
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/10-mat-duoc-noi-bat-ve-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-i2024-a19295.html